Multimedia Đọc Báo in

Ngăn chặn tình trạng phân lô, bán nền tràn lan: Hạn chế những hệ lụy kéo dài

08:17, 19/04/2022

Tình trạng sốt đất, phân lô, bán nền diễn ra ở các địa phương trong tỉnh đang là vấn đề "nóng", được các đại biểu tham dự Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ 12 (mở rộng) quan tâm, trao đổi, thảo luận và đề xuất nhiều giải pháp giải quyết.

Giao dịch bất động sản tăng đột biến

Trong những tháng đầu năm 2022, tình hình sốt đất, giao dịch về bất động sản ở các địa phương trong tỉnh diễn ra khá "nóng", hồ sơ đất đai tăng đột biến.

Tại huyện Cư M’gar, trong quý I/2022, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất huyện giải quyết trên 15.000 hồ sơ, tăng hơn 6.000 hồ sơ so với cùng kỳ, gây quá tải công việc, chậm trễ giải quyết các thủ tục và gây phiền hà cho người dân.

Theo Bí thư Huyện ủy Cư M’gar Nguyễn Đình Viên, vấn đề này đã gây tác động đến công tác cải cách hành chính của huyện, từ vị trí tốp đầu đã tụt xuống hạng thứ 15. Hơn nữa, giá đất tăng cao đã kéo theo tình trạng lợi dụng quy định tách thửa đất nông nghiệp chỉ với diện tích 500 m2 để phân lô, bán nền.

Mặc dù huyện đã chỉ đạo quyết liệt vấn đề này nhưng rất khó kiểm soát vì người dân tiến hành san ủi vào ngày nghỉ, lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý không xuể. Nếu không kiểm soát được tình trạng này thì sẽ ảnh hưởng tới cung, cầu của các dự án đầu tư bất động sản trên địa bàn tỉnh và thu ngân sách của tỉnh.

Phân lô, bán đất, xây dựng nhà trái phép trên địa bàn xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột).

Các đại biểu cũng khẳng định, việc chia lô, tách thửa, bán đất nông nghiệp đang rất phức tạp, tự đẩy giá lên cao, tạo ra tình trạng sốt đất "ảo", ảnh hưởng rất lớn đến nhiều lĩnh vực. Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Chủ tịch HĐND tỉnh Y Vinh Tơr cho rằng, hiện nay, việc mua bán đất không chỉ diễn ra ở vùng ven đô thị mà len lỏi khắp mọi nơi, cả ở vùng sâu, vùng xa, buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Chủ trương của Đảng là tập trung giải quyết đất ở, đất sản xuất cho đồng bào nhưng vì lợi nhuận, bà con đang bán đất đai của gia đình mình, nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ dẫn đến nhiều hệ lụy.

 

“Để ngăn chặn, chấn chỉnh tình trạng sốt đất, phân lô, bán nền, Sở Tài Nguyên – Môi trường đã kiến nghị UBND tỉnh có 3 chỉ đạo tiếp theo: nghiên cứu, tăng hạn mức tách thửa đối với đất nông nghiệp ở thành phố lên 1.000 m2, cấp huyện là 2.000 m2; chỉ đạo rà soát lại và ban hành hệ số giá đất hằng năm cho phù hợp theo khu vực, tuyến đường, thực tế; chỉ đạo quản lý chặt chẽ công tác công chứng, giám sát giá mua – bán”. 

Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Trần Đình Nhuận

Theo số liệu của Sở Tài nguyên - Môi trường, trong quý I, toàn tỉnh có 103.000 giao dịch mua bán đất đai, tăng gần 200% so với cùng kỳ. Giá bán đất cũng tăng cao, chủ yếu tập trung ở phân khúc đất ở gắn vườn, đất nông nghiệp ở các xã của TP. Buôn Ma Thuột và các huyện giáp thành phố, gần các công trình trọng điểm, ao, suối nơi có không gian tốt.

Ngăn chặn kịp thời, tránh hệ lụy

Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Trần Đình Nhuận cho biết, có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng sốt đất trên địa bàn tỉnh như: việc lập quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, ưu tiên đầu tư công trung hạn các công trình trọng điểm, tác động của quy hoạch phát triển đô thị, đại dịch COVID-19, nguy cơ lạm phát, tâm lý đám đông. Ngoài ra, công tác quản lý đất đai của tỉnh còn nhiều yếu kém, vấn đề cho phép chuyển mục đích sử dụng đất ở những khu vực chưa bảo đảm hạ tầng hoặc những đối tượng không thực sự có nhu cầu sử dụng đất. Bên cạnh đó, pháp luật về đất đai hiện nay còn bất cập, không quy định hạn mức, điều kiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân làm nhà ở. Quy định về xác định giá đất chưa theo kịp giá thị trường.

Việc sốt đất đã tạo ra các hệ lụy, tiêu cực rõ rệt: Khó khăn trong quản lý quy hoạch nhất là quy hoạch xây dựng, quy hoạch nông thôn mới; tăng chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng, nhất là các dự án đầu tư công, công trình trọng điểm, gây khiếu kiện, khiếu nại, xung đột; mua bán, kê khai thuế thấp hơn giá thực tế, giá đất chưa sát thị trường gây thất thu cho ngân sách; một bộ phận lớn đồng bào dân tộc thiểu số bán đất rồi sử dụng tiền không hiệu quả, mất tư liệu sản xuất, mất việc làm, tiềm ẩn nguy cơ bất ổn xã hội.

Nhà ở xây dựng trái phép trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Trước tình trạng trên, UBND tỉnh đã chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố chấn chỉnh ngay công tác quy hoạch giai đoạn 2021 - 2030, xác định rõ các khu vực phát triển, chỉnh trang đô thị, nông thôn, đặc biệt là các vùng phụ cận và công khai, công bố rộng rãi. Đồng thời, thực hiện việc thu hồi đất, triển khai dự án đầu tư hạ tầng để Nhà nước đấu giá, chấm dứt tình trạng cho chuyển mục đích sử dụng đất ở các khu vực này.

UBND tỉnh cũng yêu cầu các huyện chỉ cho phép chuyển mục đích sử dụng đất sang đất ở đối với đất nông nghiệp xen kẽ trong khu dân cư đã có hạ tầng và cho những đối tượng thực sự có nhu cầu làm nhà ở.

Đồng thời UBND cấp huyện quản lý chặt chẽ quỹ đất đã được quy hoạch, công bố công khai và hạn chế việc tách thửa, chấm dứt việc cho chuyển mục đích sử dụng đất ở những khu vực này, giao cho công an theo dõi, điều tra các hiện tượng dùng quy hoạch để đồn thổi, nâng giá đất cao bất thường. UBND tỉnh cũng đã ban hành quy định về phân lô, tách thửa, công nhận quyền sử dụng đất...

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.