Multimedia Đọc Báo in

Chuyến thăm Bắc Kinh của bà Yellen báo hiệu nỗ lực tăng cường đối thoại Mỹ - Trung

17:59, 04/07/2023

Các cố vấn chính trị và giới chuyên gia nhận định rằng chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen báo hiệu hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đang nỗ lực tăng cường đối thoại thường xuyên, mang khả năng đặt nền móng cho việc giảm căng thẳng kinh tế song phương một cách đáng kể.

Dẫn lời các chuyên gia, nhật báo China Daily ngày 3/7 đưa tin những rủi ro từ tình trạng nợ quốc gia chồng chất ở Mỹ và các biện pháp trừng phạt của nước này đối với các công ty công nghệ Trung Quốc là hai trong số các mối quan tâm chính mà các quan chức Trung Quốc dự kiến bày tỏ quan điểm trong cuộc đối thoại với nữ Bộ trưởng Yellen.

Theo thông tin mà Bộ Tài chính Trung Quốc công bố, Bộ trưởng Tài chính Mỹ dự kiến thăm Trung Quốc từ ngày 6/7 đến 9/7. Chuyến thăm của nữ quan chức cấp cao diễn ra ngay sau chuyến công du của Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken vào tháng trước.

“Sau chuyến thăm trước đó của Ngoại trưởng Blinken đã mở đường cho nhiều cuộc trao đổi cấp cao hơn giữa Trung Quốc và Mỹ, chuyến đi của nữ Bộ trưởng Yellen cho thấy hai nước đang nối lại các kênh liên lạc thường xuyên, truyền tải ý định chung muốn tiến lên phía trước và xoa dịu tình hình căng thẳng”, ông Zhang Xiaotao – Trưởng khoa Khoa Thương mại và Kinh tế Quốc tế Trường Đại học Kinh tế Tài chính Trung ương – nhận định.

Chuyến thăm được chờ đợi từ lâu của Bộ trưởng Tài chính Yellen diễn ra trong bối cảnh quan hệ kinh tế Trung Quốc - Mỹ đang bị ảnh hưởng bởi căng thẳng địa chính trị và tranh chấp trong nhiều lĩnh vực, như công nghệ bán dẫn, chuỗi cung ứng và các vấn đề nợ. Chính vì vậy, chuyến thăm cũng làm dấy lên hy vọng có thể giúp giải quyết một số khác biệt.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong phiên điều trần trước Ủy ban dịch vụ tài chính của Hạ viện ở Washington, D.C. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen trong phiên điều trần trước Ủy ban dịch vụ tài chính của Hạ viện ở Washington, D.C. Ảnh: AFP/TTXVN

Wen Laicheng, chuyên gia tại Trung tâm Nợ Chính phủ Trung Quốc thuộc Bộ Tài chính kiêm giáo sư tại Đại học Tài chính và Kinh tế Trung ương, dự đoán trong các cuộc đối thoại trực tiếp tới đây, các quan chức tài chính cấp cao của Trung Quốc và Mỹ có thể bày tỏ quan điểm và ý kiến rõ ràng hơn. “Từ góc độ này, chuyến thăm rất quan trọng và mang ý nghĩa tích cực”, ông Wen nói thêm.

Theo Bộ Tài chính Mỹ, trong chuyến thăm Bắc Kinh, nữ Bộ trưởng Yellen có kế hoạch thảo luận với các quan chức Trung Quốc về tầm quan trọng của hai nước trong việc quản lý quan hệ song phương một cách có trách nhiệm, trao đổi trực tiếp về các lĩnh vực quan tâm và cùng nhau giải quyết các thách thức toàn cầu.

Zhang Lianqi, thành viên của Ủy ban Thường vụ Ủy ban Toàn quốc Hội nghị Hiệp thương Chính trị Nhân dân Trung Quốc (CPPCC) khóa 14, chỉ ra việc Mỹ đàn áp ngành công nghiệp bán dẫn và các ngành công nghiệp khác của Trung Quốc dự kiến là chủ đề chính của cuộc thảo luận. Ông Zhang cho biết các quan chức Trung Quốc cũng có thể bày tỏ lo ngại về rủi ro leo thang từ vấn đề nợ công của Mỹ sau khi chính phủ Mỹ đình chỉ trần nợ ở mức 31.400 tỷ USD.

Giới chuyên gia cảnh báo khó có khả năng một chuyến thăm đơn lẻ của một quan chức tài chính cấp cao Mỹ đạt được tiến triển thực chất trong việc giải quyết những bất đồng sâu xa giữa hai bên, nhất là khi Mỹ đã áp dụng chiến lược giảm thiểu rủi ro để che đi những chia rẽ trong chuỗi cung ứng.

“Một mặt, Mỹ hy vọng tăng cường liên lạc với Trung Quốc và nhận được sự ủng hộ của Trung Quốc, nhưng mặt khác, Mỹ tiếp tục đẩy mạnh các hành động thương mại chống lại Trung Quốc, chẳng hạn như thêm các công ty Trung Quốc vào danh sách thực thể để trừng phạt và khiến các nước khác ngăn chặn Trung Quốc trong các hoạt động thương mại về xuất khẩu sản phẩm công nghệ. Rõ ràng không có dấu hiệu cải thiện hay kỳ vọng cao trong vấn đề này”, Giáo sư Wen kết luận.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.