Multimedia Đọc Báo in

Thể thao Việt Nam: Từ tầm nhìn đến thực tiễn

06:37, 03/11/2024

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long vừa ký Quyết định số 1189/QĐ-TTg ngày 15/10/2024 phê duyệt “Chiến lược phát triển thể dục - thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”.

Chiến lược ra đời như “kim chỉ nam” cho toàn ngành trong việc xây dựng nền thể thao Việt Nam (TTVN) phát triển bền vững và chuyên nghiệp.

Hướng đi đã mở

Ở SEA Games 2023, TTVN xếp Nhất toàn đoàn, tổng cộng 355 huy chương, trong đó có 136 Huy chương Vàng (HCV), 105 Huy chương Bạc (HCB), 114 Huy chương Đồng (HCĐ). Trước đó, Việt Nam hai lần giành vị trí Nhất toàn đoàn khi SEA Games 2003 và SEA Games 2022 tổ chức trên sân nhà. Nhưng những thành tích vang dội ở sân chơi khu vực lại không phản ánh đúng sự phát triển của một nền thể thao. Rõ ràng, sau những kết quả đáng thất vọng ở hai kỳ Olympic 2020 và 2024 cũng như ASIAD 19 năm 2023, TTVN cần xây dựng, triển khai một chiến lược mới để tiếp cận, đề ra mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đối với lĩnh vực thể thao cho giai đoạn phát triển tiếp theo.

Có thể thấy, những gì được đề cập trong chiến lược đã tổng hòa toàn diện về mục tiêu phát triển thể thao nói chung cũng như đầu tư trọng điểm ở một số môn nhất định. Nhìn từ thực tế của TTVN hiện nay, để thực hiện thắng lợi mục tiêu cần phải có sự cố gắng, nỗ lực vượt bậc của không chỉ ngành thể thao. Điều đặc biệt nhất là sự thay đổi trong cách nghĩ, cách làm, có được tư duy đột phá bởi từ lý thuyết đến triển khai, từ tầm nhìn đến thực tế là chặng đường dài, nhiều gian nan, thách thức.

Thể thao Việt Nam cần sớm xác định những nội dung thế mạnh để tập trung đầu tư trọng điểm.

Cần tư duy đột phá, giải pháp triệt để

Rõ ràng, để phát triển thể thao không chỉ cần kinh phí, cơ sở vật chất, lực lượng vận động viên ưu tú mà còn cần cả người quản lý, điều hành xuất sắc. Lâu nay, địa hạt thể thao thường chỉ nghe than thở về sự khủng hoảng lực lượng vận động viên kế thừa chứ ít thấy đề cập đến một cuộc khủng hoảng vô cùng quan trọng - khủng hoảng đội ngũ lãnh đạo thể thao. Lãnh đạo ngành thể thao cần những người không chỉ giỏi chuyên môn, công tác quản lý mà cả bản lĩnh để đưa ra các quyết sách cần thiết, thậm chí dám có ý kiến phản biện.

Bên cạnh đó, TTVN cần tạo bước chuyển biến cơ bản cho các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ, y học thể thao. Trong bối cảnh hiện nay, TTVN không chỉ trông chờ vào nguồn lực của Nhà nước mà phải huy động các nguồn lực xã hội hóa, cần có cơ chế chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tham gia mạnh hơn vào các hoạt động thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao. Thực tế cho thấy bất cứ ngành nghề, lĩnh vực nào có được sự góp sức đầu tư của nguồn lực xã hội, cộng đồng doanh nghiệp đều mang lại kết quả xứng tầm. Thể thao cũng vậy, nhất thiết phải xã hội hóa sâu rộng theo đúng xu thế quốc tế.

Gần 5 thập kỷ qua, TTVN đã tham dự 11 kỳ Olympic, với 164 vận động viên tham gia tranh tài. Song, chúng ta mới giành vỏn vẹn 5 tấm huy chương, bao gồm 1 HCV, 3 HCB và 1 HCĐ. Thực tế trên cho thấy, số vận động viên đỉnh cao của TTVN có khả năng giành HCV ở đấu trường châu Á và xa hơn là Olympic chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Rõ ràng để giúp TTVN vượt giới hạn, còn nhiều việc phải làm, đặc biệt về chiến lược đầu tư. Nhiều nguyên nhân để lý giải cho việc TTVN chưa thể vươn ra biển lớn mà một trong những nguyên nhân chính đó là chúng ta chưa có một định hướng chiến lược dài hơi, đầu tư trọng tâm, trọng điểm cho những môn thể thao nằm trong chương trình, nội dung thi đấu của các đại hội thể thao châu Á, xa hơn nữa là Olympic.

Thực tế, mức đầu tư dành cho thể thao thành tích cao của Việt Nam không bằng một số nước trong khu vực như Thái Lan hay Singapore, chứ chưa nói đến các quốc gia khác trong châu lục. Chúng ta cần chọn lựa những môn thể thao trọng điểm và có được phương pháp "đặc hiệu" từ nguồn kinh phí trong tập luyện, thi đấu, khen thưởng dành cho các vận động viên. Thời gian đến, TTVN cần quyết tâm đầu tư có trọng điểm vào các bộ môn Olympic cơ bản, Olympic thu hẹp, "Olympic hóa" triệt để hơn nữa. Đồng thời đầu tư cho những môn phù hợp với thể trạng, tố chất của người Việt Nam, không có sự va chạm, đối đầu trực tiếp trong thi đấu như: bắn súng, cầu lông, cử tạ, đua thuyền, thể dục dụng cụ...

Trong bối cảnh sự cạnh tranh ngày càng lớn ở mọi cấp độ, từ chiến lược đã được hoạch định, TTVN cần có những giải pháp hữu hiệu và hành động quyết liệt để tạo nên sức bật mới, đưa thành tích dần tiếp cận tầm châu lục và thế giới.

Đông Nghi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.