Multimedia Đọc Báo in

Olympic Paris 2024: Mong manh giấc mơ huy chương

08:35, 04/08/2024

Olympic Paris 2024 đã đi được 1/2 chặng đường, các vận động viên đoàn thể thao Việt Nam lần lượt nói lời chia tay với đấu trường có tính cạnh tranh huy chương khốc liệt này.

Một trong những môn được kỳ vọng lớn có khả năng đoạt huy chương của thể thao Việt Nam là bắn súng với sự hiện diện của "nữ hoàng súng ngắn" – xạ thủ Trịnh Thu Vinh.

Vận động viên quê Thanh Hóa vừa tròn 25 tuổi đã đoạt Huy chương Vàng tại Giải bắn súng vô địch châu Á năm 2024, nội dung 10 m súng ngắn hỗn hợp đồng đội cùng nhà vô địch ASIAD 19 Phạm Quang Huy. Cô đoạt vé đến Paris với tư cách là xạ thủ xếp thứ năm tại vòng loại Giải vô địch thế giới 2023.

Giữ phong độ ổn định trong suốt thời gian dài, Thu Vinh được kỳ vọng tái lập thành tích của đàn anh Hoàng Xuân Vinh đã đoạt được tại kỳ Olympic 2016 là tấm Huy chương Vàng. Niềm hy vọng ấy càng lớn khi khởi tranh vòng loại Olympic 2024, Thu Vinh thi đấu xuất sắc, đạt 578 điểm, đứng thứ tư để trở thành xạ thủ Việt Nam thứ hai vào chung kết một nội dung bắn súng Olympic.

Tại chung kết, Thu Vinh khởi đầu khá tốt khi liên tục có mặt trong tốp 4, song đến lượt trận thứ tư, dường như bị áp lực tâm lý quá lớn, Thu Vinh không còn giữ được sự chuẩn xác trong những đường ngắm và khép lại 7 lượt bắn, được tổng cộng 198,6 điểm, xếp hạng tư chung cuộc. Tuy không đoạt được huy chương, song thành tích trên cũng giúp Thu Vinh trở thành nữ xạ thủ có thành tích tốt nhất trong lịch sử bắn súng Việt Nam.

Nhà vô địch SEA Games 32 Hà Thị Linh, môn boxing không thể tạo bất ngờ ở Olympic Paris 2024.

Sau Thu Vinh, võ sĩ boxing – nhà đương kim vô địch SEA Games 32 Hà Thị Linh (hạng cân 60 kg nữ) cũng nói lời chia tay với Olympic Paris ở vòng 1/16 khi thất thủ trước võ sĩ người Trung Quốc đang xếp hạng tư thế giới là Yang Wenlu. Trước đó, tại vòng loại Hà Thị Linh đã đem lại hy vọng lớn cho thể thao Việt Nam khi dễ dàng đánh bại tay đấm Feofaaki Epenisa của Tonga với tỷ số đậm 5 - 0. 

Kình ngư Nguyễn Huy Hoàng cũng phải lên đường về nước sớm. Ở vòng loại nội dung bơi 800 m tự do, Nguyễn Huy Hoàng chỉ đạt 8 phút 8 giây 39, xếp thứ 28 trong tổng số 31 vận động viên. Kết quả trên là bước thụt lùi so với chính Huy Hoàng bởi ở kỳ Olympic Tokyo năm 2020 (nhưng tổ chức năm 2021 do ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19), Huy Hoàng xếp ở vị trí thứ 20.

Mỗi ngày qua đi, hy vọng huy chương của đoàn thể thao Việt Nam lại càng vơi dần. Vận động viên ở các môn bắn cung, judo, boxing, rowing, cầu lông... lần lượt dừng bước trước các đối thủ mạnh hơn.

Đến thời điểm này, giấc mơ về tấm huy chương của thể thao nước nhà đặt vào đôi vai của lực sĩ Trịnh Văn Vinh - đô cử chủ lực của cử tạ Việt Nam từng vô địch thế giới năm 2017. Ngày 7/8 tới đây, Trịnh Văn Vinh sẽ bước vào cuộc tranh tài với nhiều đối thủ mạnh từ các quốc gia có truyền thống cử tạ hàng đầu như Trung Quốc, Mỹ, Ý, Indonesia và Philippines.

Tuy nhiên, giấc mơ ấy cũng khá mong manh khi ở hạng cân của mình, trong lịch sử Trịnh Văn Vinh chưa bao giờ đạt đến mức tổng cử 300 kg, trong khi đó những các đối thủ của anh đều đạt kết quả từ 300 kg tổng cử trở lên, như Li Fabin (Trung Quốc, 314kg), Morris (Mỹ, 303kg), Massidda (Ý, 302kg), Eko (Indonesia, 300kg), Ceniza (Philippines, 300kg).

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.