Multimedia Đọc Báo in

Đồng nội tệ yếu ảnh hưởng tới xuất khẩu của Nhật Bản

16:03, 22/05/2024

Số liệu công bố ngày 22/5 của Chính phủ Nhật Bản cho thấy thâm hụt thương mại của nước này trong tháng 4 vừa qua ở mức 462,51 tỷ yen (3 tỷ USD), chủ yếu do giá dầu thô tăng cao và sự sụt giảm mạnh của đồng yen.

Kim ngạch xuất khẩu của Nhật Bản trong tháng 4 đạt 8.980 tỷ yen, tăng 8,3% so với cùng kỳ năm tài chính trước đó, nhờ nhu cầu mạnh mẽ đối với ô tô. Đây là mức tăng liên tiếp trong 5 tháng qua và cũng là mức kỷ lục của tháng 4 hằng năm. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu cũng tăng 8,3% lên 9.440 tỷ yen và cũng là mức tăng cao nhất từ trước đến nay đối với tháng 4 hằng năm.

Cảng hàng hóa ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Cảng hàng hóa ở Tokyo, Nhật Bản. Ảnh: Kyodo/TTXVN

Các mặt hàng nhập khẩu ghi nhận tăng trưởng mạnh gồm dầu thô và máy bay. Các mặt hàng xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng là xe hybrid (chạy bằng cả xăng và điện), thiết bị sản xuất chất bán dẫn và chip.

Đồng yen yếu đã đẩy chi phí nhập khẩu lên cao đối với các nhà nhập khẩu của Nhật Bản, song làm tăng lợi nhuận đối với các nhà xuất khẩu nước ngoài.

Trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Nhật Bản sang Mỹ tăng 8,8% so với cùng kỳ trước đó, lên 1.800 tỷ yen, đánh dấu chuỗi tăng kéo dài 31 tháng qua. Tuy nhiên, thặng dư thương mại của Nhật Bản với Mỹ trong tháng 4 giảm 13,2%, xuống còn 688,46 tỷ yen, giảm lần đầu tiên trong 15 tháng qua. 

Với đối tác thương mại lớn là Trung Quốc, Nhật Bản vẫn chịu mức thâm hụt trong 37 tháng liền, với mức thâm hụt là 526,97 tỷ yen, tăng 14,6% so với cùng kỳ.

Trong tháng 4, thặng dư thương mại của Nhật Bản với các nước châu Á, bao gồm Trung Quốc, tăng 2,8% so với cùng kỳ năm trước, lên 305,84 tỷ yen. Tuy nhiên, Nhật Bản chứng kiến thâm hụt thương mại với Liên minh châu Âu ở mức 123,2 tỷ yen, tăng 68% so với cùng kỳ. 

Theo TTXVN


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.