Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khóa XV:
Thảo luận ở tổ nhiều nội dung quan trọng
Ngày 6/1, tiếp tục chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận ở các tổ về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự; Chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025; Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ.
Tham dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Vinh Tơr; các vị ĐBQH công tác tại tỉnh; đại diện lãnh đạo các sơ, ban, ngành liên quan.
Các đại biểu thảo luận ở tổ tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk. |
Các đại biểu tham dự phiên họp đều tán thành về sự cần thiết ban hành dự án Luật nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách và quy trình, thủ tục để thúc đẩy đầu tư, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; thể chế hóa các văn kiện của Đảng và thực hiện các nghị quyết của Quốc hội
Các đại biểu cho rằng, hồ sơ dự án Luật đã được hoàn thiện, đáp ứng yêu cầu về việc ban hành Luật theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại điểm a khoản 1 Điều 149 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; đã tiếp thu nhiều ý kiến, báo cáo bổ sung thông tin, giải trình nhiều nội dung theo yêu cầu của Tổng Thư ký Quốc hội và ý kiến thẩm tra sơ bộ của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
Khẳng định sự cần thiết và ý nghĩa của việc ban hành dự án Luật này, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Y Vinh Tơr cho rằng, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự là một dự án Luật lớn, tổng hợp, bao hàm rất nhiều chính sách lớn ở các lĩnh vực khác nhau, thể hiện sự nỗ lực rất lớn của Chính phủ. Điều này rất có ý nghĩa trong bối cảnh và tình hình hiện nay khi vừa thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và phục hồi phát triển kinh tế - xã hội; giải quyết yêu cầu phát sinh từ thực tiễn đặc biệt là các vấn đề có liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh, quản trị doanh nghiệp, công tác bảo vệ an ninh mạng, thi hành án dân sự, đồng thời thúc đẩy thực hiện chính sách xã hội hóa đầu tư vào hệ thống truyền tải điện quốc gia, khuyến khích đầu tư sản xuất, sử dụng giao thông thân thiện với môi trường…
Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân đóng góp ý kiến thảo luận. |
Đối với chủ trương đầu tư Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Lê Thị Thanh Xuân thống nhất cao sự phù hợp, quy hoạch có liên quan, phạm vi, quy mô của dự án đối với chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội; về hình thức đầu tư, sơ bộ tổng mức đầu tư, nguồn vốn và thu hồi vốn đầu tư; về phương án phân chia các dự án thành phần và tiến độ hoàn thành cũng như cơ chế, chính sách triển khai đầu tư dự án theo đề nghị của Chính phủ.
Đồng thời, ĐBQH Lê Thị Thanh Xuân cũng đề nghị Chính phủ nghiên cứu hướng tuyến phù hợp; tập trung đầu tư hiệu quả phù hợp với nguồn vốn; làm rõ phương án chọn công nghệ chính các dự án thành phần, đặc biệt là yếu tố kỹ thuật; quy định rõ trách nhiệm trong việc giải phóng mặt bằng, tái định cư; cần đánh giá kỹ tác động môi trường trong việc đầu tư…
Các đại biểu tham dự phiên họp cũng thống nhất cao đối với các báo cáo của Dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Việc ban hành nghị quyết là đủ cơ sở chính trị, căn cứ thực tiễn, nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 59-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; tạo cơ chế thu hút đầu tư, nâng cao đời sống nhân dân, xây dựng thành phố Cần Thơ thành trung tâm phát triển của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đóng góp vào sự nghiệp phát triển chung của đất nước trong thời gian tới.
Việc ban hành chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ cũng bảo đảm tính tương đồng với các địa phương (TP. Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thừa Thiên – Huế) vừa được Quốc hội cho phép thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù.
Ngày mai (7/1), Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ để hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; dự thảo Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Cần Thơ. Các thành viên Chính phủ có liên quan cũng sẽ phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề ĐBQH nêu.
Duy Tiến
Ý kiến bạn đọc