Phép thử ngoại giao của Thủ tướng Australia trong chuyến thăm Mỹ và Trung Quốc
Thủ tướng Australia Anthony Albanese đang có chuyến thăm chính thức Mỹ kéo dài 4 ngày trong nỗ lực "xây dựng một liên minh cho tương lai”. Bên cạnh đó, dự kiến ông sẽ thăm một quốc gia ở Nam Thái Bình Dương và sau đó tới Trung Quốc.
Chuyến thăm thứ hai tới Mỹ của Thủ tướng Australia
Đây là chuyến thăm thứ hai tới Mỹ của Thủ tướng Australia Albanese từ đầu năm nay, sau chuyến đi hồi tháng 3 với một thỏa thuận tàu ngầm lịch sử.
Ngay sau khi đặt chân đến Mỹ, Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết, chuyến thăm cấp nhà nước tới Mỹ lần này có 3 nội dung chính. Thứ nhất là thúc đẩy việc hiện thực hóa các thỏa thuận trong khuôn khổ AUKUS. Dư luận Australia cho rằng đây là nội dung quan trọng nhất vì dường như một số nhà lập pháp Mỹ vẫn đang chần chừ chưa muốn bán tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân cho Australia.
Vì vậy, Quốc hội Mỹ vẫn chưa hoàn tất các giấy tờ để bắt đầu triển khai thỏa thuận này. Trong chuyến đi này, Thủ tướng Albanese sẽ có các cuộc gặp với các nghị sỹ Mỹ để thuyết phục họ thúc đẩy kế hoạch trên.
Về phía Mỹ, để thuyết phục các nghị sĩ ủng hộ thỏa thuận bán tàu ngầm cho Australia trong khuôn khổ AUKUS, Tổng thống Joe Biden vừa đề xuất chi 3,4 tỷ USD nhằm đầu tư vào ngành công nghiệp sản xuất tàu ngầm để đảm bảo đủ năng lượng phục vụ cho nhu cầu trong nước và cho cả việc bán tàu ngầm cho Australia.
Nội dung thứ hai của chuyến đi này là thúc đẩy thỏa thuận thương mại tự do mà Mỹ đã ký với Astralia. Hiện tại Hiệp định thương mại tự do giữa hai nước đã được thực thi từ năm 2005, kể từ đó đến nay, kim ngạch trao đổi thương mại, dịch vụ 2 chiều đã tăng gần gấp đôi, đạt 77 tỷ USD vào năm 2022 và đầu tư đạt hơn 173 tỷ USD, đưa Mỹ trở thành đối tác kinh tế lớn nhất của Australia. Tuy vậy, Australia dường như chưa hài lòng với điều này mà vẫn muốn đẩy mạnh hơn nữa quan hệ thương mại giữa hai bên.
Nội dung thứ ba của chuyến thăm đó là việc triển khai thỏa thuận mới mà Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Tổng thống Mỹ Joe Biden ký tại Nhật Bản hồi tháng 5/2023 về khí hậu, khoáng sản quan trọng và năng lượng sạch.
Thủ tướng Australia Anthony Albanese và Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: Reuters |
Bên cạnh đó, Thủ tướng Australia Albanese cho biết, ông và nhà lãnh đạo Mỹ cũng sẽ thảo luận về cuộc xung đột giữa Israel và Hamas cũng như cách thức hai nước cùng hợp tác ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Tuy vậy, chi tiết nội dung thảo luận về các vấn đề này không được nhà lãnh đạo Australia đề cập cụ thể.
Trụ cột mới trong quan hệ Mỹ - Australia
Vào tháng 5/2023, Australia và Mỹ đã công bố trụ cột mới trong quan hệ đồng minh giữa hai nước đó là khí hậu, khoáng sản và năng lượng sạch. Trong chuyến thăm Mỹ lần này, Thủ tướng Australia Albanese cũng sẽ thảo luận với các nhà lãnh đạo Mỹ để triển khai trụ cột hợp tác mới.
Trong bối cảnh cả Australia và Mỹ đều cam kết đưa mức phát thải ròng về không vào năm 2050 và chính quyền của Thủ tướng Albanese có nhiều nỗ lực nhằm cắt giảm khí nhà kính, chuyển đổi năng lượng và chuẩn bị cho quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, việc Australia hợp tác với Mỹ sẽ khiến cho Australia tận dụng được nhiều công nghệ tiên tiến và kinh nghiệm của Mỹ trong các nỗ lực này. Australia đang đặt mục tiêu trở thành quốc gia hàng đầu thế giới về xuất khẩu năng lượng tái tạo và việc hợp tác với Mỹ sẽ là nhân tố quan trọng giúp nước này đạt được mục tiêu đề ra.
