Tạo nền tảng đột phá, thúc đẩy tiến trình chuyển đổi số
Phát triển nền tảng số được tỉnh Đắk Lắk xác định là yếu tố nền tảng tạo đột phá để đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số tại địa phương.
Hạ tầng thông suốt
Nền tảng số được coi là "hạ tầng mềm" của không gian số, giải quyết các bài toán cụ thể của chuyển đổi số. Do đó, ngay từ ngày đầu bắt tay thực hiện chuyển đổi số, tỉnh Đắk Lắk đã chú trọng xây dựng, phổ cập các nền tảng số để tối đa hóa lợi ích do công nghệ mang lại, làm cơ sở để đáp ứng cơ bản các yêu cầu của chuyển đổi số, phục vụ phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Xác định để chuyển đổi số bền vững, thực chất, đồng bộ thì nền tảng số là yếu tố quyết định, ngày 21/4/2022, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND về thực hiện Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính quyền số, kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
![]() |
Giám sát các dịch vụ trên nền tảng số tại Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk. |
Từ sự chỉ đạo sát sườn này, các nền tảng số bắt đầu được xây dựng, thiết lập dựa trên cơ sở phân loại, nắm bắt nhu cầu sử dụng của từng ngành, nghề, lĩnh vực, cũng như phục vụ công tác quản lý, điều hành của chính quyền. Các ngành chức năng, địa phương của tỉnh cũng chú trọng phổ cập, hướng dẫn sử dụng những nền tảng số cho người dân, doanh nghiệp trên địa bàn. Theo Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, thời gian qua đã có nhiều nền tảng số được tạo lập, mang lại hiệu quả thiết thực, giúp ích cho công tác quản lý, điều hành ở địa phương.
Có thể kể đến như: Nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh đã kết nối đến nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu quốc gia với 17/17 dịch vụ; kết nối nội tỉnh thông qua nền tảng 8 dịch vụ; kết nối tích hợp phần mềm cơ sở dữ liệu về giá của Sở Tài chính với cơ sở dữ liệu quốc gia về giá của Bộ Tài chính thông qua nền tảng, tích hợp chia sẻ dữ liệu tỉnh. Năm 2024, Hệ thống hội nghị họp trực tuyến của tỉnh đã được đầu tư, nâng cấp mở rộng và triển khai từ tỉnh đến 15 huyện, thị xã, thành phố, các xã, phường, thị trấn với tổng số 218 điểm cầu và đã tổ chức được 113 hội nghị trực tuyến của Trung ương đến UBND tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và giữa UBND tỉnh với các điểm cầu ở nước ngoài.
Bên cạnh đó, các ngành, lĩnh vực của tỉnh cũng xây dựng, khai thác các nền tảng số, tạo ra sự chuyển mình trên không gian số. Ngành y tế đã xây dựng và duy trì có hiệu quả phục vụ công tác quản lý, khám chữa bệnh như: phần mềm quản lý khám chữa bệnh; phần mềm quản lý y tế cơ sở tại 185/185 trạm y tế trên địa bàn; triển khai hệ thống tư vấn khám chữa bệnh từ xa tại các cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn tỉnh; triển khai Hệ thống quản lý về thông tin tiêm chủng quốc gia tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, 15 trung tâm y tế huyện, thị xã, thành phố, 185 trạm y tế xã, phường, thị trấn và các điểm tiêm chủng dịch vụ trên địa bàn tỉnh…
Khai thác tối đa tiện ích
Đáng chú ý, các nền tảng ứng dụng dành cho Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk (DAKLAK IOC) được đầu tư triển khai khá đầy đủ và thực hiện nhiều tiện ích, bao gồm: hệ thống cân bằng tải ứng dụng và bảo mật chuyên dụng cho ứng dụng web; hệ thống tường lửa thế hệ mới kiểm soát ứng dụng cho lớp biên của trung tâm dữ liệu; phần mềm sao lưu dữ liệu cho hệ thống; phần mềm ảo hóa cho các máy chủ hosting; phần mềm quản trị tập trung ảo hóa VmWare; phần mềm quản lý log tập trung; hệ thống phần mềm lõi triển khai cho DAKLAK IOC kết nối, chia sẻ dữ liệu với các ứng dụng để quản lý và giám sát các dịch vụ… Từ các nền tảng này, nhiều dịch vụ tiện ích đã ra đời, thực hiện tổng hợp dữ liệu, theo dõi giám sát, hỗ trợ đắc lực cho công tác chỉ đạo điều hành đô thị thông minh. Cụ thể như: dịch vụ giám sát, điều hành lĩnh vực phản ánh hiện trường cung cấp và đáp ứng đầy đủ 145 chức năng của Hệ thống phản ánh hiện trường và 16 phân hệ chatbot theo yêu cầu của người sử dụng; dịch vụ giám sát an ninh trật tự và an toàn giao thông; hệ thống phần mềm Tổng đài 1022 cho phép tiếp nhận thông tin qua cả IP phone và Softphone (ứng dụng cài trên máy tính) ghi nhận được quá trình tiếp nhận góp ý, phản ánh kiến nghị của tổ chức, cá nhân gồm nhật ký, bản ghi âm…
![]() |
Chuyên viên Trung tâm Giám sát, điều hành đô thị thông minh tỉnh Đắk Lắk hướng dẫn người dân sử dụng các dịch vụ phản ánh hiện trường. |
Thực tế sử dụng dịch vụ trên các nền tảng đã mang đến lợi ích thiết thực, đáp ứng nhu cầu cho người sử dụng, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước. Ông Lê Xuân Quang, Phó Giám đốc DAKLAK IOC cho biết, các nền tảng số được quan tâm đầu tư tại trung tâm đã phát huy hiệu quả nguồn lực nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, phát triển, mở rộng, kết nối, chia sẻ dữ liệu với nền tảng đô thị thông minh cấp tỉnh. Việc sử dụng, khai thác các nền tảng số để giám sát trong nhiều lĩnh vực đã mang lại hiệu quả thiết thực, kết nối người dân và chính quyền, tạo sự chủ động cho công tác xử lý các sự cố, vướng mắc phát sinh đối với các cơ quan liên quan, mang lại sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo chuyển đổi số tỉnh Đắk Lắk, các hệ thống thông tin, phần mềm, dịch vụ số dùng chung của tỉnh được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ đến các cơ quan từ cấp tỉnh đến cấp xã, bảo đảm phục vụ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, giải quyết công việc và phục vụ tốt nhu cầu của người dân, doanh nghiệp trên môi trường điện tử. Một số ngành, lĩnh vực đã chú trọng phát triển các nền tảng số, cơ sở dữ liệu chuyên ngành để kết nối, chia sẻ, liên thông với hệ thống dùng chung. Thời gian tới, tỉnh Đắk Lắk tiếp tục tập trung phát triển và ứng dụng mạnh mẽ các nền tảng số, làm nền tảng để thực hiện chiến lược chuyển đổi số một cách tổng thể và toàn diện.
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc