Nghĩa vụ quân sự bắt buộc đang quay trở lại châu Âu do xung đột ở Ukraine?
Sau khi Liên Xô sụp đổ và Chiến tranh Lạnh ở châu Âu kết thúc, nhiều quốc gia đã bãi bỏ nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Nhưng sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, một số nước đang cân nhắc đưa quy định này quay trở lại.
Sau khi Bức tường Berlin sụp đổ và Chiến tranh Lạnh kết thúc, chế độ nghĩa vụ quân sự toàn dân dường như dần biến mất ở châu Âu. Trong 20 năm qua, nghĩa vụ quân sự bắt buộc đã bị bãi bỏ ở hầu hết các quốc gia trên lục địa này.
Đức đã đình chỉ nghĩa vụ quân sự vào năm 2011, nhưng có thể được áp dụng lại nếu Quốc hội nước này xác định rằng cần phải bảo vệ theo quy định của hiến pháp.
Tình hình cũng tương tự ở nhiều nước châu Âu khác. Trong số 31 quốc gia là thành viên của NATO, chỉ có 6 quốc gia duy trì nghĩa vụ quân sự bắt buộc kể từ năm 1993.
Tuy nhiên, cuộc xung đột Nga - Ukraine đã làm dấy lên nhiều cuộc tranh luận về vấn đề này, với nhiều nước ở châu Âu đang cân nhắc liệu họ có nên tái thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc và tăng ngân sách quốc phòng hay không.
Ukraine và Litva
Ngay sau khi Nga sáp nhập Crimea vào năm 2014, Ukraine đã áp dụng lại nghĩa vụ quân sự bắt buộc đối với nam giới từ 18 đến 26 tuổi. Litva tiếp tục chế độ này vào năm 2015 với nam giới từ 18 đến 25 tuổi. Sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraine vào tháng 2/2022, Kiev ban hành luật quy định tất cả đàn ông khỏe mạnh trong độ tuổi từ 18 đến 60 đều có thể phải thực hiện nghĩa vụ quân sự bắt buộc.
Cuộc xung đột ở Ukraine đang thúc đẩy các nước châu Âu áp đặt nghĩa vụ quân sự bắt buộc trở lại. Ảnh: AP/DPA |
Latvia
Quốc gia vùng Baltic này là một trong ba thành viên NATO, cùng với Estonia và thành viên mới Phần Lan, có biên giới giáp với Nga. Latvia đang có kế hoạch áp dụng lại nghĩa vụ quân sự bắt buộc, điều mà hai nước còn lại trên chưa bao giờ bãi bỏ.
Từ năm 2024, tất cả nam giới Latvia từ 18 đến 27 tuổi sẽ phải trải qua 11 tháng huấn luyện quân sự. Từ năm 2028, 7.500 người Latvia sẽ được gọi nhập ngũ mỗi năm. Theo NATO, con số này tương đương với tổng số quân nhân chuyên nghiệp của nước này vào năm 2022.
Romania
Nỗ lực đầu tiên nhằm áp dụng lại nghĩa vụ quân sự bắt buộc đã thất bại vào năm 2015, nhưng Thủ tướng Romania Nicolae Ciuca, một vị tướng đã nghỉ hưu, đã lên tiếng ủng hộ một lần nữa vào mùa Xuân vừa qua.
Trong một dự thảo luật được công bố vào năm ngoái, Bộ Quốc phòng Romania đã ủng hộ đề xuất rằng tất cả những người Romania trong độ tuổi nhập ngũ sống ở nước ngoài sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ quân sự trong vòng 15 ngày trong trường hợp có tổng động viên.
Hà Lan và Thụy Điển
Quân đội Hà Lan hiện thiếu 9.000 binh sĩ và Chính phủ nước này đang xem xét tăng quân số thông qua nghĩa vụ quân sự bắt buộc, như Thụy Điển đã làm từ năm 2018.
Quốc gia lớn nhất Bắc Âu trên bãi bỏ nghĩa vụ quân sự bắt buộc vào năm 2010, nhưng đã áp dụng lại vì không có đủ tình nguyện viên đăng ký. Hiện tất cả thanh niên 18 tuổi đều được kêu gọi hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nhưng chỉ một tỷ lệ nhỏ được tuyển dụng để thực hiện, một trường hợp tương tự ở Na Uy.
Na Uy và Đan Mạch
Kể từ năm 2016, tất cả thanh niên 18 tuổi ở Na Uy - nam và nữ - đều phải đi nghĩa vụ quân sự. Nhưng chỉ khoảng 9.000 trong số 60.000 ứng viên hàng năm được gọi nhập ngũ trong 19 tháng.
Đan Mạch cũng có nghĩa vụ quân sự bắt buộc, nhưng có đủ tình nguyện viên để đáp ứng nhu cầu.
Pháp
Pháp hiện đang tranh luận về một hình thức nghĩa vụ quân sự "phù hợp". Tổng thống Emmanuel Macron đã giới thiệu "Nghĩa vụ Quốc gia Toàn cầu" vào năm 2019, cho phép những người trẻ tuổi tình nguyện thực hiện nghĩa vụ quân sự trong 1 tháng. Chính phủ Pháp hiện đang xem xét sẽ bắt buộc thực hiện điều này đối với tất cả công dân Pháp trong độ tuổi 15-17.
Đức
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bác bỏ đề xuất của Bộ trưởng Quốc phòng Boris Pistorius về việc áp dụng nghĩa vụ quân sự bắt buộc. Tuy nhiên, có những lời kêu gọi cho một cuộc tranh luận quốc gia về vấn đề này trong giới chính trị.
Ủy viên về quốc phòng của Quốc hội Đức Eva Högl, người cũng thuộc Đảng Dân chủ Xã hội cầm quyền như ông Scholz và Pistorius, gần đây đã gợi ý rằng nên có các cuộc thảo luận về một năm nghĩa vụ bắt buộc.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc