Multimedia Đọc Báo in

Báo chí Đức: Chiến tranh Việt Nam làm thay đổi nhận thức về chiến tranh

12:03, 30/04/2025

Báo chí Đức đã có nhiều bài viết, bình luận về ý nghĩa của sự kiện lịch sử kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025) của dân tộc Việt Nam.

Những ngày này, cả dân tộc Việt Nam đang sống trong không khí hào hùng kỷ niệm 50 năm ngày đất nước thống nhất (30/4/1975 - 30/4/2025).

Sáng 15/5/1975, hàng triệu nhân dân Sài Gòn-Gia Định đổ về quảng trường trước trụ sở Ủy ban quân quản thành phố để dự Lễ mừng chiến thắng. (Ảnh: TTXVN)
Sáng 15/5/1975, hàng triệu nhân dân Sài Gòn-Gia Định đổ về quảng trường trước trụ sở Ủy ban quân quản thành phố để dự Lễ mừng chiến thắng. Ảnh: TTXVN

Báo chí Đức đã có nhiều bài viết, bình luận về ý nghĩa của sự kiện lịch sử này.

Tuần báo kinh tế “Wirtschafts Woche” của Đức đã có bài viết ca ngợi công tác chuẩn bị đại lễ của Việt Nam.

Trong bài viết “Lễ lớn kỷ niệm 50 năm kết thúc chiến tranh Việt Nam”, tác giả viết: “Từ nhiều tuần qua, không chỉ thành phố Sài Gòn (nay là Thành phố Hồ Chí Minh), mà khắp cả nước, công tác chuẩn bị diễn ra trong không khí náo nức. Thành phố mang tên Bác đã được dán nhiều áp phích, biển báo và bảng hiệu phát sáng chào mừng 50 ngày thống nhất đất nước và hòa bình”.

Phía trước Dinh Độc lập, một trong những địa danh nổi tiếng của thành phố, cũng là Di tích quốc gia đặc biệt từng chứng kiến thời khắc lịch sử dân tộc, nhiều điểm giới thiệu thông tin du lịch được dựng nên.

Hoạt động lớn và thu hút nhiều người dân quan tâm nhất là cuộc duyệt binh, diễu hành với 13.000 người tham gia cùng màn trình diễn của hàng nghìn máy bay không người lái.

Một chương trình biểu diễn ánh sáng khổng lồ với màn bắn pháo hoa từ 30 địa điểm sẽ thắp sáng bầu trời thành phố, lớn nhất trong lịch sử của quốc gia Đông Nam Á này.

Theo báo trên, trong nhiều tuần qua, Thành phố Hồ Chí Minh đã đón lượng du khách cao hơn bình thường đáng kể, đặc biệt tại Bảo tàng Chứng tích Chiến tranh, nơi trưng bày các hiện vật như xe tăng, máy bay nguyên bản của Không quân Mỹ, trung bình mỗi ngày, đón 5.000-9.000 lượt khách, chủ yếu là khách quốc tế, đông gấp đôi ngày thường. Tất cả các khung giờ, bảo tàng luôn kín khách xếp hàng mua vé vào cửa. Tại Củ Chi, nơi có hệ thống đường hầm nổi tiếng của Việt Nam, lượng du khách cũng đổ về ngày một đông.

Bài báo có đoạn: “Washington đã sử dụng vũ khí gây cháy napalm và các loại hóa chất cực độc như chất độc da cam, để lại hậu quả nặng nề, trong đó những dị tật nghiêm trọng ở trẻ em, khối u và nhiều căn bệnh hiểm nghèo tàn phá sức khỏe bao thế hệ sau này."

Sau các cuộc biểu tình trên toàn thế giới và thất bại quân sự với hơn 58.000 binh sỹ Mỹ thiệt mạng, Mỹ đã rút khỏi cuộc chiến. Cho đến ngày nay, đây vẫn được coi là một trong những thất bại quân sự tồi tệ nhất trong lịch sử Mỹ.

Tờ Thế giới trẻ (Junge Welt) viết: “Cuộc đấu tranh giành độc lập và tự do của Việt Nam đã kết thúc vào mùa Xuân năm 1975. Cuộc tấn công chấn động toàn cầu của lực lượng giải phóng ở miền Nam, có một vị trí xứng đáng trong lịch sử quân sự. Chiến dịch Hồ Chí Minh, bắt đầu lúc 17 giờ chiều 26/4/1975, là hành động cuối cùng của một cuộc tấn công lớn được phát động vào đầu tháng 3 ở vùng cao nguyên miền Trung Việt Nam, với tên gọi là chiến dịch Tây Nguyên, giáng một đòn chí mạng vào quân đội Sài Gòn. Như vậy, đại diện của chế độ phi nghĩa ở Sài Gòn “Việt Nam Cộng hòa” không còn cách nào khác là phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện của trước đại diện có thẩm quyền của chính quyền mới vào chiều 30/4 tại “Dinh Độc lập,” nơi ở của “Tổng thống Dương Văn Minh."

Trên tờ Frankfurter Rundschau, nhà khoa học chính trị Wolfgang Kraushaar, người đã nghiên cứu sâu về Chiến tranh Việt Nam và các phong trào phản chiến, viết: “Ngày 30/4/1975, Chiến tranh Việt Nam kết thúc với hình ảnh đáng nhớ nhất là chiếc trực thăng cuối cùng trên nóc tòa Đại sứ Mỹ. Những người tuyệt vọng bám chặt vào bánh đáp. Và sức mạnh bất lực của cuộc rút lui này, không chỉ về mặt quân sự, mà còn về mặt đạo đức. Chiến tranh Việt Nam là bước ngoặt sâu sắc và đau đớn đối với Mỹ: một cường quốc thế giới đã tự đánh mất vị thế của mình.”

Tổ hợp truyền thông Deutsche Welle có bài phân tích, viết: “Chiến tranh Việt Nam đã kết thúc cách đây 50 năm. Nhưng nó đã làm thay đổi nhận thức về chiến tranh, đặc biệt là những hậu quả lâu dài của nó".

Theo bài báo, chiến tranh Việt Nam là một trong những cuộc xung đột quân sự kéo dài nhất của thế kỷ 20. Cuộc chiến, diễn ra ngay sau cuộc chiến chống thực dân Pháp và kéo dài từ năm 1955 đến năm 1975, cướp đi sinh mạng của khoảng 3,8 triệu người. Cuộc xung đột kết thúc với sự thất bại của chế độ do Mỹ hậu thuẫn ở miền Nam Việt Nam.

Tuy nhiên, có một khía cạnh nổi bật, như José Brunner, một nhà sử học khoa học và giáo sư danh dự tại Đại học Tel Aviv, đã chỉ ra trong một cuộc phỏng vấn với Deutsche Welle, đó là: sự công nhận và hiểu biết về hậu quả tâm lý, xã hội lâu dài của chiến tranh.

Ít nhất là kể từ Thế chiến thứ nhất, người ta đã biết rằng những người lính thường phải chịu đựng những “trải nghiệm bạo lực” rất lâu sau khi chiến tranh kết thúc. Những người bị ảnh hưởng, ở Đức được gọi là “cơn rung chuyển chiến tranh” khi phải chịu đựng những triệu chứng ớn lạnh và hoảng loạn. Thậm chí họ bị coi là những kẻ giả bệnh.

Điều này chỉ thay đổi kể từ khi Chiến tranh Việt Nam nổ ra. Năm 1972, bác sĩ tâm thần Chaim F. Shatan, người từng làm việc với các cựu chiến binh Việt Nam, đã đăng một bài viết “Hội chứng hậu Việt Nam” trên tờ New York Times.

Shatan đã mô tả những cựu chiến binh bị giày vò bởi tội lỗi, chiến tranh đã tàn phá họ ra sao và họ phải chịu đựng sự xa lánh sâu sắc với đồng loại thế nào. Một cựu chiến binh chiến tranh sau này đã nói: “Tôi hy vọng mình có thể học cách yêu thương theo cách mà tôi đã học để ghét”.

 Theo Vietnam+

 


Ý kiến bạn đọc