Vì sao cuộc chiến kinh tế chống Nga của phương Tây thất bại?
Phương Tây đang tiến hành cuộc chiến kinh tế chống Nga với các biện pháp trừng phạt khắc nghiệt nhằm “cường điệu” về ảnh hưởng của mình trên toàn thế giới, tờ The Spectator của Anh ngày 13/5 bình luận.
Theo The Spectator, cuộc chiến kinh tế của phương Tây với Mosckva đang gây ra cú sốc tài chính và nỗi sợ hãi ở quy mô chưa từng thấy trước đây. Hiện, Nga gần như bị cắt đứt hoàn toàn với các thị trường phương Tây, thông qua các biện pháp trừng phạt và tẩy chay đối với tất cả các mặt hàng xuất nhập khẩu, trừ những mặt hàng nhân đạo như thuốc men. Theo lý thuyết, Nga sẽ bị “bần cùng hóa” đến mức phải nhượng bộ liên quan đến cuộc xung đột ở Ukraine.
Trong khi đó, rất ít người ở phương Tây thấy được cuộc chiến này đang diễn ra gay gắt và tồi tệ như thế nào. Bản thân châu Âu đã phải trả giá đắt khi thực hiện tẩy chay phần lớn dầu mỏ và khí đốt của Nga.
Nhập khẩu nhiên liệu hóa thạch của Anh từ Nga đạt tổng cộng 4,5 tỷ bảng Anh vào năm 2021; trong năm tính đến tháng 1/2023 – chính thức giảm xuống còn 1,3 tỷ bảng Anh. Năm 2020, EU nhập 39% khí đốt và 23% dầu mỏ từ Nga; trong quý 3 năm ngoái, con số này lần lượt giảm xuống còn 15% và 14%.
Kinh tế Nga vẫn trụ vững trước áp lực trừng phạt từ phương Tây. Ảnh: RIA Novosti/TTXVN |
Nhưng những con số này không thể hiện nhiều về mức độ thiệt hại của nền kinh tế Nga. Rõ ràng là trong khi phương Tây muốn tiến hành một cuộc chiến tranh kinh tế với Nga thì phần còn lại của thế giới dường như lại không. Khi xuất khẩu dầu và khí đốt sang châu Âu giảm, Nga đã nhanh chóng tăng xuất khẩu sang Trung Quốc và Ấn Độ - cả hai nước này đều tăng cường mua dầu với giá chiết khấu.
Trớ trêu hơn, một số lượng dầu của Nga xuất khẩu sang Ấn Độ dường như đã chuyển hướng trở lại châu Âu, với sự gia tăng số lượng tàu lấy dầu tinh chế từ Ấn Độ qua Kênh đào Suez.
Trong khi đó, một cuộc điều tra của tờ Bild (Đức) đã phát hiện ra sự tăng trưởng đáng lo ngại trong xuất khẩu sang các nước giáp biên giới với Nga. Chẳng hạn, việc nhập khẩu xe cơ giới của Đức vào Kazakhstan đã tăng 507% và tới Armenia tăng 761% trong năm ngoái. Xuất khẩu sản phẩm hóa chất sang Armenia tăng 110% và Kazakhstan tăng 129%. Doanh số bán thiết bị điện và máy tính cho Armenia tăng 343%.
Điều gì xảy ra với những loại hàng hóa này khi chúng đến các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trên là không dễ xác định, nhưng một khả năng cao là chúng sẽ được chuyển đến Nga khi dòng chảy thương mại bị chuyển hướng.
Và ngay cả khi những mặt hàng đó không được tái xuất chính thức, nhiều công dân Nga vẫn được miễn thị thực vào các quốc gia Trung Á và có thể vận chuyển hàng hóa qua biên giới.
Phương Tây đã có chính sách nhắm mục tiêu đặc biệt vào những người Nga giàu có bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Nhưng trớ trêu thay, họ lại là những người có thể dễ dàng tiếp cận hàng hóa phương Tây nhất thông qua thương mại chuyển hướng. Họ là những người có hộ chiếu kép: có thể đi du lịch nước ngoài để mua sắm những món đồ xa xỉ.
Do đó, thiếu một cuộc tẩy chay toàn cầu đối với Nga, rất khó để ngăn hàng hóa do phương Tây sản xuất đến tay những người Nga giàu có, trong khi các quốc gia không thuộc phương Tây không sẵn sàng áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga hoặc các nhà tài phiệt Nga. Vào tháng 4 năm ngoái, IMF dự báo rằng nền kinh tế Nga sẽ giảm 8,5% vào năm 2022 và thêm 2,3% trong năm nay. Trên thực tế, GDP của Nga chỉ giảm 2,1% trong năm ngoái và năm nay IMF lại dự báo mức tăng là 0,7%.
Tóm lại, tờ The Spectator nhấn mạnh, nền kinh tế Nga đến nay vẫn không bị sụp đổ và chỉ đơn thuần được cơ cấu lại, định hướng lại về phía Đông và phía Nam thay vì về phía Tây.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc