Nhớ trận cầu ngày đất nước thống nhất
Ngày 7/11/1976 đã đi vào lịch sử bóng đá Việt Nam. Đó là ngày trên sân vận động Thống Nhất của thành phố mang tên Bác diễn ra trận bóng đá đầu tiên giữa hai miền Bắc – Nam. Trận đấu đã vượt trên khuôn khổ của bóng đá, của thể thao, là trận đấu của ngày đoàn tụ.
Hành trình đến trận cầu ngày thống nhất
Sau nhiều năm, ước mơ về ngày hạnh ngộ giữa bóng đá hai miền Nam - Bắc đã trở thành hiện thực. Đó không chỉ đơn giản là một trận bóng đá mà sự đoàn tụ sau nhiều năm chia cắt đất nước. 25.000 khán giả đứng dậy vỗ tay vang dội và hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng” khi trọng tài Hồ Thiệu Quang dẫn hai đội Cảng Sài Gòn và Tổng cục Đường sắt ra sân trong trận cầu lịch sử của bóng đá nước nhà.
Trận cầu lịch sử có sự góp mặt của hai đội bóng được xem là mạnh nhất của hai miền Bắc - Nam khi đó. Tổng cục Đường sắt đang là đương kim vô địch giải bóng đá miền Bắc với nhiều ngôi sao trẻ xuất sắc trong đội hình như: Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung, Hoàng Gia, Phương “tròn”... Theo lời kể của các nhà quản lý, sự lựa chọn này cũng có những lý do riêng vào thời điểm đó. Cụ thể, khi đó tuyến đường sắt thống nhất Bắc - Nam bắt đầu được khởi công khôi phục và các cầu thủ Tổng cục Đường sắt cũng là đại diện cho giai cấp công nhân lao động.
Trong khi đó, Cảng Sài Gòn trước ngày giải phóng mang tên Tổng Nha thương cảng và là một đội bóng có lối chơi đẹp mắt, quyến rũ do danh thủ huyền thoại Tam Lang mang băng thủ quân đá trung vệ, cánh trái “Trung đầu sói”; hàng giữa Thà, Mười; tiền đạo có Xinh, Ngôn, Tư Lê... Cũng như Tổng cục Đường sắt, Cảng Sài Gòn được chọn với tư cách đội bóng đại diện cho tầng lớp lao động miền Nam.
![]() |
Ký ức đẹp về trận cầu ngày thống nhất đất nước vẫn còn sống mãi. Ảnh tư liệu |
Ông Mai Đức Chung, trụ cột của Tổng cục Đường sắt ngày ấy bồi hồi nhớ lại: “Tôi và anh em cầu thủ cảm thấy vinh dự, sung sướng lắm. Bởi sau bao nhiêu năm đất nước bị chia cắt, giờ mình mới được vào thi đấu dưới sự chứng kiến của khán giả miền Nam. Chúng tôi không nghĩ đến thắng thua. Điều quan trọng là Bắc Nam được sum họp một nhà. Trận đấu này là phục vụ bà con. Cầu thủ hai đội vừa bước ra sân, cả bốn bề khán đài sân Thống Nhất đồng loạt đứng dậy vỗ tay vang trời. Chúng tôi nắm chặt tay nhau cất giọng hát bài “Như có Bác Hồ trong ngày vui đại thắng”. Cảm giác hạnh phúc chen lẫn niềm rưng rưng xúc động khiến chúng tôi lặng đi nghẹn ngào một hồi lâu”.
Còn mãi ký ức
Trận cầu lịch sử khép lại bằng hình ảnh đẹp khi các cầu thủ ôm lấy nhau giữa tiếng hoan hô của khán giả. Khi trọng tài Hồ Thiệu Quang nổi tiếng còi kết thúc, những tràng vỗ tay cổ vũ lại vang rền trên khắp các khán đài. Chuyến du đấu của Tổng cục Đường sắt là một cuộc gặp gỡ, kết nối, không còn sự ngăn cách Nam - Bắc, thắng - thua mà tất cả muốn hàn gắn lại vết thương chiến tranh, vết thương của lòng người. Chiến thắng lớn nhất của trận cầu lịch sử là sự khẳng định về vị thế, chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ, non sông liền một dải trong hòa bình, hòa hợp dân tộc.
Ý nghĩa của cuộc so tài lịch sử nửa thế kỷ trước đã vượt qua khuôn khổ của sự kiện thể thao, để trở thành một biểu tượng lấp lánh cho tình đoàn kết trong ngày Bắc Nam sum họp một nhà. Trận đấu ấy cũng đã tạo nên hình mẫu cho tinh thần thể thao cao thượng, sự học hỏi và đoàn kết lẫn nhau, để đặt nền móng cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam sau này.
Những người có mặt trong trận cầu lịch sử ấy cũng chính là những “cây đa, cây đề” và nhiều người vẫn còn đóng góp cho nền bóng đá ở những vai trò khác nhau, mãi đến tận sau này. Ví như Huấn luyện viên Lê Thụy Hải, Mai Đức Chung và cả cố danh thủ - Huấn luyện viên Tam Lang...
Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những ký ức đẹp đẽ về ngày hội bóng đá hoà bình và đoàn tụ của non sông vẫn sống mãi.
Đông Nghi
Ý kiến bạn đọc