Thể thao Việt Nam tham dự Olympic: Nhìn từ "ao làng"
Olympic Paris 2024 tại nước Pháp chưa khép lại, nhưng đối với đoàn thể thao Việt Nam, gần như Thế vận hội lần này coi như đã kết thúc. Thêm một lần nữa, đoàn thể thao Việt Nam lại "trắng" huy chương ở một kỳ Thế vận hội.
Đây là kết quả không quá bất ngờ đối với nhiều người, bởi sân chơi này lâu nay vẫn được xem là "quá tầm" đối với các vận động viên (VĐV) Việt Nam. Điều đáng nói ở đây là trong khi chúng ta đang loay hoay tìm hướng đi thì nhiều nước trong khu vực Đông Nam Á đã có được những thành tích đáng nể tại các kỳ Olympic nói chung, Olympic Paris 2024 nói riêng.
Đô cử Trịnh Văn Vinh đã từng giành huy chương và lập kỷ lục tại SEA Games 2017 tổ chức ở Malaysia (307 kg) năm anh 22 tuổi, nhưng rồi thành tích cứ thế "thụt lùi" theo thời gian và thất bại tại Olympic Paris 2024. Ảnh: Reuters. |
Thể thao Việt Nam trở lại với sân chơi Olympic từ năm 1980. Sau nhiều lần tham dự Thế vận hội, đoàn thể thao Việt Nam giành được tổng cộng 5 huy chương gồm 1 huy chương vàng (môn bắn súng của VĐV Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016), 3 huy chương bạc (môn taekwondo của Trần Hiếu Ngân tại Olympic Sydney 2000, môn cử tạ của VĐV Hoàng Anh Tuấn tại Olympic Bắc Kinh và môn bắn súng của VĐV Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016) và 1 huy chương đồng (môn cử tạ của VĐV Trần Lê Quốc Toàn tại Olympic London 2012).
Trên bảng tổng sắp huy chương, đoàn thể thao Việt Nam chỉ duy nhất một lần xếp hạng 48 tại Olympic Rio 2016 nhờ tấm huy chương vàng của Hoàng Xuân Vinh, còn lại chúng ta thường xuyên duy trì vị trí ngoài top 60 thế giới hoặc không được xếp hạng do không có huy chương.
Hoàng Xuân Vinh là vận động viên duy nhất của thể thao Việt Nam dành được huy chương vàng ở đấu trường Olympic Ảnh: Vietnamnet.vn. |
Trong khi đó, nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á đã đạt được những thành tích nổi bật. Qua các kỳ tham dự Thế vận hội, đoàn thể thao Thái Lan đã có 36 huy chương các loại, trong đó có 10 huy chương vàng; đoàn Indonesia có 38 huy chương các loại, trong đó có 8 huy chương vàng; đoàn Philippines có 16 huy chương các loại, trong đó có 3 huy chương vàng. Đoàn thể thao Malaysia tuy chưa có huy chương vàng nào nhưng họ đã giành được 15 huy chương, trong đó có 8 lần giành huy chương bạc.
Tại Olympic Paris 2024, một lần nữa lại cho thấy khoảng cách xa vời giữa thể thao Việt Nam với ngay thể thao các nước trong khu vực khi bước ra sân chơi quốc tế. Các đoàn thể thao nói trên liên tiếp gặt hái những thành tích ấn tượng mà nổi bật nhất là đoàn Philippines với 2 huy chương vàng, 1 huy chương đồng. Điều đó cho thấy thành tích của Thái Lan, Phippines, Indonesia và cả Malaysia không phải ở “phong độ nhất thời”.
Võ sĩ Thái Lan Panipak Wangpattanakit xuất sắc giành tấm huy chương vàng Olympic Paris 2024 môn taekwondo. Ảnh: Getty. |
Ấy vậy nhưng khi trở lại sân chơi khu vực là Đại hội thể thao Đông Nam Á (SEA Games), đoàn thể thao Việt Nam luôn nằm trong nhóm dẫn đầu trên bảng tổng sắp huy chương và không ít lần trong số đó xếp trên cả Thái Lan, Philippines hay Indonesia, Malaysia.
