Multimedia Đọc Báo in

"Nâng tầm" môn cử tạ

09:22, 06/10/2024

Cử tạ là môn thể thao đầy tiềm năng của Việt Nam, có nhiều cơ hội, khả năng tranh chấp, đoạt huy chương ở các đấu trường quốc tế.

Cử tạ Việt Nam đã được vinh danh tại đấu trường Olympic. Tại Thế vận hội năm 2008 diễn ra ở Bắc Kinh, lực sĩ Hoàng Anh Tuấn đã đoạt Huy chương Bạc. Tại Thế vận hội kế tiếp diễn ra tại Anh, đô cử Trần Lê Quốc Toàn đoạt tấm Huy chương Đồng duy nhất cho đoàn thể thao Việt Nam. Những kỳ Olympic tiếp theo, các đô cử Việt Nam đều giành suất chính thức đến tranh tài, đưa cử tạ thành bộ môn duy nhất của thể thao Việt Nam có tuyển thủ tranh tài ở 5 kỳ Thế vận hội liên tiếp.

Riêng tại đấu trường châu Á, cử tạ đã gặt hái thành tích với tấm Huy chương Bạc năm 2018 của Trịnh Văn Vinh. Còn ở đấu trường khu vực Đông Nam Á, cử tạ cũng là một trong những bộ môn giành nhiều huy chương cho thể thao Việt Nam và là một trong những môn lập kỷ lục, có vận động viên liên tiếp đoạt huy chương ở 3 kỳ SEA Games là đô cử Lại Gia Thành của Hà Nội.

Sau khi các lực sĩ tên tuổi đã giải nghệ, hoặc qua thời kỳ đỉnh cao phong độ, cử tạ Việt Nam sản sinh ra những nhân tố mới, lực lượng kế cận đầy tiềm năng, có khả năng thay thế lớp đàn anh, vươn ra đấu trường châu lục, quốc tế.

Lực sĩ K'Dương - gương mặt đầy triển vọng của cử tạ Việt Nam.

Các lực sĩ trong đội tuyển quốc gia đang độ tuổi sung sức, từ 18 – 23 tuổi đã khẳng định tài năng của mình ở các giải trẻ quốc tế. Đơn cử như K’Dương (Lâm Đồng) đoạt 3 Huy chương Vàng tại Giải vô địch thanh thiếu niên và Giải vô địch trẻ châu Á năm 2022, Giải vô địch cử tạ trẻ thế giới 2024. Năm 2018, Ngô Sơn Đỉnh (Cần Thơ) đoạt 4 Huy chương Vàng ở các giải Olympic trẻ, giải cử tạ thanh thiếu niên và trẻ châu Á cùng 2 Huy chương Đồng giải trẻ thế giới. Đỗ Tú Tùng (Bắc Ninh) vừa tròn 20 tuổi song đã kịp “sưu tầm” cho mình 2 Huy chương Vàng ở Giải vô địch cử tạ châu Á 2023 và Giải vô địch cử tạ trẻ thế giới 2024. Về phía nữ, lực sĩ Nguyễn Thị Thủy Tiên (Hà Nội) đã từng giành trọn bộ 3 Huy chương Vàng tại Giải vô địch cử tạ trẻ châu Á 2020…

Đô cử Nguyễn Thị Thủy Tiên (bục trao giải số 1) đoạt cả 3 huy chương, nội dung cử giật, cử đẩy và tổng cử tại giải.

Điểm qua danh sách các đô cử trẻ để thấy rằng chúng ta không khan hiếm tài năng, vấn đề là cần phải có chiến lược đầu tư khoa học, hợp lý để có thể khai thác hết tiềm năng ở một bộ môn mà thể thao Việt Nam đã xác định là môn mũi nhọn, trọng điểm, hướng đến chinh phục đấu trường Olympic. Tổng Thư ký Liên đoàn Cử tạ, thể hình Việt Nam Đỗ Đình Kháng cho rằng, vấn đề đầu tiên chúng ta cần bắt tay vào làm ngay là tập trung nguồn lực, đầu tư tối đa cho các vận động viên, ở những hạng cân hợp lý. Ngoài việc bảo đảm một chế độ dinh dưỡng khoa học, giúp các vận động viên duy trì thể lực một cách tốt nhất thì cần tạo điều kiện cho họ tập huấn ở nước ngoài, tại những quốc gia phát triển mạnh về bộ môn cử tạ để nâng cao chuyên môn cũng như được thường xuyên thi đấu cọ xát, tích lũy kinh nghiệm, trui rèn bản lĩnh thi đấu. Giải vô địch cử tạ quốc gia 2024 vừa diễn ra tại Đắk Lắk chính là cơ hội để có cái nhìn tổng thể, phân tích đánh giá một cách toàn diện bộ môn cử tạ, từ đó có cơ sở dữ liệu đầy đủ nhất để xây dựng chiến lược phát triển phù hợp, theo một lộ trình khoa học, giúp cử tạ chinh phục sân chơi tầm quốc tế, châu lục.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.