Bóng chuyền nữ Việt Nam: Làm sao vượt “ải” Thái Lan?
Gần hai thập niên qua, tuyển Bóng chuyền nữ Thái Lan luôn giữ vị thế thống trị khu vực Đông Nam Á. Là đối trọng lớn nhất của Thái Lan nhưng tuyển Việt Nam ngay ở thời điểm mạnh nhất cũng không thể đánh bại họ.
Có thể nói, tuyển bóng chuyền Việt Nam hiện đang sở hữu “thế hệ vàng” với những cầu thủ chất lượng. Đó là chủ công Thanh Thúy - tay đập đẳng cấp châu Á; hay Bích Tuyền - đối chuyền vừa được xếp vào danh sách 10 đối chuyền xuất sắc nhất thế giới 2024; Khánh Đang, người có tên trong danh sách 20 libero xuất sắc nhất thế giới năm 2024.
Ngoài ra còn có chuyền hai Lâm Oanh và đối chuyền Kiều Trinh. Đây chính là những nhân tố chủ lực giúp Việt Nam vô địch Giải bóng chuyền nữ quốc tế FIVB Challenger Cup 2024 vừa diễn ra ở Philippines. Đang có phong độ tốt, tâm lý hưng phấn nhưng trở về đấu trường khu vực với Giải Bóng chuyền Đông Nam Á 2024, chặng 1 và chặng 2, tuyển Việt Nam đều bị Thái Lan vượt qua.
Tuyển thủ U20 Thái Lan Warathaya Kangsopha (số 6) đánh bại các tay chắn của Binh chủng Thông tin Trường Tươi Bình Phước tại VTV Cup Bình Điền 2024. |
Bóng chuyền Thái Lan tiến lên chuyên nghiệp từ năm 2005, được “sao chép” công thức từ giải đấu của Mỹ, giàu tính cạnh tranh. Bên cạnh đó, các giải đấu của Thái Lan được tổ chức từ U13 đến U23 với mục đích tạo ra lực lượng kế thừa, không phụ thuộc vào một “thế hệ vàng” nào cả.
Hai chủ công nổi tiếng của Thái Lan là Ajcharaporn Kongyot và Chatchu On Moksri hiện đang đầu quân cho đội bóng tên tuổi của Thổ Nhĩ Kỳ Sariyer Belediyespor chính là những nhân tố được phát hiện từ các giải này.
Tiếp nối các đàn chị, những gương mặt trẻ U20 Thái Lan hiện tại như Thissuda Bual Al, Warathaya Kangsopha, Nutchanat Homphithak, Nirarach, Uwannapha cũng vừa có màn ra mắt sân chơi quốc tế VTV Cup Bình Điền 2024 tổ chức tại Đắk Lắk một cách thuyết phục.
Trở lại với bóng chuyền nước nhà, một trong những nguyên nhân quan trọng mà chúng ta chưa thể thoát khỏi “cái bóng” quá lớn của Thái Lan là chưa có sự quan tâm đầu tư đúng mức. Được biết, hiện chỉ có các câu lạc bộ đang thi đấu tại giải bóng chuyền vô địch quốc gia và một số trung tâm huấn luyện, đào tạo thể thao các địa phương đảm nhiệm công tác này, tuy vậy việc đầu tư cũng chưa tương xứng cả về cơ sở vật chất cũng như về chuyên môn.
Theo Huấn luyện viên Thái Thanh Tùng, Phó Ban huấn luyện đào tạo và nghiên cứu khoa học Liên đoàn Bóng chuyền Việt Nam, cầu thủ bóng chuyền cần được cọ xát thi đấu thường xuyên thì mới tích lũy được kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn, bởi đây là đối kháng trực tiếp, qua từng giải đấu, với từng đối thủ ở nhiều cấp độ chuyên môn khác nhau. Nhưng thực tế các vận động viên tiềm năng, triển vọng của Việt Nam vẫn ít có được cơ hội này.
Tuyển bóng chuyền nữ U20 Việt Nam - đàn em của Thanh Thúy, Bích Tuyền, Lâm Oanh cũng đã thất bại trước U20 Thái Lan tại VTV Cúp Bình Điền 2024. |
Hệ thống thi đấu cho vận động viên trẻ, năng khiếu hiện chỉ gói gọn ở giải bóng chuyền trẻ, cúp các câu lạc bộ trẻ toàn quốc, mà quy mô những sân chơi này khá khiêm tốn, số đội tham gia không nhiều, tính cạnh tranh không cao. Bởi thế dù đã rất cố gắng, nhưng nhiều cầu thủ tiềm năng vẫn chưa có cơ hội phát huy tương xứng, bóng chuyền Việt Nam vẫn chưa thể vượt qua “ải” Thái Lan.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc