Multimedia Đọc Báo in

Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu sẽ bàn về vấn đề Ukraine

16:25, 21/03/2024

Tăng cường viện trợ cho Ukraine, thúc đẩy chiến lược công nghiệp quốc phòng chung, hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp tại Trung Đông, xem xét hồ sơ mở rộng và giải quyết khó khăn của nông dân châu Âu là các nội dung chính tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu (EU) Âu diễn ra trong 2 ngày 21-22/3 tại thành phố Brussels, Vương quốc Bỉ.

Trong bức thư mời họp gửi đến lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đánh giá châu Âu đang ở thời điểm cam go nhất khi cuộc xung đột Nga - Ukraine bước vào năm thứ 3 với những bất lợi dành cho Ukraine.

Ông Charles Michel nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu của châu Âu hiện nay là nhanh chóng cung cấp đủ đạn dược cho Ukraine. Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ thúc đẩy sáng kiến mua chung đạn dược từ nguồn cung bên ngoài do Séc đưa ra cũng như thông qua đề xuất chuyển các khoản lợi nhuận lên tới hàng tỷ euro thu được từ khối tài sản đóng băng của Ngân hàng trung ương Nga tại châu Âu.

Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ thúc đẩy sáng kiến mua chung đạn dược từ nguồn cung bên ngoài để cung cấp cho Ukraine. Ảnh: France 24
Hội nghị thượng đỉnh EU sẽ thúc đẩy sáng kiến mua chung đạn dược từ nguồn cung bên ngoài để cung cấp cho Ukraine. Ảnh: France 24

Một nội dung quan trọng khác sẽ được lãnh đạo các nước EU tập trung thảo luận là về Chiến lược công nghiệp quốc phòng chung và Chương trình đầu tư chung châu Âu trong lĩnh vực quốc phòng để ứng phó với nguy cơ an ninh lớn nhất kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ 2.

Chủ tịch Hội đồng châu Âu thừa nhận EU đã không đầu tư đủ vào ngành công nghiệp quốc phòng trong nhiều năm và cần phải sửa chữa sai lầm này bằng việc chi tiêu nhiều hơn, mua sắm nhiều hơn và hiệu quả hơn.

Bức thư của Chủ tịch Hội đồng châu Âu cũng đề cập đến diễn biến tình hình Trung Đông, nhấn mạnh nhu cầu hỗ trợ nhân đạo khẩn cấp cho người dân Palestine tại dải Gaza, đề xuất thúc đẩy một lệnh ngừng bắn trao đổi con tin. EU sẽ nỗ lực thúc đẩy các giải pháp kiềm chế, không để leo thang xung đột sang Liban và tại khu vực Biển Đỏ, kiên trì ủng hộ giải pháp lâu dài hai nhà nước Palestine và Israel cùng tồn tại.

Trong vấn đề mở rộng, EU sẽ công bố đánh giá về những tiến bộ mà Moldova, Bosnia-Herzégovina và nhất là Ukraine đã đạt được.

Phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal ngày 20/3, Chủ tịch Uỷ ban châu Âu bà Ursula Von der Leyen cho biết: “Hôm nay là ngày tốt lành cho Ukraine. Uỷ ban châu Âu vừa giải ngân cho Ukraine 4,5 tỷ euro trong tổng số 50 tỷ euro từ Quỹ hoà bình châu Âu. Đây cũng là thời khắc cực kỳ quan trọng khi tôi đã nhận được bản kế hoạch dành cho Ukraine với mục tiêu thúc đẩy đầu tư và giúp Ukraine tiến gần hơn với Liên minh châu Âu”.

Tại Hội nghị thượng đỉnh lần này, lãnh đạo các nước EU cũng bàn thảo, đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong lĩnh vực nông nghiệp để xoa dịu sự bất mãn của nông dân châu Âu, nhất là về chính sách hỗ trợ nông nghiệp và xoá bỏ cạnh tranh không công bằng từ nông sản nhập khẩu, bao gồm cả nông sản Ukraine.

Theo VOV
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.