Để thể thao Việt Nam vươn tầm cùng đất nước
50 năm sau ngày hòa bình, thống nhất khi đất nước đã có vị thế và nền tảng vững chắc để tự tin vươn ra thế giới thì thể thao Việt Nam cũng nằm trong dòng chảy đó để hướng đến những mục tiêu cao hơn.
Để đánh giá một nền thể thao đang đứng ở đâu, hãy nhìn vào giải đấu tầm thế giới như Olympic. Nếu thế, thể thao Việt Nam (TTVN) là một bức tranh đan xen nhiều sắc màu trên đường vươn ra “biển lớn” sau 50 năm hội nhập, phát triển.
Đường đến Olympic còn nhiều khó khăn
Gần 5 thập kỷ qua, TTVN đã tham dự 11 kỳ Olympic, với 164 vận động viên (VĐV) tham gia tranh tài, mới chỉ đạt vỏn vẹn 5 tấm huy chương, bao gồm 1 Huy chương Vàng (HCV), 3 Huy chương Bạc và 1 Huy chương Đồng. Có thể nói, đó là những chỉ dấu cho thấy ngành thể thao cần “thức tỉnh”, tư duy tìm hướng đi đột phá hơn cho chặng đường phía trước.
Không phủ nhận TTVN đã có những bước tiến đáng kể trong hơn 20 năm gần đây, đặc biệt là từ sau khi giành được HCV đầu tiên tại Olympic Rio 2016 với thành tích xuất sắc của Hoàng Xuân Vinh ở môn bắn súng. Tuy nhiên, sự tiến bộ này không đồng đều và liên tục. Nhìn lại lịch sử tham dự Olympic, TTVN vẫn chưa thực sự vượt qua được giới hạn của mình. Để đạt được huy chương tại Olympic, cần phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt từ các đối thủ mạnh trên toàn thế giới. Trong khi đó, các nước trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Indonesia và Philippines đều có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và đầu tư mạnh mẽ cho Olympic.
Tại các kỳ Olympic đã qua, TTVN chủ yếu trông chờ vào thành tích cá nhân xuất sắc và sự bùng nổ bất ngờ. Để đạt được mục tiêu cao hơn, cần có chiến lược phát triển dài hạn và đầu tư bài bản vào các môn thể thao mũi nhọn.
![]() |
Thành công của bóng đá Việt Nam thời gian gần đây như một “điểm son” của thể thao Việt Nam. |
TTVN có bao nhiêu VĐV được đầu tư trọng điểm với kinh phí và chiến lược hoạch định rõ ràng như vậy? Lấy ví dụ trường hợp của Trịnh Thu Vinh. Nữ xạ thủ sinh năm 2000 được đầu tư trong hai năm qua với những chuyến tập huấn tại Hàn Quốc, Bulgaria, tham gia nhiều giải đấu lớn cùng chuyên gia Park Chung-gun.
Tuy nhiên, chừng ấy vẫn chưa đủ để thu hẹp cách biệt với những VĐV trưởng thành từ cường quốc bắn súng như Hàn Quốc, vốn được huấn luyện bài bản cả về kỹ thuật lẫn tâm lý nhờ phương pháp đào tạo ưu việt, hay chất lượng cơ sở vật chất mà TTVN chưa thể mơ tới. Trịnh Thu Vinh đã chứng minh tiềm năng với hạng tư thế giới, nhưng ranh giới giữa hạng tư và huy chương còn rất xa.
Khát vọng vươn tầm
Từ đó sẽ thấy, TTVN sau cùng vẫn phải về với yếu tố cốt lõi: chiến lược. Khẩu hiệu và phương châm của Olympic là nhanh hơn, cao hơn và mạnh hơn. Lộ trình để đưa một VĐV đỉnh cao Việt Nam trở thành VĐV có đủ lực, đủ trí, đủ tài đua tranh tại Olympic thực sự gian nan và cần có những kế hoạch chi tiết, kỹ lưỡng, không được bỏ qua bất kỳ một công đoạn nào, một khâu nào, dù nhỏ nhất hoặc tưởng là nhỏ nhất.
Nằm trong Chiến lược phát triển thể dục, thể thao Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm, Cục Thể dục thể thao đang hoàn thiện việc xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức, cá nhân có liên quan góp ý Chương trình phát triển các môn thể thao trọng điểm chuẩn bị tham dự các kỳ Olympic và ASIAD giai đoạn 2026 - 2046 vào cuối tháng Tư năm nay.
Ngành thể thao vẫn đang trong quá trình đánh giá và cân nhắc về danh sách các môn trọng điểm với mong muốn sẽ tìm ra được từng con người cụ thể ở từng nội dung, từng môn để đầu tư nâng cao trình độ nhằm hoàn thành chỉ tiêu cao về thành tích thi đấu ở các kỳ đại hội thể thao châu Á và Thế vận hội không chỉ sắp diễn ra, mà còn là nền tảng để tiếp tục phát triển thành tích trong giai đoạn tiếp theo. Vì thế, rất cần sự chính xác trong việc lựa chọn, bởi không chỉ mang tính định hướng của nền thể thao trong một thời gian dài mà còn có thể tác động đến nhiều môn khác.
Đã đến lúc TTVN không nên chỉ chú trọng đến những thành tích mang tính nhỏ lẻ; thay vào đó, phải hội nhập sâu rộng hơn với thể thao thế giới bằng cách đầu tư có trọng điểm cho các môn thể thao thuộc hệ thống Olympic. Các VĐV tài năng cần được nâng cấp chế độ đãi ngộ, được đi tập huấn dài hơi ở các môi trường thể thao tiên tiến. Việc xã hội hóa kinh phí không quá khó bởi không ít doanh nghiệp sẵn sàng tài trợ cho các nhân tài một khi có lộ trình rõ ràng.
Tất cả đang đặt ra bài toán khó với những người làm công tác quản lý TDTT, những huấn luyện viên và VĐV. Nhưng khó mấy cũng phải giải được bài toán này. Ở đây, khả năng thích ứng, sự linh hoạt của TTVN cần được đề cao bởi trước đây, không ít lần TTVN vượt qua khó khăn cũng nhờ những yếu tố này. Chỉ có vậy mới thể hiện rõ việc đồng hành cùng sự phát triển của đất nước mà TTVN đã thể hiện trong nhiều năm qua.
Đông Nghi
Ý kiến bạn đọc