“Giấc mơ World Cup”, xa và gần
Trong tham luận tại Hội nghị triển khai Chiến lược phát triển thể dục thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 mới đây, Phó Chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Việt Nam Trần Anh Tú đã nhấn mạnh đến mục tiêu giành vé tham dự World Cup trong giai đoạn 2030 - 2045 của bóng đá Việt Nam.
Tiếp tục nuôi dưỡng “giấc mơ World Cup”
Thêm một lần nữa khát vọng đưa bóng đá Việt Nam đến World Cup được đưa ra trong một cuộc thảo luận có các chuyên gia, nhà quản lý đầu ngành. Thế nhưng, để cụ thể hóa mục tiêu này lại là một chặng đường dài lắm gian nan, nhiều thách thức. Hơn nữa, trước khi nghĩ đến khát vọng ấy, chúng ta cần giải quyết câu chuyện tìm lại vị thế hàng đầu ở Đông Nam Á.
“Giấc mơ World Cup” là cụm từ mà thời gian gần đây chúng ta đã nghe nhắc đến nhiều như một khát vọng cháy bỏng của bóng đá Việt Nam. Khát vọng đó đã được đặt mục tiêu rõ ràng chứ chẳng phải nói cho vui nữa. Khoảng 5-7 năm về trước, nếu bàn đến việc bóng đá nước nhà hướng đến mục tiêu World Cup sẽ bị xem như nói chuyện tiếu lâm nhưng bây giờ thì khác.
Cần biết rằng tiềm năng để có thể giành được tấm vé dự World Cup của bóng đá Việt Nam là có. Tuy nhiên, không phải chỉ lý thuyết suông, hô hào là trở thành hiện thực. Chúng ta cũng không lạc quan tếu, hồ hởi thái quá rằng cứ muốn là được. Ngay lúc này, các nhà quản trị bóng đá nước nhà phải vạch ra chiến lược cụ thể, hướng đi rõ ràng.
Thời gian gần đây, bóng đá Việt Nam đang cho trái ngọt bởi được chăm chút một cách tương đối kỹ, có hệ thống. Tuy nhiên, mọi thứ chỉ mới tốt hơn so với chính chúng ta trước đó. So với yêu cầu phát triển rất cần một lộ trình đầu tư đúng đắn, cùng tầm nhìn dài rộng. Lộ trình đó không chỉ nằm ở VFF, các câu lạc bộ , địa phương hay học viện. Mọi thứ phải được quan tâm, đầu tư ở tầm mức cao hơn từ Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Bóng đá Việt Nam cần nuôi dưỡng khát vọng World Cup. Ảnh: VFF |
Cần chiến lược dài hơi
Một vấn đề khác được đặt ra: hành trình World Cup luôn song hành với câu chuyện về kinh phí. Mọi kế hoạch dù có bài bản đến đâu, nếu không có tiền, cũng sẽ không thể thực hiện được một cách hiệu quả. Trong mấy năm qua, dấu hiệu đáng mừng là VFF hoạt động tương đối hiệu quả nhờ hiệu ứng tích cực từ thành tích quốc tế của các đội tuyển quốc gia và bóng đá trẻ.
Tuy nhiên, con số vài trăm tỷ đồng/năm cũng chưa thể đủ bởi hoạt động bóng đá mà VFF phải chăm lo là rất nhiều. Công tác đào tạo hay nuôi dưỡng các lứa cầu thủ trẻ cần thêm rất nhiều công sức và kinh phí. Muốn có được đội ngũ chuyên gia giỏi về thể lực, dinh dưỡng, y tế…, phải có chế độ đãi ngộ cao. Hiện tại, việc trả lương cho các huấn luyện viên vẫn thông qua các đối tác chiến lược của VFF. Thời gian đến, VFF cần phải biết khai thác mạnh mẽ hơn các nguồn lực xã hội.
Trong tổng thể các nguồn lực để hiện thực hóa “giấc mơ World Cup”, rõ ràng công tác đào tạo trẻ như một thành tố quan trọng. Cầu thủ giống như một “gói sản phẩm”, dứt khoát phải kinh qua quá trình hoàn thiện một cách nghiêm ngặt. Quá trình đó với đầu vào thế nào, vun xới, chăm bẵm bài bản, tử tế rồi chất lượng đầu ra có đáp ứng được hay không. Phải xây dựng được một đội ngũ chuyên gia về các lĩnh vực, bao gồm dinh dưỡng, kỹ thuật, tâm lý, thể lực. Những yếu tố này hợp cùng cơ sở vật chất, huấn luyện viên giỏi, điều kiện đào tạo hiện đại mới đáp ứng được quá trình cho ra sản phẩm là những cầu thủ chất lượng.
Không còn cách nào khác, chúng ta cần phải tái cấu trúc hệ thống đào tạo trẻ, khâu tổ chức các giải đấu để đạt tiêu chuẩn quốc tế. Bóng đá cộng đồng và học đường phải được tạo những thiết chế tốt hơn để phát triển. Mặt khác, cần sự hợp tác toàn diện hơn với các nền bóng đá vượt trội để được giúp đỡ, chuyển giao công nghệ đào tạo. Cả hệ thống của nền bóng đá phải kiên quyết, mạnh mẽ trong những bước đi của mình.
Vẫn biết gian nan như thế nhưng bóng đá Việt Nam phải biết cách nắm bắt cơ hội, giữ nguyên khát vọng World Cup của mình. Phải làm sao để mọi thứ tưởng như xa kéo được lại gần dù hành trình đó cần thời gian, sự kiên nhẫn và hội tụ nhiều yếu tố.
Đông Nghi
Ý kiến bạn đọc