Multimedia Đọc Báo in

Nghĩ từ chuyện “thay tên, đổi họ”

10:52, 27/11/2023

Câu lạc bộ (CLB) Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) đã bày tỏ nguyện vọng đổi tên mới trong mùa giải năm nay. Cụ thể, đội bóng của ông Đoàn Nguyên Đức gửi công văn đề nghị Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) cho phép dùng tên mới “LPBank Hoàng Anh Gia Lai” kể từ vòng 4 V.League. Tuy nhiên, VFF đã không đồng ý. Tại sao và câu chuyện của HAGL chuyển tải những thông điệp gì?

1. VFF đã có công văn trả lời đội bóng phố núi. Theo đó, căn cứ vào điều 8 Quy chế Bóng đá chuyên nghiệp, VFF đánh giá đề nghị đổi tên của HAGL chưa phù hợp. Theo quy định, tên của CLB “không được bao gồm tên và/hoặc biểu trưng, logo của bên thứ ba, cho dù là đối tác thương mại hay nhà tài trợ của CLB”. Trường hợp tên mới của HAGL bao gồm bên thứ ba là LPBank nên không đúng với quy chế. Ngoài ra, việc đổi tên đội bóng giữa mùa giải cũng không phù hợp với quy định.

CLB Hoàng Anh Gia Lai sau 23 năm, cuối cùng cũng đề nghị đổi tên thành “LPBank Hoàng Anh Gia Lai”.

Công văn của VFF có đoạn: “CLB bóng đá HAGL có truyền thống, nhiều đóng góp cho bóng đá Việt Nam, là trung tâm bóng đá trẻ hàng đầu. Việc duy trì, phát triển thương hiệu của CLB bóng đá HAGL thúc đẩy gắn kết cộng đồng địa phương, mối liên kết giữa cổ động viên với đội bóng có truyền thống. VFF hy vọng quý CLB cân nhắc kỹ đề xuất đổi tên, hài hòa giữa lợi ích của nhà tài trợ và giữ gìn bản sắc, truyền thống của một CLB chuyên nghiệp”.

Tất nhiên, phía là nhà tài trợ HAGL, Ngân hàng Bưu điện Liên Việt đã không hài lòng, quyết tâm “đối thoại” với VFF để đạt nguyện vọng. Chính xác hơn, phía LPBank cảm thấy quyền lợi không được bảo đảm như thông lệ. Không một doanh nghiệp nào ở Việt Nam khi đầu tư cho bóng đá mà không yêu cầu gắn tên trước, hoặc sau tên CLB. Ngay cả bầu Đức cũng để tên thương hiệu đội bóng 23 năm qua là HAGL, thay vì CLB bóng đá Gia Lai, như thời bao cấp cho đến trước khi ông bầu phố núi nhảy vào bóng đá.

Sau 23 năm bóng đá Việt Nam tiến lên chuyên nghiệp, quá nhiều CLB tên tuổi lẫy lừng đã bị xóa sổ. Đấy là nỗi đau rất lớn, hay nói cách khác là sự trả giá của cách làm bóng đá chuyên nghiệp nửa vời. Tất cả đều chung lý do, nhà tài trợ yêu cầu phải xuất hiện tên họ. Ngay cả Thể Công, đội bóng đá tồn tại 55 năm nhưng đã bị “xóa sổ” năm 2009.

Việc các đội bóng lựa chọn mô hình kể trên là điều tất yếu trong xu thế xã hội hóa bóng đá. Đồng nghĩa, muốn phát triển, muốn trở thành một quyền lực, các CLB không thể chờ đợi nguồn kinh phí có hạn từ địa phương. Họ cần những “bầu sữa” lớn từ các ông bầu là doanh nghiệp hay tập đoàn kinh tế nhằm trả quỹ lương và phát triển đội bóng từ hệ thống đào tạo trẻ hay xây dựng lực lượng.

2. Tuy vậy, quá nhiều thương vụ chỉ tồn tại chóng vánh trong vòng một mùa giải, thậm chí “đứt gánh giữa đường” vì nhiều lý do, có thể từ phía CLB và cũng có thể từ phía các nhà đầu tư, những người đến với bóng đá nhằm đánh bóng tên tuổi cá nhân hay công ty; vì mục đích ngắn hạn nào chứ không phải là vì niềm đam mê bóng đá hay nhiệt tâm muốn xây dựng bóng đá nước nhà. Những sự gắn kết mang tính chất manh mún, tạm bợ giữa CLB và doanh nghiệp đã tạo ra hiện tượng hỗn loạn về tên đội bóng, nhiều CLB đổi tên theo mùa.

Nhìn ra thế giới, những Arsenal, Man United, Liverpool, Barcelona, Chelsea, Bayern Munich, Borussia Dortmund hay những đội bóng thuộc khối chủ nghĩa xã hội trước kia ở Đông Âu như Spartak Moscow, Dinamo Zagreb hay Red Star Belgrade… không bao giờ đồng thuận tên tuổi của họ bị đổi thay, dẫu rằng khoản tiền tài trợ của doanh nghiệp có kếch xù đi chăng nữa. Cùng lắm, họ chấp nhận bán đi tên gọi của sân bóng.

Còn ở nền bóng đá Việt Nam trong giai đoạn chuyên nghiệp hóa, sự thay đổi danh xưng các CLB chính là nét đặc trưng… không giống ai. Các đội bóng phải chấp nhận gắn tên với tên của đơn vị tài trợ để có kinh phí hoạt động. Đội bóng thì chỉ có một, trong khi các nhà tài trợ đến rồi đi, và CLB đó cứ phải đổi tên xoành xoạch.

Điều đó cũng phần nào phản ảnh một tâm thức kinh doanh của doanh nghiệp Việt Nam: tất cả vì quyền lợi của bản thân doanh nghiệp. Tính truyền thống, quyền lợi của đội bóng và người hâm mộ chỉ là thứ yếu. Cho nên, bóng đá Việt Nam không thể có CLB nào tồn tại trên 100 năm. Khó có CLB nào duy trì tên của mình trên 20 năm. Liên đoàn Thống kê và lịch sử bóng đá thế giới mới đây đã công bố danh sách 500 CLB bóng đá nam hàng đầu thế giới, không có đội bóng nào của Việt Nam góp mặt trong danh sách này. Trong khi đó, Thái Lan đóng góp hai đại diện là CLB BG Pathum United và Buriram United. Malaysia đóng góp 1 CLB là Johor Darul Ta’Zim.

Chỉ khi các doanh nghiệp đến với bóng đá mà không cần tên tuổi mình gắn với đội bóng, các CLB mới bền vững. Nên nhớ, không chỉ trong bóng đá,  “của cho không bằng cách cho”. Khi trao yêu thương mà không cần đòi hỏi được công bố và ghi nhận thì mới là “đắc nhân tâm”. Nghĩa cử đó sớm hay muộn cũng được ghi nhận.

Phong Uyên


Ý kiến bạn đọc