Thể thao Đắk Lắk tìm hướng đi mới
Thời gian qua, thể thao Đắk Lắk đã tập trung đầu tư cho bóng đá nam và bóng chuyền nữ, song không đạt hiệu quả như mong muốn. Điều này đòi hỏi những người làm công tác quản lý thể dục thể thao tại địa phương xem xét, chuyển hướng đầu tư cho các bộ môn có tiềm năng, cơ hội đoạt huy chương ở các đấu trường khu vực, quốc tế.
Đầu tư thất bại
Lực lượng vận động viên bóng đá nam và bóng chuyền của tỉnh hiện chiếm 1/3 quân số các bộ môn khác cộng lại, điều đó đồng nghĩa với kinh phí để duy trì hoạt động của hai môn này là khá lớn. Theo Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu thể thao tỉnh Nguyễn Hữu Thông, trung bình kinh phí để "nuôi" hai đội này hằng năm là khoảng 14 tỷ đồng. Song đây chính là hai môn gây thất vọng nhất cho thể thao tỉnh nhà.
![]() |
Bắn súng - một trong những môn thể thao tiềm năng của Đắk Lắk. |
Với tuyển bóng chuyền nữ Đắk Lắk, kể từ khi bị xuống hạng năm 2022, trong hành trình trở lại giải đấu cao nhất nước nhà, đội bóng đều không thể vượt qua vòng loại. So sánh với tương quan lực lượng, trình độ của các đội bóng khác, có thể thấy bóng chuyền nữ tỉnh nhà chưa đủ lực và cần thời gian dài mới có thể tiến lên sân chơi chuyên nghiệp.
Tương tự, với Câu lạc bộ Bóng đá Đắk Lắk, hai mùa giải gần đây đội bóng cũng thi đấu nhạt nhòa, trong đó, mùa giải 2024 dừng chân ở vòng loại và mùa giải năm nay chỉ xếp vị trí thứ 5/8 đội. Với lực lượng đào tạo tại chỗ, được "đôn" lên từ các tuyến trẻ, chất lượng trung bình, Câu lạc bộ Bóng đá Đắk Lắk không đủ sức để cạnh tranh với các đối thủ mạnh.
Định hướng mới phù hợp
Trong khi bóng chuyền nữ, bóng đá nam "trắng" thành tích, một số bộ môn khác của Đắk Lắk liên tục gặt hái thành công ở cả đấu trường trong nước và khu vực Đông Nam Á, châu Á. Trong đó phải kể đến bộ môn võ, với các đội tuyển karate, kick boxing, muay và bắn súng.
Với đội tuyển karate, các học trò của Huấn luyện viên Nguyễn Văn Bảo đều đặn đem về những tấm huy chương ở đấu trường quốc nội, khẳng định vị thế bộ môn này cho thể thao tỉnh nhà. Đặc biệt trong đội tuyển karate Đắk Lắk hiện có hai vận động viên xuất sắc là Nguyễn Thị Thảo và Hồ Lộc đều còn rất trẻ. Nguyễn Thị Thảo (18 tuổi) từng đoạt Huy chương Đồng tại Giải vô địch karate Đông Nam Á năm 2024, trong khi đó võ sĩ sinh năm 2010 Hồ Lộc vừa đoạt tấm Huy chương Vàng cũng tại giải này năm 2025.
![]() |
Võ sĩ Văn Thị Ngọc Huyền nhận Huy chương Bạc tại Giải vô địch Muay châu Á 2025. |
Với kick boxing, Đắk Lắk cũng đang sở hữu những tay đấm tiềm năng như Phùng Thị Huyền Thảo, Nguyễn Hoàng, Danh Quốc... Trong đó Nguyễn Hoàng đã đoạt Huy chương Vàng SEA Games. Còn với Muay, Đắk Lắk vừa đoạt tấm Huy chương Bạc đầu tiên ở đấu trường châu Á nhờ công của tay đấm Văn Thị Ngọc Huyền tại Giải vô địch Muay châu Á diễn ra tại Thái Nguyên vào tháng 6 vừa qua. Riêng bắn súng - môn thể thao có trong nội dung thi đấu của Thế vận hội, Đắk Lắk đang sở hữu một trong những xạ thủ được xem là tài năng nhất hiện nay Hoàng Thị Thanh Trúc vừa phá kỷ lục quốc gia ở Giải vô địch các nhóm tuổi thanh thiếu niên môn bắn súng 2025.
Theo Trưởng Phòng Quản lý thể dục thể thao (Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Võ Đình Đoài, trên cơ sở phân tích thành tích thực tế của từng bộ môn, đánh giá tiềm năng triển vọng thì bộ môn võ và bắn súng của Đắk Lắk cần ưu tiên, tập trung đầu tư, xây dựng chiến lược phát triển thành bộ môn mũi nhọn. Ông khẳng định, nếu các vận động viên nằm trong những bộ môn trên được tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất, chế độ dinh dưỡng, thi đấu cọ xát thì hoàn toàn có thể giúp thể thao thành tích cao tỉnh nhà gặt hái được nhiều thành tích, vươn xa ở các đấu trường danh giá hơn. Và điều này cần bắt tay thực hiện ngay để thế hệ tài năng trên không bị "trôi" qua một cách lãng phí.
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc