Phía sau chuyện các cầu thủ V.league 1 “đổ bộ” xuống giải hạng Nhất
Trước khi mùa giải hạng Nhất quốc gia 2024 – 2025 chính thức khởi tranh vào đầu tháng 10 này, nhiều cầu thủ chất lượng, thậm chí là tuyển thủ quốc gia đã về đầu quân cho các câu lạc bộ đang chơi tại V.league 2.
Điều này chắc chắn sẽ góp phần giúp giải đấu hấp dẫn, song phía sau đó là những vấn đề, câu chuyện “nóng” của bóng đá nước nhà…
Chưa bao giờ trong lịch sử giải hạng Nhất quốc gia có sự góp mặt của nhiều tuyển thủ quốc gia như mùa giải năm nay. Mới đây, tiền đạo Công Phượng sau khi hết hợp đồng với Câu lạc bộ Yokohama (Nhật Bản) đã đặt bút ký hợp đồng, khoác áo Câu lạc bộ Trường Tươi Bình Phước. Trước đó tuyển thủ Đặng Văn Lâm cũng đã quyết định đầu quân cho Câu lạc bộ Trẻ TP. Hồ Chí Minh sau hàng loạt cầu thủ từng chinh chiến tại V.league 1 cũng cập bến đội bóng này như: Thanh Thịnh, Ngọc Bảo, Đinh Thanh Bình, Đức Việt, Lê Minh Bình, Hữu Tuấn, Văn Thuận, Văn Thành. Trong khi đó Câu lạc bộ PVF – CAND vừa chiêu mộ tuyển thủ, tiền đạo Trần Ngọc Sơn cùng với nhiều cầu thủ chất lượng cũng đến từ giải vô địch quốc gia như Ryan Ha (Hà Nội FC), Xuân Nam (Công an Hà Nội), Martin Lo (Hải Phòng), Huy Hùng (Thể Công - Viettel), Ngọc Bảo (Bình Định)…
Các trận đấu diễn ra tại Giải hạng Nhất thường có chất lượng chuyên môn thấp, thiếu hấp dẫn nên không thu hút khán giả. |
Tất nhiên, sự hiện diện của các cầu thủ tên tuổi sẽ tạo sức hút, sự quan tâm của truyền thông, cũng như kéo khán giả đến sân vận động nhiều hơn, góp phần làm giải đấu sôi động hơn. Tuy nhiên, điều này cũng khiến giới chuyên môn lo lắng, rằng ở một giải đấu mà tính cạnh tranh không cao, chất lượng chuyên môn thấp thì liệu các tuyển thủ có duy trì được phong độ, phục vụ tốt nhất cho đội tuyển? Mối lo này không phải là không có cơ sở, bởi ở bất kỳ bộ môn thể thao nào, vận động viên muốn được trau dồi, hoàn thiện về mặt chuyên môn, phát huy hết khả năng thì cần được thi đấu trong một môi trường chuyên nghiệp nhất, cần phải được cọ xát với đối thủ có trình độ cao hơn hoặc ít nhất là tương đồng. Trong khi đó, khoảng cách, trình độ chuyên môn giữa giải hạng Nhất với V.league 1 là khá xa.
Để xây dựng, định hình giá trị, bản sắc của một đội bóng cần phải có kế hoạch lâu dài, bắt đầu từ nền móng, công tác đào tạo bóng đá trẻ, chuẩn bị sẵn sàng, liên tục cho các lực lượng kế cận. |
Ngược lại quá khứ, dưới thời Huấn luyện viên Park Hang-seo hay Philippe Troussier, những cầu thủ đang chơi tại giải hạng Nhất được triệu tập lên đội tuyển quốc gia chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bởi vậy không phải ngẫu nhiên có luồng ý kiến cho rằng, các tuyển thủ chấp nhận đánh đổi cơ hội thăng tiến hoặc khả năng trở lại đội tuyển quốc gia để chơi ở giải hạng Nhất không hẳn vì yếu tố tuổi tác, hay tìm kiếm, thử thách ở môi trường mới mà còn có nguyên nhân sâu xa khác từ yếu tố kinh tế.
Đằng sau câu chuyện các cầu thủ cập bến những đội bóng có tiềm lực kinh tế mạnh, có tham vọng, theo kiểu “đi tắt đón đầu” cũng phản ánh cách làm chưa chuyên nghiệp, thiếu bền vững của các câu lạc bộ. Bởi trên thực tế, để xây dựng, định hình giá trị, bản sắc của một đội bóng cần phải có kế hoạch lâu dài, bắt đầu từ nền móng, công tác đào tạo bóng đá trẻ, chuẩn bị sẵn sàng, liên tục cho các lực lượng kế cận chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn kinh phí tài trợ của một ông bầu nào. Việc các đội bóng đã bỏ dự giải hạng Nhất bởi cách làm "ăn xổi ở thì" này là Tây Ninh, Gia Định (năm 2021), An Giang (năm 2022), Cần Thơ, Sài Gòn FC (năm 2023) đã chứng minh cho thực tế này. Dù trước đó cũng được tài trợ, đầu tư về lực lượng, nhưng khi các ông bầu gặp khó khăn về tài chính thì các đội bóng này sống "lay lắt" hoặc biến mất khỏi bản đồ bóng đá chuyên nghiệp nước nhà...
Đăng Triều
Ý kiến bạn đọc