Multimedia Đọc Báo in

Tạo đột phá mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả cải cách hành chính

18:13, 14/11/2023

Chiều 14/11, Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính (CCHC) của Chính phủ tổ chức Phiên họp thứ 6. Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Tuấn Hà; thành viên Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh; đại diện các phòng, ban liên quan. 

Theo báo cáo tại phiên họp, trong 10 tháng đầu năm 2023, công tác CCHC đã được thực hiện với những đổi mới, tạo ra bước đột phá. Các bộ, ngành đã cắt giảm, đơn giản hóa 341 quy định kinh doanh; đơn giản hóa 437 thủ tục hành chính (TTHC). Tỷ lệ hồ sơ được cấp kết quả giải quyết TTHC điện tử của các bộ, ngành đạt 26,93%; các địa phương đạt 40,91%.

Đại biểu tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh.
Đại biểu tham dự tại điểm cầu UBND tỉnh.

100% bộ, ngành, địa phương hoàn thành kết nối, đồng bộ dữ liệu với cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về cán bộ, công chức, viên chức; 6,2 triệu văn bản điện tử gửi, nhận trên Trục liên thông văn bản quốc gia; 36/63 địa phương đã triển khai trung tâm chỉ đạo, điều hành thông minh; 40/63 địa phương tham mưu, ban hành Nghị quyết của HĐND về miễn, giảm phí lệ phí thực hiện dịch vụ công trực tuyến, nhằm thu hút người dân tham gia dịch vụ công trực tuyến. Bộ Công an đã cấp trên 83,76 triệu thẻ căn cước công dân gắn chíp; thu nhận trên 64,3 triệu hồ sơ định danh điện tử…

Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn một số hạn chế: Tình trạng nợ, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục; cơ chế, chính sách, pháp luật trên một số lĩnh vực còn thiếu đồng bộ. Việc kết nối, khai thác CSDL quốc gia về dân cư trong giải quyết TTHC còn bộc lộ nhiều vướng mắc, bất cập, có nơi, có lúc gây phiền hà cho người dân. Việc thực hiện cung cấp dịch vụ công trực tuyến còn hình thức, chưa thực chất, chưa hiệu quả. Tình trạng trễ hẹn trong giải quyết và trả kết quả giải quyết hồ sơ vẫn còn xảy ra ở các cấp hành chính…

Đại biểu tại các điểm cầu tham dự phiên họp trực tuyến. (Ảnh chụp màn hình)
Đại biểu tham dự phiên họp trực tuyến tại các điểm cầu. (Ảnh chụp màn hình)

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, biểu dương sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương về những kết quả đạt được, đã đóng góp tích cực cho thành công chung của cả nước và nhấn mạnh một số hạn chế, tồn tại, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong thực hiện CCHC.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu cần nâng cao hơn nữa về nhận thức vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công cuộc CCHC; đẩy mạnh một cách toàn diện, đồng bộ, tạo đột phá về 6 nội dung về CCHC: cải cách thể chế, TTHC, tổ chức bộ máy nhà nước, công vụ, tài chính công, xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số. Trong đó nội dung cải cách thể chế là nền tảng, cải cách TTHC là trọng tâm, cải cách chế độ công vụ là động lực.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đặc biệt lưu ý, các bộ, ngành, địa phương phải đổi mới phương thức cách làm, thay đổi tư duy phương pháp luận trong giải quyết, xử lý vấn đề đi từ thực tiễn trực tiếp ở cơ sở. Đồng thời đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh việc rà soát, ban hành các giải pháp cụ thể, thiết thực và tạo đột phá mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao; tiếp tục phát huy vai trò và nâng cao trách nhiệm người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ CCHC; tập trung ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho người dân, doanh nghiệp, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC; tăng cường rà soát, cắt giảm, đơn giản hóa quy trình, quy định TTHC, điều kiện kinh doanh, bảo đảm thực chất, hiệu quả trên cơ sở lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường rà soát, tháo gỡ những rào cản về thể chế, cơ chế để nâng cao hiệu quả giải ngân vốn đầu tư công tại các bộ, ngành, địa phương; tiếp tục triển khai xây dựng Chính phủ điện tử, Chính phủ số, chuyển đổi số quốc gia theo kế hoạch, lộ trình đã phê duyệt…

Lan Anh
 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.