Multimedia Đọc Báo in

Xử lý vi phạm ma túy, nồng độ cồn xuyên suốt năm 2022

09:58, 22/02/2022

Bộ Công an vừa ban hành Kế hoạch, chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) toàn quốc thực hiện hoạt động tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm theo chuyên đề “Người điều khiển xe trên đường mà trong cơ thể có chất ma túy, vi phạm nồng độ cồn” xuyên suốt năm 2022.

Theo đó, từ ngày 1/3 cho đến hết ngày 31/12/2022, lực lượng CSGT toàn quốc sẽ huy động trang thiết bị, phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi nêu trên. Trong đó, căn cứ tình hình thực tiễn về lực lượng, phương tiện, lực lượng CSGT có thể phối hợp đơn vị cảnh sát khác hoặc công an cơ sở thành lập tổ công tác chuyên đề để thực hiện việc xử lý vi phạm theo kế hoạch này trên tuyến, địa bàn được giao.

Khi kiểm soát, xử lý vi phạm nồng độ cồn trong hơi thở, phải thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Công an, khuyến cáo của ngành Y tế về phòng, chống dịch COVID-19, tuân thủ nghiêm ngặt các biện pháp phòng ngừa, quy trình thao tác, sử dụng thiết bị…

1
Lực lượng Cảnh sát giao thông (Công an TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện xe mô tô trên địa bàn. (Ảnh minh hoạ)

Trường hợp kiểm soát, phát hiện lái xe dương tính với chất ma túy, lực lượng CSGT cần xác minh để phát hiện các tình tiết, tài liệu, tang vật, đồ vật, dụng cụ sử dụng, chất ma túy, ghi nhận lời khai việc sử dụng chất ma túy. Với các trường hợp vi phạm về sử dụng chất ma túy trong khi điều khiển phương tiện, lực lượng CSGT phải tổ chức kiểm tra, xác minh về nhân thân, thống kê, lập danh sách gửi cơ quan, tổ chức, UBND cấp xã nơi người đó làm việc, cư trú có biện pháp quản lý theo quy định của Luật Phòng, chống ma túy, kiến nghị với ngành Giao thông Vận tải có biện pháp trong việc quản lý, đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe.

Thông qua công tác tuần tra, kiểm soát, CSGT chủ động phối hợp, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm hoạt động trên tuyến giao thông đường bộ, vận chuyển ma túy, hàng lậu, gian lận thương mại. Khi gặp các hành vi chống đối, phải chủ động và phối hợp với các lực lượng khác đấu tranh, ngăn chặn và chuyển giao cho các cơ quan chức năng giải quyết theo quy định…

Đồng thời, chủ động phối hợp với các cơ quan truyền thông tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, lên án hành vi sử dụng chất ma túy, rượu, bia và các chất kích thích khác khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là hành vi nguy hiểm cho xã hội, đe dọa trực tiếp đến tính mạng, tài sản của người dân; tuyên truyền những vụ tai nạn giao thông có nguyên nhân từ sử dụng chất ma túy, rượu bia và chất kích thích khác; các quy định của pháp luật về xử phạt đối với vi phạm này; tạo dư luận đồng tình ủng hộ, giúp đỡ lực lượng CSGT khi thi hành nhiệm vụ, nhằm bảo đảm an toàn cho mọi người tham gia giao thông.

Kế hoạch trên nhằm cụ thể hóa Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường thực hiện Luật Phòng, chống tác hại rượu, bia; Nghị quyết 128 của Chính phủ quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”; chỉ đạo của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh về triển khai nhiệm vụ trọng tâm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông năm 2022...

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.