Multimedia Đọc Báo in

Chính sách đối ngoại của Trung Á trong cuộc cạnh tranh cường quốc mới

11:46, 05/01/2024

Do vị trí địa lý và địa chính trị độc đáo, Trung Á luôn là nơi cạnh tranh giành ảnh hưởng của các cường quốc. Tất cả các cường quốc, trong đó có Trung Quốc, Nga, Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản đều hoạt động ở Trung Á.

Xét về ảnh hưởng địa chính trị và chiến lược, Trung Quốc, Nga và Mỹ chắc chắn đang dẫn đầu.

Các nước Trung Á có ý định phát triển quan hệ với tất cả các cường quốc khác ngoài Nga mà họ có quan hệ truyền thống. Ảnh: ankasam.org
Các nước Trung Á có ý định phát triển quan hệ với tất cả các cường quốc khác ngoài Nga mà họ có quan hệ truyền thống. Ảnh: ankasam.org

Đây sẽ không phải là vấn đề đối với các nước Trung Á nếu các cường quốc có quan hệ tốt, nhưng thực tế là mối quan hệ giữa các cường quốc ở Trung Á rất phức tạp và thường được hiểu là cạnh tranh địa chính trị. Vì vậy, quản lý đúng đắn quan hệ với các nước lớn không chỉ là kỹ năng ngoại giao của những nước Trung Á mà còn là cách bảo đảm an ninh, ổn định cho khu vực này.

Đối đầu Mỹ - Nga ở Trung Á

Cách hiểu này không thể nói là sai nếu áp dụng vào trường hợp với Mỹ và Nga. Sự cạnh tranh địa chính trị là trụ cột trong quan hệ Mỹ - Nga ở Trung Á trong những năm gần đây. Các quốc gia này rõ ràng có các mục tiêu địa chính trị trái ngược nhau trong khu vực cũng như các chính sách và hành vi đối đầu lẫn nhau.

Mục tiêu cơ bản của Mỹ là ngăn chặn Nga giành lại quyền kiểm soát Trung Á, giảm sự phụ thuộc của các quốc gia Trung Á vào Moskva, phá vỡ mọi hình thức độc quyền của Nga đối với khu vực và xóa bỏ quan niệm rằng Trung Á là phạm vi ảnh hưởng của Nga.

Bất chấp sự chia rẽ sâu sắc giữa Trung Quốc, Mỹ, Nga và châu Âu, các nước Trung Á đã hình thành quan hệ đối tác chiến lược hoặc hợp tác chiến lược với mỗi nước trong số họ. Ảnh: president.kg
Bất chấp sự chia rẽ sâu sắc giữa Trung Quốc, Mỹ, Nga và châu Âu, các nước Trung Á đã hình thành quan hệ đối tác chiến lược hoặc hợp tác chiến lược với mỗi nước trong số họ. Ảnh: president.kg

Trong khi đó, mục tiêu của Nga đối lập với mục tiêu của Mỹ như đã trình bày ở trên. Điều này quyết định tính chất "loại trừ lẫn nhau" trong các chính sách của họ ở Trung Á. Sau cuộc xung đột Nga - Ukraine, mục tiêu chính của Mỹ là ngăn chặn bất kỳ sự hỗ trợ nào có thể có của các nước Trung Á đối với Nga.

Những diễn biến toàn cầu gần đây đã làm gia tăng sự kình địch và đối kháng Mỹ - Nga, cả ở cấp độ quốc tế và khu vực, do đó "ván cờ cạnh tranh" lớn Mỹ - Nga ở Trung Á rất có thể sẽ tiếp tục.

Hợp tác Nga - Trung ở Trung Á

Đối với Nga và Trung Quốc, có quan điểm (đặc biệt là ở phương Tây) cho rằng hai nước này là nhân tố chính của “cuộc cạnh tranh cường quốc ở Trung Á” và rằng họ có mối quan hệ cơ cấu mang tính cạnh tranh ở Trung Á, do đó đối đầu Trung - Nga sẽ xảy ra là điều gần như không thể tránh khỏi.

Tuy nhiên, điều này không đúng bởi quan hệ Nga - Trung dựa trên nguyên tắc cùng tồn tại và hợp tác chứ không phải dựa trên nguyên tắc loại trừ và đối đầu địa chính trị. Trái ngược với những dự đoán bi quan, không có xung đột nào xảy ra giữa hai nước trong 30 năm qua.

Trung Quốc và Nga đã tham gia hợp tác kinh tế và an ninh khu vực ở Trung Á từ năm 1998, trong khuôn khổ Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được thành lập năm 2001. Đây là sản phẩm của hợp tác Trung - Nga và là nền tảng hợp tác giữa hai nước ở Trung Á. Lĩnh vực năng lượng, từng được coi là lĩnh vực có nhiều xung đột lợi ích nhất giữa Nga và Trung Quốc, lại không phải là vấn đề tạo ra bất kỳ xung đột nghiêm trọng nào.

Khi Trung Quốc lần đầu tiên đề xuất Vành đai kinh tế Con đường tơ lụa (gọi tắt là sáng kiến Vành đai, Con đường hay BRI) vào năm 2013, dư luận Nga đã có cảm giác hoài nghi, khiến tương lai của mối quan hệ giữa BRI và Liên minh kinh tế Á - Âu (EAEU) do Nga đứng đầu trở nên không chắc chắn.

Việc hai dự án hợp tác kinh tế khu vực được lãnh đạo bởi các cường quốc khác nhau nhưng chồng chéo về khu vực và thành viên, theo tư duy địa chính trị truyền thống sẽ tự nhiên dẫn đến sự loại trừ và đối kháng lẫn nhau về địa kinh tế và thậm chí địa chính trị.

Bất cứ ai có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn cho các nước Trung Á sẽ được chào đón trong khu vực. Ảnh: iiss.org
Bất cứ ai có thể mang lại nhiều lợi ích kinh tế hơn cho các nước Trung Á sẽ được chào đón trong khu vực. Ảnh: iiss.org

Nhưng tình hình đã không phát triển theo hướng này. Vào tháng 5/2015, Trung Quốc và Nga đã đưa ra tuyên bố chung về sự hợp tác giữa BRI và EAEU. Kết quả là, hai cấu trúc tưởng chừng như đối lập nhau (nếu nhìn từ quan điểm địa chính trị truyền thống) đã chuyển thành cấu trúc hợp tác và phát triển, và sự kết hợp BRI và EAEU đã trở thành một nền tảng mới cho quan hệ hợ tác Trung - Nga. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tham dự Diễn đàn quốc tế BRI lần thứ nhất, thứ hai và thứ ba được tổ chức tại Bắc Kinh vào năm 2017, 2019 và năm 2023.

Sự phức tạp trong quan hệ Mỹ - Trung ở Trung Á

Đối với mối quan hệ Mỹ - Trung ở Trung Á, bức tranh phức tạp hơn. Hai nước dường như có chung một số ý định, bao gồm chống khủng bố, hỗ trợ đa dạng hóa quan hệ kinh tế đối ngoại ở Trung Á, hỗ trợ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ của các quốc gia Trung Á, thúc đẩy kết nối khu vực và cải thiện môi trường đầu tư và thương mại. Tuy nhiên, trên thực tế có rất ít sự hợp tác thực chất.

Ngoài ra, vẫn còn những căng thẳng địa chính trị giữa hai nước, chẳng hạn như việc Trung Quốc phản đối sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Trung Á và việc thúc đẩy “các cuộc cách mạng màu”.

Trung Quốc đặc biệt cảnh giác với việc Mỹ "xuất khẩu" các cuộc cách mạng màu sang khu vực, cho rằng chúng có thể gây ra sự thay đổi chế độ bất thường ở các nước Trung Á, mang lại sự bất ổn và hỗn loạn cho khu vực, làm xấu đi môi trường an ninh ngoại vi của Trung Quốc và ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của nước này trong khu vực.

Đối mặt với mối quan hệ phức tạp giữa các cường quốc, các nước Trung Á thường áp dụng chính sách ngoại giao đa phương nhằm phát triển quan hệ với tất cả các nước, mà theo các tài liệu chính thức của Tajikistan, có nghĩa là chính sách mở cửa cho tất cả các nước sẵn sàng hợp tác. Cùng với khái niệm ngoại giao đa phương, một số nước Trung Á ủng hộ khái niệm ngoại giao cân bằng, được chính thức hóa trong Khái niệm chính sách đối ngoại của Kazakhstan giai đoạn 2014 - 2020. 

Như vậy, phát triển quan hệ với tất cả các nước là một chính sách ngoại giao phổ biến ở hầu hết các nước trong khu vực. Từ quan điểm của các quốc gia Trung Á, ngoại giao đa phương là phương án tối ưu vì nó mang lại lợi ích tốt nhất cho họ.

Các cường quốc đang cạnh tranh với nhau, nhưng các quốc gia Trung Á không có bất bình gì với họ (mặc dù họ có thể xung đột về các vấn đề như nhân quyền và dân chủ), và họ không muốn đứng về phe bất kỳ cường quốc nào trong việc chống lại một cường quốc khác.

Do đó, sẽ là lý tưởng cho các quốc gia Trung Á nếu các cường quốc có một hệ thống kiểm tra và cân bằng lẫn nhau trong khu vực vì điều này sẽ mang lại cho các quốc gia Trung Á nhiều quyền tự do hành động hơn và giúp ngăn chặn các cường quốc thống trị và kiểm soát khu vực.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.