Thể thao Việt Nam nhìn từ Olympic Paris 2024
Đấu trường danh giá Olympic chưa bao giờ được xem dễ dàng đối với những vận động viên Việt Nam. Việc không gặt được tấm huy chương nào tại Olympic không phải là chuyện xa lạ đối với thể thao Việt Nam.
Thế vận hội Paris năm nay cũng không ngoại lệ. Đoàn thể thao Việt Nam sang Pháp tham dự Olympic Paris 2024 với 16 vận động viên.
Trải qua các ngày thi đấu, đoàn thể thao Việt Nam có hai cơ hội rõ rệt nhất để tranh huy chương, nằm ở chung kết nội dung 10 m súng ngắn hơi nữ, chung kết 25 m súng ngắn thể thao nữ.
Đáng tiếc, xạ thủ Trịnh Thu Vinh đã không có được thành tích huy chương. Bắn súng cho đến nay vẫn là môn thể thao thành công nhất của Việt Nam ở đấu trường Olympic với tấm Huy chương Vàng và Huy chương Bạc của Trịnh Xuân Vinh ở Olympic Rio 2016. Đến với Olympic Paris, Trịnh Thu Vinh là niềm hy vọng số 1 của thể thao Việt Nam và thực tế là cô cũng đã ở rất gần với huy chương.
Xạ thủ Trịnh Thu Vinh đã không có được thành tích đoạt huy chương tại Olympic Paris 2024. |
Trước thềm Olympic Paris 2024, lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam khẳng định, trong quá trình chuẩn bị, tham dự vòng loại cũng như thi đấu tại Olympic Paris 2024 sẽ tập trung nguồn lực để đầu tư cho huấn luyện viên, vận động viên tham gia tranh tài. Trong đó, ưu tiên cho các gương mặt chủ lực tập huấn và từng đội tuyển xây dựng phương án cho các huấn luyện viên, vận động viên. Tuy nhiên, việc giành được một tấm huy chương là vô cùng khó.
Những nhận định đã trở thành hiện thực khi cơ hội giành huy chương càng hẹp và áp lực cho đoàn thể thao Việt Nam càng lớn. Những niềm hy vọng số 1 như Nguyễn Thị Thật, Trinh Thu Vinh, Trịnh Văn Vinh thi đấu không thành công.
Việc không giành được huy chương tại Olympic Paris 2024 là kết quả không bất ngờ. Nhưng áp lực là điều khó tránh khỏi và sự so sánh lại được đặt lên bàn cân khi nhìn sang các nước trong khu vực Đông Nam Á. Tính đến hiện tại ở Olympic Paris, đoàn thể thao Philippines đã tạo nên cột mốc lịch sử khi giành được 2 Huy chương Vàng ở môn thể dục dụng cụ với cú đúp của Carlos Yulo. Trong khi đó, Thái Lan có 1 Huy chương Bạc, 1 Huy chương Đồng; còn Malaysia cũng đã có 1 Huy chương Đồng. Đến nay, thành tích 1 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh ở Olympic Rio de Janeiro 2016 vẫn là đỉnh cao của thể thao Việt Nam.
Đoàn thể thao Việt Nam tại Olympic Paris 2024 "trắng tay" giống như Olympic Tokyo 2020. Đây phải xem là bài học để ngành thể thao Việt Nam nhìn nhận và đánh giá lại sự đầu tư cũng như chiến lược. Thay vì tập trung cho SEA Games và đầu tư dàn trải, ngành thể thao nên đầu tư có trọng điểm, hướng tới các môn đấu có khả năng cạnh tranh huy chương ở ASIAD và Olympic. Thể thao Việt Nam đã đưa ra định hướng vươn lên ở đấu trường ASIAD và Olympic từ lâu, nhưng thành tựu đạt được đến nay vẫn khá hạn chế. Bên cạnh các vấn đề về tổ chức, quản lý, thì chiến lược xã hội hóa thể thao cũng chưa phát huy hiệu quả.
Thực tế trên đã được chỉ ra từ lâu và cũng đã có khá nhiều phân tích, đánh giá, đi tìm các nguyên nhân để giải quyết. Nó bắt nguồn từ nhiều vấn đề gồm hoạch định chiến lược, tổ chức, quản lý và triển khai. Về mặt chiến lược, ngành thể thao đã đưa ra định hướng đầu tư cho đấu trường ASIAD và Olympic từ lâu. Tuy nhiên, một khó khăn điển hình ngành thể thao luôn nhắc tới là vấn đề nguồn lực có hạn. Nếu không thật sự có những bước đi mang tính đột phá, hành trình đi tìm tấm huy chương Olympic của thể thao Việt Nam sẽ còn gian nan.
Phong Uyên
Ý kiến bạn đọc