Vị thế mới của Ba Lan nhìn từ cuộc duyệt binh lớn nhất kể từ Chiến tranh Lạnh
Ba Lan đã thể hiện sức mạnh quân sự của mình, trưng bày các hệ thống vũ khí tối tân trong cuộc duyệt binh lớn nhất kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Theo tờ DW (Đức), Ba Lan đã tổ chức một cuộc diễu binh lớn ở thủ đô Warsaw ngày 15/8 để phô trương sức mạnh quân sự của mình, trong bối cảnh nước này tìm cách tăng cường khả năng phòng thủ sau khi xung đột bùng phát ở nước láng giềng Ukraine.
Cuộc diễu binh Ngày Lực lượng Vũ trang Ba Lan diễn ra vào dịp kỷ niệm Trận Warsaw năm 1920. Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan Mariusz Blaszczak cho biết: “Ngày 15/8 không chỉ là dịp để bày tỏ lòng kính trọng đối với những anh hùng trong chiến thắng Warsaw mà còn cảm ơn những người lính đương đại đang bảo vệ tổ quốc của chúng ta”.
Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đi duyệt binh vào Ngày Lực lượng Vũ trang. Ông Duda là người ủng hộ thúc đẩy đầu tư cho quân đội Ba Lan. Ảnh: Reuters |
"Đây cũng là một ngày hoàn hảo để thể hiện sức mạnh của chúng ta, để chứng tỏ rằng chúng ta đã xây dựng các lực lượng vũ trang hùng mạnh sẽ bảo vệ biên giới của chúng ta một cách hiệu quả mà không chút do dự", Bộ trưởng Blaszczak nhấn mạnh.
Ba Lan phô diễn những gì
Khoảng 2.000 binh sĩ của Ba Lan và các quốc gia khác trong liên minh quân sự NATO đã tham gia cuộc duyệt binh.
Họ diễu hành qua thủ đô Warsaw cùng với 200 thiết bị phòng thủ, trong khi phi đội máy bay trực thăng bao gồm những chiếc Black Hawk và máy bay phản lực bao gồm F-16 và FA-50 bay trên đầu.
Xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất trong cuộc diễu binh ở Warsaw ngày 15/8. Ảnh: AP |
Trong số các thiết bị quân sự được phô diễn có xe tăng M1A1 Abrams do Mỹ sản xuất, xe tăng K2 của Hàn Quốc và pháo tự hành K9, cũng như hệ thống pháo di động HIMARS, hệ thống phòng không Patriot và xe chiến đấu bộ binh Borsuk do Ba Lan sản xuất.
Ba Lan - cường quốc quân sự mới của châu Âu
Ba Lan đã nổi lên như một trong những cường quốc quân sự hàng đầu của châu Âu trong những năm gần đây sau khi rót hàng tỷ đô la vào thiết bị mới, sau sự kiện Ng sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014. Ảnh hưởng ngoại giao của Warsaw cũng đã tăng lên nhờ vai trò của nước này trong việc hỗ trợ Ukraine kể từ cuộc xung đột với Nga bùng phát.
Tuần trước, Warsaw tuyên bố triển khai thêm hàng nghìn binh sĩ tới biên giới phía đông của mình do lo ngại gia tăng về sự hiện diện của lực lượng quân sự tư nhân Wagner của Nga ở Belarus.
Máy bay F-35 của Không quân Mỹ và F-16 của Không quân Ba Lan tham gia cuộc diễu binh. Ảnh: Reuters |
Ba Lan có chung biên giới không chỉ với Ukraine và Belarus, mà còn với vùng Kaliningrad của Nga. Các chuyên gia cho biết bằng cách tổ chức cuộc phô trương sức mạnh quy mô lớn ngày 15/8, Warsaw đang gửi một thông điệp mà Nga và Belarus nhất định phải hiểu.
Theo ông Jamie Shea, cựu quan chức NATO, giáo sư chiến lược và an ninh tại Đại học Exeter, Anh, vai trò của Ba Lan trong NATO đã thay đổi đáng kể trong thập kỷ qua.
“Nếu bạn nhìn vào NATO 10 năm trước, trước khi Nga sáp nhập Crimea, trọng tâm chính của NATO chủ yếu là Trung Đông, Afghanistan và những loại nhiệm vụ mà Ba Lan tham gia, nhưng chỉ ở một mức độ nhỏ", ông Shea nói với CNN. “Nhưng kể từ năm 2014, với việc NATO quay trở lại tập trung vào Trung và Đông Âu, tầm quan trọng của Ba Lan trong liên minh đã tăng lên rất nhiều.”
Edward Arnold, một nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn an ninh RUSI của Anh, nói với CNN, sự thay đổi quyền lực giữa các thành viên châu Âu của NATO là đáng chú ý. Ông nhận xét: “Lãnh đạo từng là Anh, Đức, Pháp, và sau đó cùng với Mỹ, Bộ tứ, là nhóm quyết định mọi việc và điều đó đã trở thành chính sách của NATO. Nhưng với việc Anh ra khỏi Liên minh châu Âu và Đức vẫn do dự đảm nhận vai trò lãnh đạo ở Ukraine, Ba Lan đã cảm nhận được cơ hội của mình.
"Họ có mối quan hệ rất tốt với các nước vùng Baltic, rất có tiếng nói về các vấn đề quốc phòng - an ninh và luôn coi Nga là một mối đe dọa lớn", ông Arnold nói thêm.
Thành viên đội quân nhạc tham gia diễu binh. Ảnh: Reuters |
Ba Lan đã tăng đáng kể số tiền chi cho quốc phòng trong những năm gần đây, từ dưới 2% GDP năm 2014 lên 4% trong năm nay, theo thống kê chính thức của NATO. Điều đó khiến họ trở thành quốc gia chi tiêu nhiều nhất cho quốc phòng về tỷ trọng GDP, trên cả Mỹ. Điều quan trọng, hơn 50% đầu tư của Ba Lan là vào thiết bị mới và nghiên cứu - phát triển.
Giáo sư Shea nói: “Nếu họ đi đúng hướng với tất cả các kế hoạch mua sắm khác nhau này, họ sẽ trở thành siêu cường quân sự châu Âu của EU và NATO".
"Theo một tính toán, nếu Ba Lan mua tất cả xe tăng từ Mỹ, xe tăng Abrams và xe tăng mà họ đặt hàng từ Hàn Quốc, cộng với việc hiện đại hóa những gì họ có vào lúc này, thì Warsaw sẽ có nhiều xe tăng hơn Pháp, Đức, Italy và Anh cộng lại", ông nói.
Chính phủ cánh hữu của đất nước, do đảng Luật pháp và Công lý (PiS) đứng đầu, đã tăng cường chuẩn bị cho quốc phòng, chi hơn 16 tỷ USD (14,6 tỷ euro) cho xe tăng, hệ thống đánh chặn tên lửa và máy bay chiến đấu trong hai năm qua.
Tổng thống Andrzej Duda trong cuộc diễu binh ở Warsaw. Ảnh: Reuters |
PiS đã tuyên bố sẽ tăng gấp đôi quy mô quân đội và dành khoảng 4% sản lượng kinh tế quốc gia cho quốc phòng trong năm nay.
Toan tính chính trị?
Ba Lan chỉ còn hai tháng nữa là đến các cuộc bầu cử lớn. Edward Arnold, một nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn an ninh RUSI của Anh, nói với CNN rằng, ngoài việc thể hiện khả năng của mình với Nga và các đồng minh, chính phủ Ba Lan cũng đang tìm cách trấn an người dân rằng họ cam kết bảo đảm an ninh.
Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) cánh hữu cầm quyền đang hy vọng giành được nhiệm kỳ thứ ba liên tiếp, điều chưa từng có ở Ba Lan thời hậu Xô viết. Nhưng hiện tại, họ đang chật vật để giành vị trí dẫn đầu quyết định đối với đảng Nền tảng dân sự (Civic Platform) đối lập.
Ông Aleks Szczerbiak, giáo sư và trưởng khoa chính trị tại Đại học Sussex ở Anh, nhận xét: “Vấn đề an ninh thực sự quan trọng, bên cạnh nền kinh tế và mức sống, điều này (cuộc diễu binh) không có gì đáng ngạc nhiên vì chiến tranh đang diễn ra ở biên giới Ba Lan. Ông nói: “Việc chứng tỏ năng lực của họ về an ninh là cực kỳ quan trọng đối với khả năng tái đắc cử của chính phủ".
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc