Multimedia Đọc Báo in

Xác định môn thể thao mũi nhọn của Việt Nam

17:16, 27/09/2024

Việc “trắng” huy chương ở đấu trường quốc tế liên tục những năm qua đã đặt ra bài toán khó đối với thể thao Việt Nam (TTVN) là làm thế nào xác định được môn thể thao mũi nhọn, từ đó định hướng phát triển, có chiến lược đầu tư trọng tâm, trọng điểm, dài lâu…

Đã có một thời gian, TTVN “toàn tâm toàn lực” đầu tư cho bộ môn bơi, mà kình ngư Ánh Viên là vận động viên được thụ hưởng. Năm 2011, Ánh Viên lúc bấy giờ tròn 15 tuổi đã nổi lên như một hiện tượng của TTVN khi đoạt 2 Huy chương Bạc SEA Games 2011. Chỉ sau đó một năm, Ánh Viên đạt chuẩn B của Thế vận hội (Olympic) ở nội dung 200 m.

“Gương mặt vàng” của thể thao nước nhà lúc bấy giờ lập tức nhận được sự đầu tư cực lớn, với kỳ vọng cô sẽ đem vinh quang về cho Tổ quốc không chỉ ở đấu trường khu vực Đông Nam Á mà quy mô hơn nữa là châu lục và quốc tế. Ánh Viên được tạo điều kiện tối đa, đầu tư lên đến 30 tỷ đồng sang Mỹ tập luyện dài hạn – con số lớn nhất để đầu tư cho riêng một vận động viên lúc bấy giờ, được huấn luyện, dẫn dắt bởi một trong những huấn luyện viên giỏi nhất của làng bơi lội Mỹ lúc bấy giờ là chuyên gia Cray Anthony Teeters.

Song Ánh Viên cũng chỉ tỏa sáng ở khu vực Đông Nam Á, với 3 Huy chương Vàng (HCV) ở SEA Games năm 2013, sau đó là 8 HCV ở SEA Games 2015 và 8 HCV ở SEA Games 2017. Còn ở đấu trường quốc tế, Olympic 2016, Ánh Viên cũng góp mặt song không thể vào chung kết tranh huy chương, dù từng đoạt HCV Olympic trẻ năm 2014.

Sau khi tập trung nguồn lực đầu tư cho bộ môn được kỳ vọng nhất song lại thất bại, TTVN không có một môn nào nhận được sự quan tâm đầu tư lớn như thế nữa. Tấm HCV mà Hoàng Xuân Vinh đoạt được tại Olympic 2016 mang đậm dấu ấn cá nhân của xạ thủ khoác áo lính. Đó cũng là tấm huy chương cuối cùng của thể thao nước nhà đoạt được ở đấu trường thế giới cho đến thời điểm này.

Cũng bắt đầu từ thời điểm đó, những người làm công tác quản lý thể dục thể thao đã ngồi lại họp bàn, phân tích những môn thể thao thế mạnh, mũi nhọn phù hợp, từ đó mới có thể đề ra chiến lược đầu tư trọng điểm, song cho đến nay vẫn loay hoay chưa xác định cụ thể được bộ môn nào. 

Bắn súng - một trong những môn được nhận định là thế mạnh của thể thao Việt Nam.

Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng các môn thể thao nước nhà, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, tại sao chúng ta không đầu tư cho những môn phù hợp với thể hình, thể lực của Việt Nam như bắn súng, bắn cung… Hơn nữa, lúc này chúng ta đã có lợi thế, sẵn con người.

Đơn cử như ở môn bắn súng là xạ thủ Trịnh Thu Vinh – vận động viên vừa tranh tài tại Olympic và xếp thứ tư ở nội dung 25 m súng ngắn thể thao. Ở cái tuổi 24, Thu Vinh đang trong độ chín của sự nghiệp, nếu được đầu tư bài bản, tập trung cho chỉ riêng nội dung sở trường của mình, ít nhất cô còn tranh tài ở ba kỳ Olympic nữa, khả năng đoạt huy chương là hoàn toàn có thể.

Trong khi đó bắn cung cũng là một bộ môn rất tiềm năng. Chuyên gia Park Chae Soon, người từng dẫn dắt đội tuyển Hàn Quốc giành tổng cộng 11 HCV ở các kỳ Olympic, trong một lần đến Đắk Lắk tập huấn cho các huấn luyện viên bộ môn này khẳng định: “Bắn cung là bộ môn phù hợp với thể hình, thể trạng, vận động viên Việt Nam rất có tố chất ở môn này. Thể thao thành tích cao Đắk Lắk nói riêng và Việt Nam nói chung nên tập trung chú trọng, định hướng phát triển môn này ngay ở các trường học. Đó cũng là phương pháp mà Hàn Quốc triển khai từ nhiều năm nay để khẳng định vị thế ở bộ môn này trên đấu trường Olympic”.

Lợi thế hiện nay của Việt Nam là có các cung thủ tài năng như Lê Quốc Phong, Đỗ Thị Ánh Nguyệt, Nguyễn Thu Nhi… đã nằm trong tốp 20 môn cung thủ thế giới. Nếu các cung thủ này được quan tâm đúng mức thì cơ hội có HCV ở đấu trường quốc tế có thể mở ra, như khẳng định của chuyên gia Park Chae Soon.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc