Hội nghị AEM 53 thông qua Lộ trình chuyển đổi kỹ thuật số ASEAN
Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN lần thứ 53 (AEM 53) diễn ra theo hình thức trực tuyến vào ngày 8 và 9-9 dưới sự chủ trì của Brunei đã thông qua “Lộ trình Bandar Seri Begawan: Chương trình nghị sự về chuyển đổi kỹ thuật số của ASEAN nhằm thúc đẩy nền kinh tế (BSBR).”
BSBR nêu bật các sáng kiến quan trọng hiện có của ASEAN có vai trò quan trọng trong việc hỗ trợ hội nhập kỹ thuật số của khu vực, biến cuộc khủng hoảng đại dịch hiện nay thành cơ hội thông qua chuyển đổi kỹ thuật số.
BSBR sẽ xây dựng nền tảng vững chắc cho nền kinh tế kỹ thuật số ASEAN, trong đó dòng chảy hàng hóa, dịch vụ và dữ liệu liên tục và an toàn được củng cố.
Hội nghị cũng nhất trí tiến hành nghiên cứu về việc ký kết Thỏa thuận khung về kinh tế kỹ thuật số ASEAN (DEFA) vào năm 2023 và bắt đầu đàm phán về DEFA vào năm 2025.
Hội nghị cho rằng sự phục hồi kinh tế trong toàn khu vực vẫn còn mong manh trong bối cảnh quá trình tái mở cửa tại các quốc gia thành viên bị gián đoạn do các đợt bùng phát dịch COVID-19 với sự xuất hiện của các biến thể mới.
Tuy nhiên, nền kinh tế đang khởi sắc và tổng sản phẩm nội khối (GDP) của khu vực dự kiến tăng trưởng 4% trong năm nay và 5,2% vào năm tới, sau khi sụt giảm 3,3% vào năm ngoái.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Quốc Khánh chủ trì tại điểm cầu Hà Nội. (Ảnh: TTXVN) |
Trong bối cảnh khu vực chuyển sang duy trì đà phục hồi, hội nghị nhấn mạnh rằng tiêm chủng ngừa COVID-19 vẫn là ưu tiên hàng đầu và việc tiếp tục kích thích tài chính-tiền tệ là cần thiết để củng cố nền kinh tế.
Hội nghị tái khẳng định rằng việc hỗ trợ cho các nhóm dễ bị tổn thương- trong đó có lao động phi chính thức, phụ nữ và thanh niên - là rất quan trọng nhằm giảm thiểu khoảng cách phát triển do đại dịch gây ra.
Hội nghị nhấn mạnh rằng việc thực hiện Khuôn khổ phục hồi toàn diện ASEAN (ACRF) và Kế hoạch thực hiện là chiến lược hợp nhất để thoát khỏi cuộc khủng hoảng COVID-19 thông qua 5 chiến lược về y tế, an ninh con người, hội nhập kinh tế, chuyển đổi kỹ thuật số và phát triển bền vững.
Hội nghị cũng thông qua danh mục mở rộng các mặt hàng thiết yếu, bao gồm một số sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm, trong khuôn khổ Biên bản ghi nhớ (MOU) về việc thực hiện các biện pháp phi thuế quan đối với các mặt hàng thiết yếu theo Kế hoạch Hành động Hà Nội về Tăng cường Hợp tác kinh tế ASEAN và Kết nối chuỗi cung ứng để ứng phó với đại dịch COVID-19.
Các kế hoạch này đã được các Bộ trưởng Kinh tế ASEAN ký kết vào tháng 11-2020.
Hội nghị cũng ghi nhận tiến triển trong việc soạn thảo Kế hoạch phục hồi du lịch ASEAN hậu COVID-19 nhằm cung cấp các biện pháp phối hợp giữa các nước thành viên theo cách tiếp cận từng bước, qua đó mở cửa trở lại ngành công nghiệp không khói một cách an toàn, đồng thời hướng tới một nền du lịch ASEAN bền vững, linh hoạt và hội nhập hơn.
Theo TTXVN/Vietnam+
Ý kiến bạn đọc