Multimedia Đọc Báo in

Việt Nam đóng góp tích cực trong tăng cường quan hệ giữa ASEAN và GCC

16:05, 18/10/2023

Nhận lời mời của Quốc vương Saudi Arabia Salman bin Abdulaziz Al Saud, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) và thăm Vương quốc Saudi Arabia từ ngày 18-20/10/2023.

Đây là hội nghị cấp cao đầu tiên giữa ASEAN và GCC kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ năm 1990, có ý nghĩa quan trọng, đáp ứng nhu cầu của cả hai bên.

Chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - GCC của Thủ tướng Phạm Minh Chính thể hiện sự tham gia chủ động, tích cực, đóng góp trách nhiệm của Việt Nam vào những chủ đề trọng tâm của Hội nghị, các nội dung hợp tác khu vực và các đối tác nhằm tạo sức sống mới cho quan hệ ASEAN - GCC.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính. Ảnh: TTXVN

Quan hệ ASEAN - GCC

Quan hệ ASEAN - GCC bắt đầu năm 1990 khi Bộ trưởng Ngoại giao Oman, trong vai trò Chủ tịch Hội đồng các Bộ trưởng GCC, bày tỏ GCC mong muốn thiết lập quan hệ chính thức với ASEAN.

Cùng năm đó, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN và GCC đã gặp lần đầu tiên bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York. Hai Ban Thư ký ASEAN và GCC cũng chính thức thiết lập quan hệ từ năm 2009.

Hai bên duy trì tiếp xúc, gặp gỡ chủ yếu thông qua các Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - GCC bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc và các Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - GCC chính thức được tổ chức tại một nước thành viên của GCC hoặc ASEAN.

Đến nay, hai bên tổ chức được 3 Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - GCC chính thức vào các năm 2009 (tại Manama, Bahrain), năm 2010 (tại Singapore), năm 2013 (tại Manama, Bahrain).

Tại hội nghị năm 2009, hai bên đã ra Tuyên bố báo chí chung và thông qua Tầm nhìn chung, đề ra những định hướng phát triển quan hệ ASEAN - GCC, tập trung vào nghiên cứu khả năng hình thành khu vực mậu dịch tự do, thúc đẩy hợp tác kinh tế và hợp tác phát triển và tăng cường hợp tác văn hóa, giáo dục, thông tin.

Tại hội nghị năm 2010, hai bên đã thông qua Kế hoạch Hành động ASEAN - GCC giai đoạn 2010 - 2012, xác định các biện pháp triển khai phối hợp giữa hai bên và hoạt động hợp tác chung và nhằm đẩy mạnh hợp tác hơn trong giai đoạn 2010 - 2012, tập trung vào các lĩnh vực hợp tác trọng tâm bao gồm thương mại - đầu tư, kinh tế - phát triển, giáo dục - đào tạo, văn hóa - thông tin, phối hợp tham vấn lẫn nhau trong các vấn đề quốc tế.

Tại Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - GCC bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc (New York, ngày 27/9/2012), hai bên nhất trí gia hạn Kế hoạch hành động này, đồng thời hiện đang giao Ủy ban các Đại diện Thường trực ASEAN (CPR) phối hợp với phía GCC xây dựng kế hoạch hành động trong giai đoạn tới đây.

Các nước thành viên GCC quan tâm tăng cường hợp tác với ASEAN, đều đã cử Đại sứ tại ASEAN và tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác tại Đông Nam Á (TAC).

Tại Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 55 (Phnom Penh, tháng 8/2022), ASEAN đã trao quy chế Đối tác đối thoại theo lĩnh vực của ASEAN cho Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE). ASEAN cũng đã thiết lập các Ủy ban ASEAN tại Thủ đô của tất cả các nước thành viên GCC.

Malaysia hiện là nước điều phối quan hệ ASEAN - GCC trong năm 2023.

ASEAN - GCC đẩy mạnh hợp tác

Với dân số gần 700 triệu người ở các nước ASEAN và 60 triệu người ở khu vực vùng Vịnh, tập hợp nhiều nền kinh tế mới nổi, ASEAN, GCC đã và đang là những tổ chức khu vực phát triển năng động và đầy triển vọng, đồng thời cũng là những tâm điểm tăng trưởng của thế giới.

Cũng có nét tương đồng như ASEAN, Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) là tổ chức khu vực quan trọng hàng đầu ở Trung Đông gồm 6 quốc gia thành viên ở khu vực vùng Vịnh là Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), Qatar, Bahrain, Kuwait và Oman.

(Nguồn: Manila Bulletin)
(Nguồn: Manila Bulletin)

Tổng diện tích các quốc gia thành viên là 2,67 triệu km2. GCC được thành lập tháng 5/1981, có trụ sở chính tại Thủ đô Riyadh của Saudi Arabia.

Về kinh tế, với lợi thế về trữ lượng dầu lửa và khí đốt (4/6 nước GCC là thành viên OPEC, trong đó Saudi Arabia và UAE có vai trò lãnh đạo trong tổ chức này), các nước GCC có nền kinh tế rất phát triển (GDP đạt khoảng 2.000 tỷ USD năm 2022), thu nhập bình quân đầu người ở mức cao (trung bình khoảng 38.447 USD/năm). Với tốc độ tăng trưởng kinh tế như hiện tại, tổng GDP của GCC được dự báo đạt 6.000 tỷ USD vào năm 2050.

