Multimedia Đọc Báo in

ASEAN: Cần nhiều cam kết đa phương hơn nữa để giải quyết xung đột

18:32, 25/07/2023

Ngày 24/7, tại trụ sở Liên hiệp quốc, Đại hội đồng Liên hiệp quốc khóa 77 đã tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 92 để thảo luận và thông qua báo cáo năm 2023 của Ủy ban Xây dựng Hòa bình Liên hiệp quốc.

Chủ tịch Đại hội đồng Liên hiệp quốc Csaba Kőrösi nhấn mạnh, thế giới đang chứng kiến ngày càng nhiều xung đột vũ trang với tính chất nghiêm trọng, phức tạp và khó giải quyết hơn, ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững đến năm 2030 ở nhiều quốc gia, khu vực.

Tình hình đó đặt ra yêu cầu cấp bách đối với các cơ chế của Liên hiệp quốc, nhất là Hội đồng Bảo an, Ủy ban Xây dựng Hòa bình Liên hiệp quốc và các quốc gia thành viên cần tăng cường hợp tác để tìm giải pháp ngăn ngừa xung đột mới, giải quyết hiệu quả xung đột hiện có và duy trì hòa bình, phát triển bền vững trong giao đoạn hậu xung đột.

Phát biểu thay mặt Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) tại phiên họp, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc, nêu rõ bản chất của các cuộc xung đột hiện nay đã có sự thay đổi và trở nên khó đoán định, đặt ra thách thức lớn hơn đối với các nỗ lực xây dựng và gìn giữ hòa bình.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ, phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: Thanh Tuấn/TTXVN
Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hiệp quốc phát biểu tại phiên họp. Ảnh: TTXVN

Đại sứ nhấn mạnh ASEAN mong muốn cộng đồng quốc tế có nhiều nỗ lực và cam kết đa phương hơn nữa để giải quyết xung đột thông qua cách tiếp cận toàn diện và có sự phối hợp chặt chẽ, trong đó cần tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định.

Đại sứ Đặng Hoàng Giang tái khẳng định cam kết vững chắc của ASEAN đối với các nỗ lực gìn giữ hòa bình và xây dựng hòa bình của Liên hiệp quốc, sẵn sàng thúc đẩy can dự và hợp tác với các đối tác đối thoại và đối tác ngoài khu vực, kể cả thông qua các cơ chế hiện có do ASEAN dẫn dắt, để thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển, đồng thời tăng cường khả năng tự cường của khu vực trước các thách thức đang nổi lên.

Đại diện ASEAN kêu gọi các bên liên quan cùng nỗ lực giải quyết các thách thức về nguồn lực cho xây dựng hòa bình; khuyến khích đảm bảo sự tham gia đầy đủ, công bằng và có ý nghĩa của phụ nữ ở tất cả các cấp độ khác nhau của tiến trình hòa bình.

Ủy ban Xây dựng Hòa bình (PBC) được thành lập theo các nghị quyết số A/RES/60/180 của Đại hội đồng Liên hiệp quốc và số S/RES/1645 của Hội đồng Bảo an năm 2005, có chức năng tư vấn cho Liên hiệp quốc trong xây dựng và duy trì hòa bình bền vững ở các quốc gia bị ảnh hưởng xung đột.

PBC gồm 31 quốc gia thành viên, trong đó 21 thành viên được bầu từ Đại hội đồng, Hội đồng Bảo an và Hội đồng Kinh tế và Xã hội; 5 thành viên là các quốc gia đóng góp tài chính hàng đầu và 5 thành viên khác là các quốc gia đóng góp quân số nhiều nhất cho lực lượng giữ gìn hòa bình của Liên hiệp quốc.

Theo TTXVN/Vietnam+


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.