Multimedia Đọc Báo in

Tổng thư ký Liên hiệp quốc cảnh báo mục tiêu phát triển bền vững đang lâm nguy

17:18, 18/07/2023

Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres cho biết, tiến độ thực hiện 50% các Mục tiêu phát triển bền vững hiện ở mức “yếu và không đầy đủ”, trong khi đó hơn 30% số mục tiêu bị đình trệ hoặc đảo ngược.

Ngày 17/7, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres kêu gọi chính phủ các nước tăng cường hành động trong bối cảnh lộ trình hướng tới các Mục tiêu phát triển bền vững (SDG) gặp nhiều trở ngại.

Phát biểu khai mạc cuộc họp cấp bộ trưởng thuộc Diễn đàn Chính trị cấp cao về phát triển bền vững của Liên hiệp quốc (HLPF), diễn ra từ ngày 17-19/7, tại thành phố New York của Mỹ, Tổng thư ký Guterres cho biết tiến độ thực hiện 50% các mục tiêu SDG hiện ở mức “yếu và không đầy đủ.” Trong khi đó, hơn 30% số mục tiêu bị đình trệ hoặc đảo ngược.

Ông liệt kê một số vấn đề nhức nhối toàn cầu hiện nay như tình trạng ô nhiễm khí thải tăng và bất bình đẳng tồn tại trong nhiều lĩnh vực, nạn đói quay trở lại mức của năm 2005 và cần đến 300 năm nữa mới đạt được bình đẳng giới và gần 600 triệu người vẫn luẩn quẩn trong diện nghèo cùng cực vào năm 2030.

Đại dịch COVID-19, xung đột Nga - Ukraine, khủng hoảng khí hậu cũng như xung đột chính trị toàn cầu được cho là đã bào mòn những tiến bộ mong manh và hạn chế trong lộ trình thực hiện các mục tiêu SDG.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres trong cuộc họp báo tại New York, Mỹ ngày 17/7. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Tổng Thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres trong cuộc họp báo tại New York, Mỹ ngày 17/7. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Về vấn đề tài chính, Tổng thư ký Guterres cảnh báo nhiều quốc gia đang rơi vào tình trạng nợ nần, với 54 nước đối mặt khủng hoảng nợ hoặc đứng trước nguy cơ vỡ nợ.

Ông cho biết cấu trúc tài chính quốc tế hiện nay chưa thể cung cấp cho các nước đang phát triển nguồn tài chính dài hạn, giá cả phải chăng giúp phát triển, hành động vì khí hậu. Vì vậy, đã đến lúc cải cách hệ thống quan hệ tiền tệ Bretton Woods, đảm bảo mạng lưới tài chính toàn cầu an toàn, phù hợp với thực tế thế giới hiện nay.

Ngoài ra, ông kêu gọi Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi (G20) đề xuất khung thời gian thiết lập cơ chế giải quyết nợ mới trong năm nay, yêu cầu các nước phát triển thực hiện đầy đủ cam kết hỗ trợ tài chính khí hậu 100 tỷ USD, bổ sung nguồn vốn cho Quỹ Khí hậu xanh và tăng gấp đôi tài trợ cho các hoạt động thích ứng.

Bên cạnh đó, ông Guterres cũng yêu cầu thế giới hành động vì khí hậu, nhanh chóng giải quyết tình trạng đói nghèo, ô nhiễm và bất bình đẳng giới tồn tại trong xã hội, kêu gọi giới chính trị cấp cao hành động biến các mục tiêu SDG thành hiện thực, hối thúc cộng đồng quốc tế đặt nền móng xây dựng nỗ lực chung giúp các nỗ lực thực hiện SDG đi đúng hướng.

Hướng tới Hội nghị cấp cao Liên hiệp quốc về các Mục tiêu Phát triển bền vững vào tháng Chín năm nay, ông Guterres mong muốn các nhà lãnh đạo thế giới tham dự sẽ đề xuất các cam kết và lộ trình rõ ràng, hướng tới tham vọng giảm đói nghèo và bất bình đẳng lần lượt vào năm 2027 và 2030.

Theo TTXVN/Vietnam+


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.