Multimedia Đọc Báo in

Eurozone: Tăng lương không phải là yếu tố gây tăng lạm phát

17:15, 18/07/2024

Mặc dù việc điều chỉnh tăng lương theo lạm phát đã được thực hiện, nhưng quý 1/2024, 16 quốc gia thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), trong đó có một số nước thuộc khu vực đồng euro (Eurozone) vẫn có mức lương thực tế thấp hơn so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19, tức là vào cuối năm 2019.

Báo Les Echos (Pháp) dẫn báo cáo của OECD cho biết, 29 trong số 35 quốc gia thành viên được khảo sát trong quý 1/2024 cho thấy tốc độ tăng giá hàng hóa trên thực tế đã giảm rõ rệt trong 1,5 năm qua. Nhưng những tổn thất về sức mua vẫn chưa được giải quyết triệt để tại nhiều nước. 

Biểu tượng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Ảnh: AFP/TTXVN
Biểu tượng của khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Ảnh: AFP/TTXVN

Nguyên nhân là do, trong quý đầu năm 2024, 16 quốc gia OECD có mức lương thực tế thấp hơn mức lương trung bình ba tháng cuối năm 2019. Đặc biệt, tại Eurozone, tiền lương thực tế trong quý 1/2024 đã giảm khoảng 2% so với cuối năm 2019.

Chuyên gia François Geerolf, nhà kinh tế học tại Trung tâm Quan sát Điều kiện Kinh tế Pháp (OFCE) nhận xét, tỷ lệ lợi nhuận của các doanh nghiệp trong khu vực đồng euro vào cuối năm 2023 cao hơn 2 điểm so với mức cuối năm 2019. Đáng chú ý, lạm phát không được tạo ra bởi tiền lương mà bởi lợi nhuận. Đang có tình trạng các doanh nghiệp lợi dụng tình trạng “sương mù” do lạm phát gây ra để tăng giá bán. Điều này khiến lạm phát không thể giảm và việc tăng lương chắc chắn vẫn sẽ là chủ đề được đề cập đến trong những tháng tới tại Eurozone.

Đầu tháng Bảy, trong một bài phát biểu ở Naples (Italy), nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Philip Lane, cho rằng tiền lương của người lao động châu Âu sẽ tăng khoảng 4,5% trong quý 2/2024 (không bao gồm lạm phát) sau khi đã tăng 5% trong quý 1/2024. Tính trung bình cả năm, tốc độ tăng lương ước tính của Eurozone vào khoảng 2,5% sức mua của người lao động.

Nhưng tốc độ tăng năng suất lại đang diễn ra rất yếu ở khu vực đồng euro. Nhà kinh tế học tại Ngân hàng Société Générale (SG), Michel Martinez, nói: “Cần phải tăng năng suất đáng kể để nhịp độ tăng lương phù hợp với lạm phát ở mức 2%, tương ứng với mục tiêu của ECB”.

Theo đánh giá của chuyên gia Martinez, thị trường lao động tại Eurozone vẫn diễn ra căng thẳng. Kết quả các cuộc khảo sát thị trường việc làm cho thấy các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phàn nàn về những khó khăn trong tuyển dụng. Trong bối cảnh khủng hoảng lạm phát và tỷ lệ lãi suất tăng cao, có thể dự đoán các doanh nghiệp sẽ gặp khó khăn về cầu hơn là cung lao động. Tỷ lệ thất nghiệp, hiện là 6,4%, vẫn ở mức thấp lịch sử tại Eurozone.

Từ tháng 5/2019 - 5/2024, mức lương tối thiểu tại 30 quốc gia OECD đã tăng trung bình 12,8% (bao gồm cả việc tính đến lạm phát). Tuy nhiên, tác động tăng lương của mỗi quốc gia là rất khác nhau. Tại một nửa số quốc gia thành viên OECD, ở các khu vực có mức lương trung bình thấp, tiền lương thực tế phát huy hiệu quả tương đối tốt hơn so với những khu vực có mức lương trung bình tương đối và cao”.

Theo TTXVN


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.