2 nghìn tỷ đồng của bầu Đức
Trong buổi lễ ra mắt nhà tài trợ mới và thay đổi phiên hiệu đội bóng, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã tiết lộ: 22 năm làm bóng đá, ông đã tốn 2 nghìn tỷ đồng. Con số ấy nói lên điều gì?
Mãnh hổ nan địch quần hồ
Nếu chia bình quân, mỗi năm bóng đá ngốn của bầu Đức hơn 100 tỷ đồng. Đấy là con số mà giới chuyên môn đánh giá là khá chính xác. Bởi, bầu Đức còn phải chi rất nhiều cho Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG. Nếu không xuất phát từ tình yêu bóng đá, không có cơ chế tự quyết đặc thù của một doanh nghiệp tư nhân, chắc chắn Câu lạc bộ (CLB) Hoàng Anh Gia Lai khó tồn tại đến ngày hôm nay. Đội bóng phố núi gần như là duy nhất ở Việt Nam không thay đổi tên kể từ khi ra đời năm 2001.
Vậy mà, tuần qua, ông bầu Đoàn Nguyên Đức đã phải phá lệ. Hoàng Anh Gia Lai đã đổi tên thành CLB LPBank-HAGL và Học viện bóng đá LPBank-HAGL sau khi ký hợp tác toàn diện với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt.
Hoàng Anh Gia Lai và Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt ký kết hợp tác vào ngày 2/11. Ảnh: TN |
Không có nhà tài trợ đủ mạnh và cam kết đồng hành lâu dài, khó đội bóng nào có thể duy trì sức sống, nói gì đến việc đủ sức mạnh để vươn xa. Trong 22 năm qua, bầu Đức cũng hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp mà vẫn còn có nhiều giai đoạn lay lắt, nói gì tự bước bằng đôi chân của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Đã 19 năm đội bóng phố núi đã không vô địch. Nhiều cầu thủ thuộc thế hệ vàng đầu tiên của Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG đã rơi vào tâm trạng u uất, bất đắc chí khi tiền lương thưởng, chuyển nhượng kém cỏi so với đồng nghiệp. Cụm từ “dành cả thanh xuân để trụ hạng” là nỗi xót xa cho cá nhân họ và bầu Đức. Giờ đây, đa số đã rời phố núi để mong có một tương lai tươi sáng hơn.
Đấy là điều tất yếu bởi bóng đá chuyên nghiệp ít có chỗ cho lòng thủy chung, tiền vẫn là lực hấp dẫn lớn nhất với các cầu thủ.
Luồng sinh khí mới
Nhiều người rất mừng cho bầu Đức đã có “bầu sữa” mới là Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt. Trong phần phát biểu rất dài của lễ ra công bố thay đổi tên, rất nhiều người đã lặng đi trước “cuốn phim” mang tên bóng đá qua 22 năm mà ông chủ Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai tua lại.
Khoảnh khắc ông đưa Kiatisuk về Việt Nam một cách thần kỳ, góp phần hâm nóng các sân cỏ trong nước. Ông quyết tâm đốn nhiều héc ta cao su để mở học viện bóng đá; đồng hành với Liên đoàn Bóng đá Việt Nam và trả lương cho Huấn luyện viên Park Hang-seo… Dù nhiều người không ưa bầu Đức bởi nhiều phát ngôn hơi “ngông” và “nổ”, nhưng đa số đều ghi nhận ông đã có nhiều đóng góp cho bóng đá nước nhà nói chung; tình yêu bóng đá trong ông là có thực. Ông cũng tiết lộ sự đầu tư cho bóng đá, dù tốn nhiều tiền như thế nhưng đã mang lại thành công cho ông.
“Đến một giai đoạn nào đó, tôi phải thay đổi và bắt buộc phải thay đổi. Tôi đã 62 tuổi, 10 năm nữa là 72 tuổi, không biết khi đó tôi sẽ làm bóng đá kiểu gì. Bản thân tôi muốn đội bóng Hoàng Anh Gia Lai và học viện tồn tại mãi mãi. Điều đó khiến tôi suy nghĩ và trăn trở phải tìm một đơn vị có tâm huyết, yêu thích và đặc biệt có tiềm lực tài chính để đồng hành cùng tôi", bầu Đức trải lòng.
Rõ ràng, ông Đức thừa hiểu “một cánh én khó làm nên mùa xuân”. Sức khỏe, nhiệt huyết và sứ mệnh của ông với bóng đá Gia Lai khó duy trì mãi mãi nếu không có sự chung tay của cộng đồng doanh nghiệp. Ngay khi đổi tên, “tối hậu thư” đã được đưa ra cho LPBank-HAGL là phải vô địch sớm nhất có thể. Đấy là động lực, sức ép chính đáng với đội bóng và cả với bầu Đức khi 19 năm qua, Hoàng Anh Gia Lai đã luôn ngụp lặn trụ hạng.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc