Các nước ASEAN tìm cách tăng cường chuỗi cung ứng hậu đại dịch COVID-19
Ngày 16/3, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Singapore Gan Kim Yong cho hay các nước thành viên ASEAN đã nhất trí tìm kiếm các phương thức nhằm đẩy mạnh chuỗi cung ứng trong khu vực qua đó thúc đẩy đà phục hồi kinh tế sau đại dịch COVID-19.
Theo đó, tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN hẹp lần thứ 28 diễn ra theo hình thức trực tuyến do Campuchia chủ trì. Bộ trưởng Gan Kim Yong đã đề xuất 3 lĩnh vực chủ chốt mà các nước ASEAN có thể tập trung cùng thúc đẩy để hồi phục kinh tế, trong đó nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì đoàn kết và “hội nhập kinh tế khu vực rộng mở dựa trên các quy tắc" khi các quốc gia thành viên phải điều chỉnh để ứng phó với các bất ổn kinh tế như áp lực lạm phát và gián đoạn kinh tế do "phức tạp địa chính trị" và đại dịch COVID-19.
Vận chuyển hàng hóa tại cảng ở Singapore. Ảnh: THX/TTXVN |
Theo ông Gan, ASEAN cần hành động nhanh chóng để đối phó với những thách thức hiện nay, thông qua tăng cường chuỗi cung ứng khu vực và nâng cấp các hiệp định thương mại tự do của ASEAN. Bên cạnh đó, ASEAN cần phải khẳng định vai trò như một tổ chức khu vực năng động và tiến bộ thông qua hợp tác trong các lĩnh vực đang nổi như nền kinh tế xanh hay nền kinh tế kỹ thuật số.
Bộ Công nghiệp và Thương mại Singapore cho biết ASEAN đang thảo luận việc gia hạn Bản ghi nhớ về việc xử lý các biện pháp phi thuế quan đối với hàng hóa thiết yếu trong khuôn khổ Kế hoạch hành động Hà Nội nhằm tăng cường hợp tác kinh tế ASEAN và kết nối chuỗi cung ứng trong bối cảnh dịch COVID-19, đồng thời mở rộng danh mục hàng thiết yếu của ASEAN.
Tại cuộc họp, đại diện các nước ASEAN cũng kêu gọi đẩy nhanh nối lại hoạt động đi lại trong khu vực một cách an toàn. Bên cạnh đó, các nước cũng nhất trí khởi động đàm phán nâng cấp Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) nhằm tối đa hóa tiềm năng thương mại trong khối và tăng cường hội nhập kinh tế. Việc nâng cấp ATIGA còn nhằm tạo thuận lợi cho thương mại thông qua giải quyết các rào cản thuế quan, cải thiện sự minh bạch, tạo thuận lợi cho các nước thành viên tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực và toàn cầu, và ứng phó với các vấn đề đang nổi như kỹ thuật số hóa và nền kinh tế xanh.
Theo TTXVN/Tintuc
Ý kiến bạn đọc