Có một điều đáng chú ý là ở các kỳ SEA Games, đa phần những môn thể thao được Ủy ban Olympic quốc tế (IOC) công nhận và đưa vào hệ thống thi đấu, các đoàn thể thao nói trên chưa hẳn đã chiếm thế “thượng phong” so với đoàn thể thao Việt Nam. Điều dễ nhận thấy là thể thao các nước Đông Nam Á đều có thành tích tốt ở nhóm môn không đặt nặng lợi thế thể hình, thể lực, sức manh, thay vào đó là tận dụng sự khéo léo, tốc độ, tính chính xác như: boxing, cầu lông, bắn súng, thể dục dụng cụ, một số môn võ. Thế nhưng trong khi các nước khác có được sự thành công, thể thao Việt Nam lại không duy trì được điều đó khi bước ra sân chơi lớn.
Nữ xạ thủ Trịnh Thu Vinh lọt vòng chung kết tranh huy chương tại 2 nội dung bắn súng của Olympic 2024, nhưng cũng không thể mang vinh quang về cho thể thao Việt Nam. Ảnh: VnExpress.net. |
Giải thích cho những thất bại này thì nhiều. Các nhà chuyên môn thường đưa ra những nguyên nhân như điểm rơi phong độ, tâm lý thi đấu của VĐV không như mong muốn, hay có thể là do không… may mắn nữa. Thế nhưng nguyên nhân cốt lõi nằm ở trình độ của các VĐV chúng ta chưa thể cạnh tranh được với đối thủ ở sân chơi này.
Ngay tại Olympic Paris 2024 đang diễn ra, thành tích những môn thể thao được xem là “thế mạnh” của thể thao Việt Nam như bắn súng, cử tạ, một số môn võ… không chỉ “tụt hậu” so với đối thủ mà có thể còn kém luôn cả thành tích của chính họ khi tập luyện và thi đấu ở những cuộc tranh tài khác. Điều đó cho thấy, với cùng một nền tảng gần như tương đồng về mặt con người, cùng một lựa chọn những bộ môn thế mạnh, nhưng cách tiếp cận và chiến lược đầu tư đã cho ra hiệu quả khác nhau ở mỗi nền thể thao tại khu vực Đông Nam Á.
Điều này dễ nhận thấy nhất là ở môn bóng đá. Thái Lan và gần đây là Indonesia xem SEA Games, thậm chí là Giải vô địch bóng đá Đông Nam Á (AFF Cup) như là nơi cọ xát cho các cầu thủ trẻ để chuẩn bị cho những chiến lược dài hơi, những sân chơi tầm cỡ hơn. Ở một số môn khác thuộc hệ thống thi đấu của IOC, nhiều lần các nước trong khu vực đã không cử VĐV tốt nhất của mình tham dự do các VĐV đó đang… bận tập huấn ở nước ngoài. Rõ ràng, ngoài những môn thể thao mang tính “truyền thống” của mỗi quốc gia, dường như các nước trong khu vực từ lâu đã xem SEA Games như là nơi để cọ xát cho những môn Olympic, hơn là để “tung hô” trước những thành tích trên bảng tổng sắp huy chương.
Thể thao Việt Nam không thiếu những VĐV tài năng. Nếu để ý thông tin trên báo chí những ngày Olympic Paris 2024 diễn ra thường thấy một tiêu đề được lặp lại rất nhiều lần là: “Vận động viên A.B.C. dừng chân một cách đáng tiếc”. “Đáng tiếc” ở đây nghĩa là các VĐV này đã “tiệm cận” với khả năng đi tiếp, thậm chí là có thể vào được nhóm có huy chương. Nhưng cũng thật tiếc là họ không thể vượt qua cái “tiệm cận” ấy. Đây là bài toán dành cho các nhà quản lý, hoạch định chiến lược của thể thao Việt Nam. Và chiến lược đầu tư cho thể thao đỉnh cao ở các nước trong khu vực có thể là một trong những gợi ý đáng chú ý cho lời giải của bài toán này.
Giang Nam
Ý kiến bạn đọc