Multimedia Đọc Báo in

“Cháy” xăng dầu, khổ ai?

08:18, 16/10/2022

Thời gian qua, giá cả xăng dầu trong nước luôn “nhảy múa”, người dân đã chịu khổ quen.

Nhưng, việc hàng trăm cây xăng tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khu vực phía Nam phải tạm ngừng hoạt động những ngày gần đây, một số cây xăng chỉ bán cầm chừng, trong khi người dân khổ sở xếp hàng như thời bao cấp với mong muốn mua được từng lít xăng thực sự gây bức xúc. Có vụ việc người dân vác rựa rượt đuổi nhân viên bán xăng "chạy có cờ", có lẽ cũng do bức xúc mà ra.

Bộ Công thương đã phải gửi thư mời “hỏa tốc” đến Bộ Tài chính, Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, lãnh đạo một số doanh nghiệp đầu mối sản xuất, kinh doanh xăng dầu để cùng ngồi lại bàn về các giải pháp đảm bảo nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước.

Cuộc họp do Bộ Công thương chủ trì đã diễn ra. Dù thế, để bình ổn được giá xăng dầu, không còn cảnh khan hiếm, e rằng cần những cuộc “Hội nghị Diên Hồng”, những chính sách có tính vĩ mô hơn.

Cán bộ Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu tại thị xã Buôn Hồ. (Ảnh minh họa: Đỗ Lan)
Cán bộ Cục Quản lý thị trường Đắk Lắk kiểm tra tình hình kinh doanh xăng dầu tại thị xã Buôn Hồ. (Ảnh minh họa: Đỗ Lan)

Đơn cử, chiều 11/10, để “hạ nhiệt” dư luận cùng doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, liên Bộ đã thông tin điều chỉnh tăng giá xăng dầu, nguồn cung cũng chưa mấy sáng sủa. Số cửa hàng tạm ngưng bán hàng vẫn tiếp tục tăng.

Bên nào cũng có lý do chính đáng của mình. Bộ Công thương lý giải, nguyên nhân chính của hiện tượng này là do từ cuối năm 2021 đến nay, các chi phí kinh doanh xăng dầu tăng mạnh, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu không có đủ nguồn tài chính để nhập hàng nên chủ yếu chỉ duy trì lượng hàng đủ để cung cấp cho hệ thống phân phối của doanh nghiệp mình và duy trì lượng dự trữ tồn kho theo quy định.

 Các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu thì kiến nghị Bộ Công thương xem xét, điều chỉnh bổ sung quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân bán lẻ chủ động khai thác nguồn cung không bị phụ thuộc vào một thương nhân phân phối như theo quy định hiện nay.

Xem xét, chỉ đạo thương nhân đầu mối, thương nhân phân phối xăng dầu cùng chia sẻ quyền lợi một cách chính đáng, có tỷ lệ chiết khấu hợp lý đối các đơn vị bán lẻ. Đồng thời kiến nghị với cơ quan thuế, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu giảm lãi suất cho vay, giảm thuế ít nhất 1 năm cho các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu để bù khoản lỗ trong thời gian qua…

Còn cái lý của người dân thì sao? Xin thưa, dù thương nhân được tạo mọi điều kiện về chính sách giá cả thì cuối cùng người tiêu dùng (dân) vẫn phải gánh chịu những nỗi khổ khi khan hiếm xăng dầu.

Người dân có lẽ đã quen với phương thức truyền thống, nhằm để điều hòa nguồn cung ứng xăng dầu lưu thông, lập tức xăng dầu được đẩy giá. Lúc đó, phải gánh chịu thiệt hại cũng là người dân.

Một nền an ninh năng lượng vững mạnh, ngoài cố gắng đảm bảo nguồn năng lượng đủ, còn phải luôn bảo vệ được quyền lợi của người dân.

Cuộc khủng hoảng xăng dầu vừa qua đã lộ ra rất nhiều vấn đề đáng lo ngại!

Hữu Quý


Ý kiến bạn đọc