Multimedia Đọc Báo in

Phép thử lớn với quyết tâm của phương Tây trong ủng hộ Ukraine

16:44, 20/06/2023

Các cuộc bầu cử ở châu Âu và Mỹ có thể đặt ra câu hỏi về sự hỗ trợ của phương Tây đối với Ukraine và bất kỳ thách thức nào cũng có khả năng liên quan đến việc hạn chế viện trợ tài chính và vũ khí cho Kiev.

Sự hỗ trợ về tài chính và quân sự của phương Tây cho Ukraine liên quan đến cuộc xung đột với Nga đã được duy trì một cách đáng ngạc nhiên khi đối mặt với những khó khăn về kinh tế. Nhưng những thách thức đối với sự đoàn kết này đang gia tăng.

Cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể biến thành một "vũng lầy" mà không bên nào có thể đạt được mục tiêu đã đề ra. Lạm phát, đặc biệt là giá lương thực và nhiên liệu, đã giảm, nhưng nó vẫn tiếp tục gây ra khủng hoảng chi phí sinh hoạt cho nhiều người. Ủy ban châu Âu đang nỗ lực tìm cách tác động mạnh vào nền kinh tế Nga mà không làm ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng mong manh của EU.

Và ở cả Mỹ cũng như châu Âu, tình thế sẽ trở nên bấp bênh hơn trước thềm cuộc bầu cử vào năm 2023 và 2024, điều có thể khiến các ứng cử viên có những quan điểm rất khác nhau về sự ủng hộ cho Ukraine.

Một số quốc gia châu Âu rõ ràng đang thất vọng với tác động hạn chế từ các biện pháp trừng phạt do EU, Anh và Mỹ áp đặt với Nga. Điều này được thể hiện qua sự khó khăn trong việc thông qua gói trừng phạt thứ 11 theo đề xuất của EU. Dự kiến gói trừng phạt này ban đầu sẽ được công bố tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Nhật Bản, nhưng đã bị đình trệ hơn một tháng, với các cuộc đàm phán kéo dài trong cuộc họp ngày 14/6 của các đại sứ EU.

Tình hình kinh tế khó khăn và các cuộc bầu cử sắp tới ở phương Tây có thể ảnh hưởng đến sự hỗ trợ của họ cho Ukraine. Ảnh: Downing Street
Tình hình kinh tế khó khăn và các cuộc bầu cử sắp tới ở phương Tây có thể ảnh hưởng đến sự hỗ trợ của họ cho Ukraine. Ảnh: Downing Street

Bản thân gói trừng phạt trên phản ánh rằng phần lớn những gì châu Âu sẵn sàng trừng phạt đã được đưa ra và bây giờ nó chuyển sang vấn đề khó khăn là thực thi. Vấn đề ở đây là EU không có nguồn lực và không thể hiện sự quan tâm như các đối tác của mình là Mỹ và Anh.

Trong khi các cuộc thảo luận hiện tại xung quanh các biện pháp trừng phạt trở nên khó khăn hơn, thì mối đe dọa lớn nhất đối với việc tiếp tục hỗ trợ quân sự và tài chính cho Ukraine là các cuộc bầu cử sắp tới, vốn có thể khiến các đảng phái tập trung hơn vào các chương trình nghị sự trong nước. Các quốc gia cần theo dõi bao gồm Serbia, Tây Ban Nha và Ba Lan, tất cả đều có kế hoạch bầu cử trong năm nay.

“Tôi nghĩ rằng một trong những rủi ro lớn, rất lớn là có một cảm giác tuyệt vọng đang gia tăng trong cộng đồng châu Âu về việc liệu đây (Ukraine) có phải là điều đáng để tiếp tục đầu tư hay liệu nó có phải là một mục tiêu thất bại hay không”, Susi Dennison, chuyên gia phân tích chính sách cấp cao tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu cảnh báo.

Những lo ngại rằng các cuộc bầu cử ở châu Âu vào năm ngoái và đầu năm nay có thể dẫn đến một làn sóng các chính phủ theo chủ nghĩa biệt lập hơn cho đến nay vẫn chưa thành hiện thực. Các chính trị gia bảo thủ ở Italy và Thụy Điển đã tìm cách giải quyết các vấn đề trong nước như nhập cư, trong khi vẫn duy trì sự ủng hộ đối với các chính sách của EU đối với Ukraine và duy trì áp lực kinh tế đối với Nga.

Tuy nhiên, nếu xung đột Nga - Ukraine kéo dài và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt tiếp tục, cuộc bầu cử Nghị viện năm 2024 của EU sẽ phản ánh sự bất bình của người dân.

Các cuộc bầu cử ở Mỹ vào năm tới cũng đặt ra những rủi ro tương tự. Một số ứng cử viên Đảng Cộng hòa, đặc biệt là ứng cử viên hàng đầu Donald Trump, đã bày tỏ sự ủng hộ lạnh nhạt đối với Ukraine. Vũ khí và đạn dược của Mỹ, cũng như tài chính, là nền tảng cho sự hỗ trợ của phương Tây dành cho Ukraine, vì vậy bất kỳ sự thay đổi lớn nào ở đó đều có thể có tác động đáng kể.

Ở EU, cuộc xung đột ở Ukraine đã ảnh hưởng trực tiếp đến vấn đề lạm phát và nhập cư của châu Âu và một số đảng có thể kêu gọi giảm ủng hộ Ukraine để ưu tiên cho chi tiêu trong nước.

Trong khi đó, với triển vọng kinh tế tồi tệ của EU, những lời kêu gọi đoàn kết về tài trợ cho Kiev có vẻ mâu thuẫn với việc thắt lưng buộc bụng ở trong nước. Vì vậy, bà Dennison kết luận: “Điều này chắc chắn sẽ định hình các lựa chọn của chính phủ các quốc gia phương Tây trong những tháng tới".

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.