Với nguồn thu lớn từ dầu khí, các nước GCC sở hữu các Quỹ đầu tư lớn hàng đầu thế giới như Cơ quan đầu tư UAE (tài sản ước tính 850 tỷ USD), PIF (Saudi Arabia, tài sản ước tính khoảng 603 triệu USD), QIA (Qatar, tài sản ước tính 170 tỷ USD) và là đối tượng tranh thủ của nhiều nước trong việc thu hút nguồn vốn đầu tư.

Thời gian gần đây, các nước GCC đang đẩy mạnh thực hiện chiến lược Tăng trưởng Xanh, chuyển đổi năng lượng thích ứng với biến đổi khí hậu, đẩy nhanh quá trình đa dạng hóa nền kinh tế, giảm sự phụ thuộc vào dầu mỏ và đang dành nhiều nguồn lực tài chính để hiện thực hóa các mục tiêu này.

Trong bối cảnh đó, các nước GCC cơ bản thực thi đường lối đối ngoại ôn hòa, đẩy mạnh chính sách Hướng Đông, quan tâm đến hợp tác với các nước Đông Nam Á và triển khai các chính sách tạo thuận lợi cho việc phát triển quan hệ hai bên.

ASEAN đang xem xét mở rộng sự hợp tác lớn hơn với các nước GCC, nhằm tranh thủ nguồn lực xây dựng Cộng đồng, thúc đẩy phục hồi, phát triển bền vững.

Việt Nam đóng góp tích cực vào quan hệ ASEAN - GCC

Là thành viên nòng cốt của ASEAN, Việt Nam luôn phát huy tinh thần chủ động, tích cực và có trách nhiệm, đóng góp hiệu quả vào tăng cường quan hệ giữa ASEAN và GCC, qua đó góp phần thúc đẩy quan hệ Việt Nam - GCC và quan hệ song phương giữa Việt Nam và từng nước thành viên GCC.

Năm 2018, Việt Nam đã đảm nhận vai trò điều phối quan hệ ASEAN - GCC, thúc đẩy tổ chức và cùng Kuwait, nước Chủ tịch GCC năm 2018, đồng chủ trì thành công Cuộc họp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - GCC (New York, ngày 27/9/20218) bên lề Đại hội đồng Liên hợp quốc lần thứ 73.

Dây chuyền dệt may xuất khẩu. (Nguồn: TTXVN
Dây chuyền dệt may xuất khẩu. Ảnh: TTXVN

Hiện tất cả 6 nước thành viên GCC đều là đối tác hợp tác ưu tiên của Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực gồm chính trị, ngoại giao, thương mại, đầu tư, ODA, lao động…

Quan hệ giữa Việt Nam và các nước thành viên GCC phát triển rất tích cực trong thời gian qua. Việt Nam và 4 nước GCC (Saudi Arabia, Kuwait, Qatar, UAE) đã mở Đại sứ quán tại các nước của nhau.

Kim ngạch thương mại giữa Việt Nam với các nước khu vực đạt 12,5 tỷ USD. Tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của các nước GCC vào Việt Nam đạt hiện đạt khoảng 1 tỷ USD.

Một số quỹ đầu tư, tập đoàn trong khu vực đang đầu tư gián tiếp vào Việt Nam, song số liệu không được thống kê đầy đủ. Hiện có khoảng 11.000 lao động Việt Nam đang làm việc tại các nước GCC. Việt Nam đang triển khai đàm phán Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện (CEPA) với UAE.

Hội nghị cấp cao ASEAN - GCC lần đầu tiên diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực tiếp tục có những chuyển động nhanh chóng, phức tạp. Đối thoại và hợp tác trở thành nhu cầu cấp thiết của các nước, nhất là những nước vừa và nhỏ.

Tại Hội nghị này, dự kiến các Lãnh đạo Cấp cao ASEAN và GCC cùng thảo luận, đánh giá tổng thể hợp tác hai bên thời gian qua và đề ra những định hướng quan trọng, tạo thêm động lực mới nhằm phát triển hơn nữa quan hệ ASEAN - GCC thời gian tới, dành thời gian trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, đồng thời dự kiến sẽ thông qua Tuyên bố chung sau khi kết thúc hội nghị.

Do đó, chuyến tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - GCC lần này của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính có ý nghĩa quan trọng, vừa cùng các nước ASEAN thể hiện tâm thế mới, độc lập, đoàn kết, phát triển, góp phần củng cố quan hệ hợp tác giữa hai tổ chức quan trọng hàng đầu ở Đông Nam Á và vùng Vịnh, vừa củng cố tin cậy chính trị, nâng cao hiệu quả hợp tác giữa Việt Nam và Saudi Arabia.

Chuyến công tác cũng nhằm tiếp tục triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng XIII, Chỉ thị 15 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030: Độc lập, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa; phát đi thông điệp về cam kết mạnh mẽ và đóng góp trách nhiệm của một Việt Nam hòa hiếu, chân thành, tin cậy, sẵn sàng tăng cường quan hệ hữu nghị, đối thoại và hợp tác cùng có lợi, xây dựng môi trường khu vực và quốc tế hòa bình, ổn định với các nước.

Theo TTXVN/Vietnam+


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.