Multimedia Đọc Báo in

Thúc đẩy phát triển thể thao truyền thống

06:51, 03/11/2024

Đắk Lắk có 49 dân tộc anh em sinh sống, mỗi dân tộc có nét văn hóa truyền thống đặc sắc riêng, có những môn thể thao thế mạnh khác nhau.

Các môn thể thao truyền thống vui tươi, hấp dẫn luôn góp mặt, trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trong các dịp lễ hội, tạo không khí vui tươi, sôi nổi, hào hứng. Với ý thức gìn giữ các môn thể thao truyền thống, ở quy mô cơ sở, hằng năm các huyện, thị xã, thành phố đều tổ chức hội thi thể thao dân tộc thiểu số, thu hút đông đảo vận động viên các dân tộc trên địa bàn tranh tài. Ở quy mô cấp tỉnh, Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số là một trong những hội thi truyền thống, có thâm niên, đã bước sang tuổi 20.

Tại Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số lần thứ XX vừa diễn ra tại TP. Buôn Ma Thuột có sự tham dự của hơn 500 vận động viên đến từ 14 huyện, thị xã, tranh tài ở các môn bóng đá mini nam, việt dã, bóng chuyền nam, bóng chuyền nữ, kéo co, đẩy gậy, chạy cà kheo, bắn nỏ, bắn ná.

Vận động viên thi đấu môn chạy cà kheo.

Thị xã Buôn Hồ là một trong những địa phương có quân số đông nhất với 68 vận động viên, tranh tài ở tất cả các môn, với quyết tâm cải thiện thành tích, từ giải Khuyến khích năm 2023 để lọt vào top 3. Trong số các môn tranh tài, thị xã Buôn Hồ tập trung đầu tư cho 2 môn thế mạnh, rất phát triển là đẩy gậy nữ và kéo co nam nữ phối hợp. Công sức đầu tư, tập luyện, sự chuẩn bị chu đáo của Buôn Hồ đã gặt hái thành quả. Các tay đẩy của thị xã Buôn Hồ xuất sắc đoạt 5/8 Huy chương Vàng ở các hạng cân. Ở môn kéo co, Buôn Hồ cũng đoạt chức vô địch khi vượt qua Buôn Đôn trong trận chung kết. Cùng với thành tích của vận động viên đoạt được ở những môn khác, lần đầu tiên Buôn Hồ đoạt giải Nhất toàn đoàn.

Huyện Krông Ana cũng quan tâm đầu tư cho các môn thế mạnh của địa phương, qua đó bảo vệ thành công vị trí thứ Nhì. Còn huyện Krông Búk, địa phương đã 2 năm liên tiếp đoạt giải Nhất toàn đoàn, năm nay chỉ đoạt giải Khuyến khích.

Thi đấu thể thao tất nhiên phải có người thắng, người thua, song với tất cả các vận động viên tham gia thi tài tại hội thi đều cảm nhận niềm vui vì mình có cơ hội tham gia, trải nghiệm một sân chơi ý nghĩa, được giao lưu, gặp gỡ với bạn bè các dân tộc anh em.

Vận động viên thi đấu môn đẩy gậy.

Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Hồng Hà cho hay, ngoài mục đích bảo tồn các môn thể thao truyền thống trong đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh thì hội thi có ý nghĩa quan trọng để các nhà chuyên môn tìm kiếm, chọn vận động viên xuất sắc ở các môn, thành lập đội tuyển, tổ chức tập luyện, đào tạo tham gia Hội thi thể thao các dân tộc thiểu số toàn quốc lần thứ XIV, khu vực II được tổ chức năm 2025.

Được biết qua 13 lần tham gia ngày hội thể thao dành cho các dân tộc thiểu số lớn nhất khu vực này, Đắk Lắk đã 12 lần xếp thứ Nhất toàn đoàn. Những môn mà Đắk Lắk đoạt thành tích cao là kéo co, đẩy gậy, bắn nỏ, bắn ná.

Tại hội thi vừa qua, một số gương mặt trẻ, triển vọng như: Y Yê Rê My Mlô (môn đẩy gậy), Y Kuanh Niê (môn chạy cà kheo), Kha Thị Thu Hằng (môn bắn ná), Quách Ngọc Hoan (môn bắn nỏ)… có nhiều triển vọng, lĩnh trọng trách duy trì thành tích mà đoàn Đắk Lắk đã đạt được ở các kỳ hội thi trước.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.