Multimedia Đọc Báo in

Liệu có nhập nhằng trong việc chốt chỉ số nước?

08:32, 26/08/2021

Từ đầu tháng 8-2021 đến nay, nhiều người dân trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột phản ánh về tiền nước sinh hoạt dùng trong tháng 7 có bất thường, đơn vị cấp nước không ghi chỉ số đồng hồ, khối lượng nước được chốt nhập nhằng, không đúng với thực tế sử dụng.

Theo Quyết định 34/2017/QĐ-UBND, ngày 14-12-2017 của UBND tỉnh hiện đang áp dụng, giá nước sạch sinh hoạt do Công ty TNHH MTV Cấp nước và Đầu tư xây dựng Đắk Lắk (nay là Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk) cung cấp trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột được tính như sau: mức tiêu thụ 10 m3 đầu tiên giá 7.400 đồng/m3; trên 10 m3 – 20 m3: 9.300 đồng/m3; trên 20 m3 – 30 m3: 11.200 đồng/m3; trên 30 m3: 14.000 đồng/m3 (giá nước chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, phí bảo vệ môi trường, tiền dịch vụ môi trường rừng và các khoản thu khác theo quy định nếu có).

Theo phản ánh của người dân, trong tháng 7-2021, họ dùng nước ít hơn bình thường, nhưng thông báo chỉ số sử dụng lại cao hơn thực tế.

Chẳng hạn, anh C.V.S. (đường Phan Bội Châu) chỉ sử dụng 11 m3 nước, nhưng lại nhận được thông báo tiêu thụ 46 m3.

Hay như chị T.T.T. (đường Hoàng Diệu) sử dụng 3 m3, nhưng khối lượng được thông báo là 14 m3

Thậm chí, như anh Ng.V.H. (thôn 4, xã Hòa Thắng) không dùng nước vì vắng nhà cả tháng, nhưng vẫn được thông báo sử dụng 3 m3

Về tình trạng này, ông Nguyễn Văn Dần, Giám đốc Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk cho biết, trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, đơn vị có gần 80.000 khách hàng sử dụng nước. Bình thường thì lịch ghi chỉ số đồng hồ nước từ ngày 1 đến ngày 10 hằng tháng.

Tuy nhiên, thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh về việc áp dụng Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột để phòng, chống dịch COVID-19 nên kỳ ghi số tháng 8-2021 (để tính tiền nước tháng 7-2021), nhân viên công ty không đi ghi số nước tại nhà khách hàng.

Thay vào đó, tiền nước khách hàng thanh toán trong tháng 7 được tính bằng bình quân 3 tháng đã dùng trước đó (tháng 4, 5, 6-2021), vì nếu để kéo dài đến khi hết thực hiện Chỉ thị 16 mới ghi số thì sản lượng dùng nước của người dân sẽ tăng lên và phải trả tiền nước với bậc thang cao, gây thiệt hại cho người dùng.

Một khách hàng sử dụng nước sinh hoạt tại khối 5, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột.

Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần Cấp nước Đắk Lắk, cách chốt chỉ số đồng hồ theo bình quân 3 tháng là không sai quy định. Tuy nhiên, cách tính này đã dẫn đến chỉ số chốt sai lệch với thực tế của người dùng nước, có người bị chốt chỉ số cao hơn thực tế, nhưng cũng có người lại thấp hơn. Khi tính tiền nước tháng 8-2021, công ty sẽ tính lại chính xác cho khách hàng bằng cách cộng, trừ tiền nước sai lệch giữa chỉ số chốt và thực tế sử dụng tháng trước.

Về việc này, công ty đã có thông báo cho khách hàng qua website của công ty và hệ thống loa phát thanh của phường, xã; tuy nhiên, nhiều khách hàng không nắm được thông tin này. Hiện tại, một số khách hàng phản ứng với cách tính trên thì công ty đã cho nhân viên đến nhà ghi lại số trên đồng hồ để tính đúng với thực tế chứ không chờ đến tháng sau. Còn lại đa phần khách hàng sau khi phản ánh, được bộ phận chăm sóc khách hàng của công ty giải thích thì đều chấp nhận cách giải quyết tính bù trừ vào tiền nước tháng 8.

Minh Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.