Về quan hệ song phương, việc đẩy mạnh quan hệ với Mỹ trong lĩnh vực này không chỉ củng cố quan hệ đồng minh thân cận vốn có mà còn làm cho mối quan hệ này trở nên sâu sắc, thể hiện sự đồng hành của hai quốc gia một cách chặt chẽ hơn trong giai đoạn phát triển mới của không chỉ nền kinh tế hai nước mà còn là của nền kinh tế toàn cầu.
Trên khía cạnh đa phương và quan hệ với các quốc gia khác, Australia, nền kinh tế thứ 14 của thế giới, hợp tác chặt chẽ với Mỹ, nền kinh tế hàng đầu của thế giới, cũng sẽ làm cho phong trào cắt giảm khí thải, chuyển đổi năng lượng và chuyển đổi nền kinh tế trên thế giới trở nên sôi động hơn.
Bên cạnh đó, với các quốc gia trong khu vực và đặc biệt là các nước Thái Bình Dương, việc Australia hợp tác chặt chẽ với Mỹ trong biến đối khí hậu và năng lượng sạch sẽ củng cố lòng tin của các nước vào Australia và gia tăng sức hút của Australia đối với các nước trong khu vực, đặc biệt khi mà Australia có thể tiếp cận nhiều kinh nghiệm và công nghệ hiện đại của Mỹ.
Đằng sau chuyến thăm Mỹ và Trung Quốc của Thủ tướng Australia
Cùng ngày Thủ tướng Albanese thăm Mỹ, Canberra xác nhận ông cũng sẽ đến thăm Trung Quốc từ ngày 4 đến 7/11.
Trên thực tế, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã tan băng từ năm ngoái sau cuộc gặp của Bộ trưởng Quốc phòng hai nước bên lề Diễn đàn Shangrila và tiếp sau đó là một loạt các cuộc gặp của lãnh đạo hai bên tại các diễn đàn đa phương cũng như chuyến thăm Trung Quốc của Ngoại trưởng Australia.
Tuy vậy, chuyến thăm Trung Quốc sắp tới của Thủ tướng Australia Albanese là chuyến thăm Trung Quốc đầu tiên của một Thủ tướng Australia kể từ năm 2016. Việc Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của Australia song lãnh đạo Australia lại không đến thăm Trung Quốc trong 7 năm qua đã phản ánh mối quan hệ chính trị không hoàn toàn thuận lợi giữa hai nước và điều này được phản ánh rõ nhất trong giai đoạn COVID-19, quan hệ hai nước đã xuống đến mức thấp nhất kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao. Tuy vậy giờ đây quan hệ hai nước đang từng bước cải thiện và chuyến thăm Trung Quốc của Thủ tướng Albanese là minh chứng cho điều này.
Về việc Australia thông báo về thời điểm Thủ tướng thăm Trung Quốc cùng với thời điểm Thủ tướng thăm Mỹ không rõ là vô tình hay hữu ý song cho dù là thế nào thì cũng không thể so sánh quan hệ giữa Australia với Trung Quốc với quan hệ giữa Australia với Mỹ.
Mỹ vừa là đồng minh, vừa là nền kinh tế lớn nhất thế giới nên quan hệ giữa Australia với Mỹ sẽ có độ tin cậy cao và diễn ra sâu, rộng ở mọi vấn đề, mọi tầng nấc.
Trong khi đó, sau giai đoạn sóng gió vừa qua, quan hệ với Trung Quốc đang nghiêng nhiều về khía cạnh kinh tế, thương mại trong lúc sự tin cậy vẫn cần được cải thiện nên không thể so sánh với Mỹ.
Dù vậy, Australia vẫn rất cần hợp tác với Trung Quốc trên cả khía cạnh kinh tế và cả khía cạnh an ninh - chính trị nhằm giúp nước này vượt qua giai đoạn khó khăn sau đại dịch và duy trì môi trường an ninh ổn định, giảm sự đối đầu trực tiếp nhằm tạo bầu không khí thuận lợi cho hợp tác và phát triển.
Theo VOV
Ý kiến bạn đọc