Multimedia Đọc Báo in

Thể thao Việt Nam còn "chông chênh" khi ra biển lớn

08:43, 08/10/2023

Thống kê cho thấy thành tích của thể thao Việt Nam (TTVN) qua các kỳ ASIAD rất "khiêm tốn" khi chỉ một lần xếp hạng 15 toàn đoàn vào năm 2002, còn lại đều nằm ngoài tốp 15. Trong khi đó, Thái Lan liên tục nằm trong tốp 10 ASIAD với số Huy chương Vàng (HCV) thường cao hơn gấp đôi Việt Nam.

1. Đó là điều nghịch lý khi TTVN rất nhiều lần xếp nhất toàn đoàn ở đấu trường SEA Games. Mới đây thôi, SEA Games 32 diễn ra tại Campuchia, chúng ta đứng nhất bảng tổng sắp, trên cả Thái Lan và dĩ nhiên, Malaysia, Singapore, Indonesia không “có cửa” so sánh.

Vậy mà chỉ 5 tháng sau, lãnh đạo ngành thể thao chỉ dám đặt chỉ tiêu khiếm tốn: 2 - 5 HCV tại ASIAD, trong khi có đến 337 vận động viên tham gia tranh tài ở 31 môn. Nên nhớ, tại ASIAD 18 cách đây 5 năm, đoàn TTVN đã lập chiến tích mang tính lịch sử với 5 HCV.

Sự e dè của lãnh đạo ngành thể thao là có cơ sở, khi hơn nửa chặng đường trên đất Hàng Châu (Trung Quốc), đoàn TTVN bị Thái Lan vượt gấp 5 lần HCV. Indonesia, Malaysia và Singapore liên tục xếp trên và khả năng chúng ta thua về số lượng HCV là thấy rõ.

Rõ ràng qua phân tích, tổng hợp cả một quá trình dài mới thấy chiến lược phát triển TTVN rất có vấn đề. Đầu tiên trong chiến lược đã bàn thảo nhiều trong những năm 2000 đến 2010, mục tiêu số một phải luôn luôn giữ vững top 3 SEA Games, rồi sau đó mới nói đến lựa chọn một số môn tham gia vào ASIAD và Olympic. Trong thời gian dài như thế, chúng ta chỉ chú trọng đấu trường khu vực trong khi ASIAD chưa được đầu tư đúng mức. Một trong những vị lãnh đạo cao cấp nhất ngành TTVN từng nói với báo chí rằng: “Nói gì thì nói, nếu SEA Games mà thất bại thì không thể chấp nhận được”.

Cho đến gần đây nhất, ở SEA Games 32, các nhà quản lý TTVN vẫn phát biểu đấu trường SEA Games là trọng tâm. Một khi đã xác định chiến lược như thế tất yếu dẫn đến việc đầu tư từ tiền bạc, công sức, mua sắm trang thiết bị, dinh dưỡng, tập huấn, đào đạo… dồn hầu hết cho SEA Games, không còn đủ sự đầu tư cho ASIAD.

Thể thao Việt Nam cần đầu tư mạnh cho những môn có tiềm năng như bóng chuyền nữ.

2. Thể thao phải là sự đầu tư liên tục, có chiến lược rõ ràng mới mong gặt hái thành tích bền vững. Cách làm như chúng ta hiện nay là chưa phù hợp.  Không nên coi ngôi nhất, nhì SEA Games là niềm vinh quang bất tận mà bỏ quên đấu trường lớn hơn là ASIAD, Olympic. Hãy đặt dấu hỏi vì sao Singapore, Philippines, Indonesia, Malaysia xếp sau chúng ta ở SEA Games nhưng thường đạt thành tích tốt hơn ở ASIAD, Olympic?

Những người làm trong ngành TTVN cũng thấy rõ những khó khăn tồn tại như kinh phí, chưa có sự đầu tư đúng mực cho thể thao học đường, xã hội hóa thể thao… để có nền móng vững chắc. Đặc biệt, chế độ lương thưởng cho vận động viên rất thấp. Ngay cả tiền thưởng ở SEA Games, ASIAD, Olympic chúng ta cũng thua xa nhiều nước trong khu vực, không giúp vận động viên có điều kiện để nuôi sống bản thân và tích lũy cho tương lai. So với ASIAD 4 năm mới diễn ra một lần, SEA Games đến nhanh hơn (2 năm một lần). Với những vận động viên Việt Nam được tuyển chọn vào đội tuyển thi đấu, có huy chương (bất kể màu gì) đồng nghĩa được nhận chế độ hỗ trợ của ngành thể thao phù hợp với nỗ lực đã bỏ ra. Đây là lý do khiến họ chỉ chú trọng “gặt vàng” ở sân chơi vừa tầm như SEA Games.

Những cá nhân nổi bật được tuyển chọn tới đấu trường ASIAD, để có được HCV là quá sức, quá khó khăn.

Đó là lý do người làm thể thao, cả vận động viên Việt Nam cũng lựa chọn SEA Games là cái đích đầu tiên, trước khi nghĩ đến việc gây bất ngờ lúc cạnh tranh với những đối thủ mạnh hàng đầu thế giới ở đấu trường lớn hơn.

Trên đây là những vấn đề vĩ mô và cũng là sự bất hợp lý của TTVN. Chúng ta cần phải từ bỏ bệnh thành tích, dũng cảm coi SEA Games là ngày hội thể thao đoàn kết, hữu nghị khu vực Đông Nam Á đúng nghĩa. Đã đến lúc cần tinh chọn những vận động viên ưu tú nhất, đầu tư trọng điểm với kinh phí dồi dào thì mới hy vọng nền TTVN đi lên bền vững. Đầu tư dàn trải như bao năm qua rất tốn tiền nhưng đẳng cấp nền thể thao luôn dậm chân tại chỗ.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.