Thúc đẩy chuyển đổi số với quyết tâm cao nhất, quyết liệt nhất và hiệu quả hơn nữa
Sáng 19/7, Thường trực Chính phủ đã tổ chức Hội nghị trực tuyến về chuyển đổi số (CĐS) với các đồng chí bộ trưởng, trưởng ngành, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về CĐS Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị; tham dự hội nghị còn có các Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành hữu quan.
Tham dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo CĐS tỉnh Nguyễn Tuấn Hà và đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành địa phương.
Đại biểu tham dự hội nghị tại điểm cầu Đắk Lắk |
Theo báo cáo của Bộ TT&TT, giai đoạn 2021-2024, CĐS được đẩy mạnh theo hướng toàn dân, toàn diện, có kết quả thiết thực, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế xã hội đất nước. Báo cáo của Liên hiệp quốc năm 2022 cho thấy, chỉ số Chính phủ điện tử/ Chính phủ số (EGDI) của Việt Nam giữ nguyên thứ hạng là 86/193 quốc gia, không tăng bậc so với xếp hạng năm 2020. Xếp hạng Dịch vụ công trực tuyến (DVCTT) của Việt Nam đạt 76/193, tăng 5 bậc so với năm 2020; dữ liệu mở xếp thứ 87/193, tăng 10 bậc so với năm 2020. Về xếp hạng Chính phủ điện tử tại khu vực Đông Nam Á, Việt Nam giữ nguyên thứ hạng là 6/11 quốc gia; xếp hạng DVCTT, Việt Nam tăng 1 bậc so với năm 2020, đứng thứ 5/11. Tốc độ tăng trưởng kinh tế số của Việt Nam tăng dần qua các năm...
Đánh giá của Việt Nam, năm 2022, chỉ số CĐS quốc gia là 0,71. So với năm 2021 tốc độ tăng trưởng chỉ số CĐS quốc gia có chậm lại, tuy nhiên, các chỉ số thành phần về Chính phủ số, kinh tế số và xã hội số vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng cao từ 45% - 55%.
Đến nay, 100% người dân và doanh nghiệp sử dụng DVCTT được định danh và xác thực thông suốt, hợp nhất trên tất cả các hệ thống của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương. Tốc độ phát triển kinh tế số của Việt Nam vào khoảng 20%/năm, gấp 3 lần tốc độ tăng trưởng GDP. Tình hình xã hội số có những chuyển biến tích cực, đến tháng 12/2023, Bộ Công an đã cấp trên 84,7 triệu thẻ căn cước công dân gắn chip; đã kích hoạt 45,4 triệu tài khoản định danh (đạt 67,5% so với tổng hồ sơ tiếp nhận)...
Bên cạnh những kết quả đạt được, CĐS tại Việt Nam vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Chính phủ số triển khai không đồng đều; hiệu quả sử dụng DVCTT toàn trình chưa đồng đều giữa các bộ, ngành, địa phương; chất lượng các hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính bộc lộ nhiều hạn chế; phát triển doanh nghiệp công nghệ số các địa phương còn yếu; tỷ lệ dân số trưởng thành có chữ ký số hoặc chữ ký điện tử của 63/63 địa phương chưa đạt mức 50% (mức mục tiêu)...
Giám đốc Sở TT&TT Trương Hoài Anh phát biểu tại hội nghị |
Tham gia phát biểu tại hội nghị, tỉnh Đắk Lắk kiến nghị Chính phủ một số nội dung: Đắk Lắk mong muốn Tổ đề án 06, Bộ TTT&TT có những định hướng lớn, căn bản trong vấn đề CĐS để địa phương triển khai thực hiện có hiệu quả; thống nhất triển khai các nền tảng dùng chung, cơ sở hạ tầng từ 4 cấp để tránh lãng phí, trùng lặp; có cơ chế chính sách để thu hút, phát huy tốt đội ngũ làm công tác CĐS, đặc biệt là cán bộ chất lượng cao về công tác tại tỉnh để bảo đảm thực hiện có hiệu quả chương trình CĐS tỉnh Đắk Lắk nói riêng, CĐS quốc gia nói chung.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. (Ảnh chụp màn hình) |
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, CĐS là xu thế tất yếu, yêu cầu bắt buộc, tiến trình không thể đảo ngược ở bình diện quốc tế, quốc gia hay từng bộ, ngành, địa phương. Đến nay, CĐS đã và đang đến “từng ngõ, từng nhà, từng người dân”.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả nhiệm vụ CĐS quốc gia trong giai đoạn tới, Thủ tướng yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành, đơn vị, địa phương phải tiên phong, gương mẫu để thúc đẩy CĐS với quyết tâm cao nhất, quyết liệt và hiệu quả nhất. Trong đó, tập trung phát triển nhân lực số, công dân số, kỹ năng số và tài năng số; ưu tiên nguồn lực cho phát triển CĐS; phát triển hạ tầng số toàn diện, phù hợp, tiết kiệm hiệu quả; quản lý điều hành phải số hóa và trí tuệ thông minh; khẩn trương hoàn thiện cơ chế chính sách, thể chế CĐS theo xu hướng tăng cường phân cấp, phân cường, phát huy tính sáng tạo của các cấp, các ngành; tăng cường phân bổ nguồn lực, giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân và doanh nghiệp, xóa bỏ cơ chế xin cho, chống tiêu cực tham nhũng...
"Việc thực hiện CĐS bây giờ phải mạnh dạn vừa làm vừa rút kinh nghiệm; tăng tốc, bức phá với khí thế tiến công mạnh mẽ với tinh thần “5 đẩy mạnh, 5 đảm bảo gắn với 5 không”. Không nói không, không nói khó; không nói khó mà không làm; không bàn lùi, chỉ bàn làm; không để ai bỏ lại phía sau trong tiến trình CĐS quốc gia; không dùng tiền mặt, hướng tới mọi giao dịch thông qua phương thức điện tử để phòng, chống tham nhũng, sách nhiễu; không giấy tờ, hướng tới số hóa và không để người dân doanh nghiệp mất nhiều thời gian, công sức, chi phí", Thủ tướng nhấn mạnh.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc