Multimedia Đọc Báo in

Vì sao Niger trở thành một mặt trận mới trong Chiến tranh Lạnh hiện đại?

13:31, 03/08/2023

Một cuộc đảo chính ở một quốc gia châu Phi đói nghèo không phải là chưa từng xảy ra nhưng bối cảnh địa chính trị thời đại hiện nay mang lại cho nó ý nghĩa mang tính toàn cầu.

Quân đội Niger đã lật đổ chính phủ trong một cuộc đảo chính, tạo tiền đề cho một cuộc đối đầu mới với phương Tây. Niger rơi vào một tình huống tương tự như hầu hết các quốc gia ở Tây Phi khi nước Pháp dùng ảnh hưởng truyền thống của mình ở khu vực này để tiếp tục sử dụng quyền lực tài chính và quân sự để can thiệp vào các vấn đề nội bộ của các quốc gia Tây Phi.

Theo nhân định của chuyên gia phân tích chính trị Timur Fomenko trên Đài RT, vì lý do đó, nhiều cuộc đảo chính đã trở nên thường xuyên hơn khi một bộ phận người biểu tình tìm cách yêu cầu Pháp phải rút ra và tìm cách đưa Nga tham gia sâu hơn vào khu vực.

Trong môi trường địa chính trị mới, các quốc gia châu Phi hiện đã tăng không gian chính trị và các lựa chọn để xóa dần ảnh hưởng của phương Tây. Niger, một quốc gia không giáp biển, nghèo khó và bị chiến tranh tàn phá, mặc dù giàu nguyên liệu thô, được thiết lập để trở thành một biên giới mới.

Trong kỷ nguyên đơn cực của Mỹ, các quốc gia châu Phi đã từng rơi vào vòng xoáy của phương Tây. Nghèo, tuyệt vọng và bất ổn, nhiều quốc gia châu Phi buộc phải dựa vào các nước thực dân cũ và Mỹ để có thể nhận được nhiều hình thức hỗ trợ khác nhau.

Người biểu tình Niger tập trung bên ngoài Đại sứ quán Pháp ở Niamey ngày 30/7. Ảnh: AFP
Người biểu tình Niger tập trung bên ngoài Đại sứ quán Pháp ở Niamey ngày 30/7. Ảnh: AFP

Điều này đặc biệt đúng trong giai đoạn "cuộc chiến chống khủng bố" khi các nhóm vũ trang Hồi giáo cực đoan đe dọa an ninh của người dân tại các nước châu Phi. Lực lượng đặc nhiệm Pháp và Mỹ đã được triển khai để chống khủng bố ở các quốc gia Tây Phi với ví dụ rõ nét nhất là vụ bắt cóc kinh hoàng tại một khách sạn ở Mali vào năm 2015.

Tuy nhiên, những sự hỗ trợ này, có thể là tài chính hoặc quân sự, phải trả giá bằng việc các quốc gia châu Phi buộc phải thực hiện các điều khoản và điều kiện theo ý thức hệ của phương Tây - một hình thức của chủ nghĩa thực dân mới.

Tuy nhiên, thế giới đã thay đổi. Bối cảnh chiến tranh chống khủng bố đã kết thúc, và thay vào đó là một môi trường địa chính trị được quyết định bởi sự cạnh tranh gay gắt giữa các cường quốc - chủ yếu là Mỹ và các đồng minh chống lại các đối thủ như Trung Quốc và Nga.

Môi trường này có nghĩa là các quốc gia châu Phi hiện có các "lựa chọn" khác để hỗ trợ, cho phép họ tối đa hóa quyền tự chủ chính trị và không gian của riêng mình thay vì đáp ứng các điều kiện ý thức hệ của phương Tây.

Minh chứng cho điều này là việc các quốc gia châu Phi được cho là ngày càng sử dụng nhiều dịch vụ của Tập đoàn Quân sự tư nhân Wagner của Nga cho các vấn đề an ninh hơn là hỗ trợ từ phương Tây, trong khi sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc cũng có nghĩa là các quốc gia châu Phi không còn có thể bị các tổ chức như IMF “o bế”.

Trong bối cảnh như vậy, với quân đội là những chủ thể chính trị mạnh nhất ở các quốc gia bất ổn như Niger, cơ hội để họ nắm quyền lực và được bảo vệ khỏi sự kiềm tỏa của phương Tây và cũng là bởi trong hệ thống quốc tế này, Mỹ không còn có thể tiến hành can thiệp quân sự đơn phương trực tiếp.

Điều này cũng được thể hiện thông qua việc các chính phủ và quân đội ở khu vực tận dụng những phản ứng dữ dội chống Pháp ở khắp Tây Phi để tìm cách đẩy lùi sự hiện diện của chủ nghĩa thực dân mới. Chỉ trong vòng một năm, quân đội Pháp đã bị đẩy ra khỏi Mali và Burkina Faso. Niger có lẽ là nước tiếp theo. Tuy nhiên, nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến do Pháp hậu thuẫn vẫn còn hiện hữu.

Nếu cuộc đảo chính ở Niger thành công, có khả năng chính quyền mới sẽ tìm cách hình thành mối quan hệ chặt chẽ hơn với Nga, quốc gia có thể trở thành một đối tác bảo đảm an ninh mới và ít phức tạp hơn nhiều. Trong khi Trung Quốc cũng thường cung cấp hỗ trợ kinh tế và cơ sở hạ tầng cho các quốc gia châu Phi, cũng như đảm bảo không can thiệp và hỗ trợ chủ quyền quốc gia.

Niger tất nhiên cũng có ý nghĩa chiến lược. Mặc dù có thể dễ dàng coi đây là một quốc gia không giáp biển và nghèo khó ở giữa sa mạc, Niger có một nguồn tài nguyên thiên nhiên quan trọng, bao gồm uranium, than, vàng, quặng sắt, thiếc, dầu mỏ, molypden, muối và thạch cao. Nguồn cung uranium của nước này thuộc hàng lớn nhất thế giới, điều này cực kỳ quan trọng đối với năng lượng hạt nhân.

Chính vì lý do này mà Pháp không sẵn sàng từ bỏ Niger mà không chiến đấu, và một cuộc xung đột ủy nhiệm tiềm tàng có thể xuất hiện. Nếu các lợi ích được phương Tây hậu thuẫn ở nước này bị đánh bại, tổn thất chiến lược của Niger về các nguồn lực mà nước này nắm giữ sẽ rất lớn, và rất có khả năng Trung Quốc sẽ giành được lợi thế so với phương Tây trong quá trình này.

Tất cả những điều này đã biến Niger thành biên giới mới cho cuộc cạnh tranh giữa các cường quốc. Trong khi nói về các cuộc đảo chính và nội chiến ở châu Phi có vẻ bình thường nhưng thực tế chúng đang diễn ra trong một môi trường địa chính trị mới mà giới chuyên gia coi đó là một cuộc “Chiến tranh Lạnh mới”.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.