Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế G20 khai mạc tại Brazil

11:07, 29/02/2024

Ngày 28/2, Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế và Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc tại Sao Paulo (Brazil).

Xây dựng một mô hình toàn cầu hóa mới mang tính “toàn diện và bền vững” hơn, theo đó tập trung vào hợp tác quốc tế nhằm giải quyết các thách thức xã hội và môi trường là chủ đề mà nước chủ nhà Brazil đề xuất cho cuộc gặp đầu tiên của Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng trung ương G20 năm 2024.

Phát biểu khai mạc hội nghị kéo dài 2 ngày, Bộ trưởng Kinh tế Brazil - ông Fernando Haddad - đề cập tới những thách thức trong việc xây dựng một G20 toàn diện với những tiến bộ trong các vấn đề quan trọng như cuộc chiến chống đói nghèo và bất bình đẳng, tài trợ cho phát triển bền vững, cải cách quản trị toàn cầu, phân chia của cải công bằng và giải quyết vấn đề nợ kinh niên ở một số quốc gia.

Bộ trưởng Kinh tế Brazil Fernando Haddad. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN
Bộ trưởng Kinh tế Brazil Fernando Haddad. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Bộ trưởng Haddad khẳng định các nước nghèo nhất đang phải gánh chịu phí tổn môi trường ngày càng tăng, đồng thời nền kinh tế của các quốc gia này bị đe dọa bởi làn sóng chủ nghĩa bảo hộ. Ông Haddad cảnh báo về tình trạng không bền vững, trong đó 1% số người giàu nhất thế giới sở hữu 43% tài sản của toàn cầu và thải ra lượng carbon tương đương với 2/3 số người nghèo nhất thế giới.

Bộ trưởng Haddad cũng cảnh báo rằng một phần đáng kể thu nhập của các nước nghèo nhất bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch vụ nợ, trong bối cảnh lãi suất sau đại dịch tăng cao. Di sản của làn sóng toàn cầu hóa vừa qua được đánh dấu bằng việc tìm kiếm khả năng sinh lời tăng lên thông qua chênh lệch giá lao động. Mặc dù hàng triệu người đã thoát nghèo, nhưng tình trạng bất bình đẳng về thu nhập và tài sản vẫn gia tăng đáng kể ở nhiều quốc gia. 

Bộ trưởng Kinh tế Brazil bày tỏ quan ngại hội nhập kinh tế toàn cầu đang bị nhầm lẫn với tự do hóa thị trường, sự lỏng lẻo trong luật lao động, quy định tài chính bị bãi bỏ và sự di chuyển tự do của nguồn vốn. Một hệ thống tài chính quốc tế phức tạp được tạo ra từ quá trình này cho phép giới siêu giàu trốn thuế ngày càng tinh vi hơn.

Ông nhấn mạnh Brazil đề xuất thành lập Liên minh toàn cầu Chống đói nghèo và Chống biến đổi khí hậu, cũng như thiết lập mức thuế tối thiểu toàn cầu đối với những người giàu nhất thế giới nhằm giảm thiểu bất bình đẳng.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Brazil - ông Roberto Campos Neto nhấn mạnh tầm quan trọng của các chính sách kinh tế vĩ mô trong giải quyết bất bình đẳng, đồng thời đề cập đến tác động tiêu cực của lạm phát đối với tình trạng nghèo đói, ảnh hưởng đến những người dễ bị tổn thương nhất, làm sâu sắc thêm sự bất bình đẳng xã hội.

Ông khẳng định rằng dưới sự chủ trì của Brazil tại G20 năm 2024, tài chính toàn diện sẽ là yếu tố trung tâm để thúc đẩy phát triển và giảm thiểu bất bình đẳng.

Theo TTXVN/Tintuc
 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.