Multimedia Đọc Báo in

Nhớ những người dân ở “vùng đất sáng như ngọc”

15:44, 10/06/2024

Trong thời gian kháng chiến chống Mỹ, có lần tôi đi công tác ở xã Khuê Ngọc Điền (thuộc H9, nay là huyện Krông Bông). Anh Trần Trương (thường gọi là anh Thọ, sau này là Phó Chủ tịch UBND tỉnh) khi ấy là Bí thư H9 căn dặn: “Người dân ở đây là vàng, là ngọc trên sàng. Ra ngõ gặp anh hùng, anh cố làm cho tốt”.

Tôi ở nhà chú Xứng trong xóm Ba Nhà (sở dĩ xóm có tên ấy là do dòng suối uốn lượn tách ra ba nhà, các nhà nối nhau bằng cây gỗ làm cầu tạm). Chú Xứng ở một mình vì cả nhà đã đi làm cách mạng. Con trai là Huỳnh Đích, ở Ban Giáo dục tỉnh. Đích nhỏ người nhưng hoạt bát, dẻo dai, cuốc ruộng, phát rẫy, đi săn không thua một ai. Sau giải phóng, Đích công tác ở Công an tỉnh, đổi tên là Đức. Con gái út của chú Xứng tên là Đời, sau đổi là Minh, được ra Bắc học rồi về làm công tác thư viện tại Trường Cao đẳng Sư phạm tỉnh. Đêm đến, hai cái võng mắc song song, tôi và chú Xứng rì rầm trò chuyện cho đến khi mệt ngủ thiếp đi.
Gia đình thứ hai là chị Chín Kiển. Hoàn cảnh của chị đáng thương nhất. Một lần cả nhà đang ăn cơm thì địch câu pháo trúng mâm cơm, chồng chị chết ngay tại chỗ, chị bị mù mắt, đứa con gái là cháu Thu bị điếc tai, từ đó chỉ nhìn miệng người nói chuyện mà đoán ý. Có năm, địch càn vào Khuê Ngọc Điền tới 19 lần. Cháu Thu dắt mẹ bị mù theo dân làng chạy vào rừng sâu. Cảm động trước sự kiên cường của cháu bé, tôi đã viết bài thơ về cháu với tiêu đề “Dắt mẹ lánh càn”, phần kết bài thơ có đoạn: “Ôi một năm 19 lần chạy giặc/19 lần như thế, chưa quên/Vắt muỗi, đói, đau khó khăn nào cũng vượt/Rừng núi yêu thương che chở bóng em!”. Năm 1968, lúc đó cháu Thu mới 8 tuổi.
Nhà thứ ba là gia đình Ba Lại. Ba Lại là xã đội trưởng, sau giải phóng làm Trưởng Phòng Văn hóa huyện Krông Bông. Vì là xã đội trưởng nên mỗi lần địch càn quét là Ba Lại phải chốt chặn sau cùng, đánh lạc hướng địch cho dân an toàn rồi mới rút. Có lần địch đuổi đến gần, bí quá anh trốn vào hang sâu, dang hai chân, hai tay đu người vào vách đá. Địch sục vào hang tối nên không phát hiện. Khi địch rút, Ba Lại cười hề hề: “Rừng của mình, hang núi của mình, địch sao biết được?”.
1
Đồng chí Lâm Sanh Lại (cầm súng) tập luyện bắn máy bay địch bằng súng bộ binh cho lực lượng du kích xã Khuê Ngọc Điền.  Ảnh chụp lại trong cuốn lịch sử Đảng bộ huyện Krông Bông.

Xóm Ba Nhà thân thiết và gắn bó với tôi cũng như cả vùng căn cứ. Bước qua cây cầu tạm là nhà chị Thái, sau này lấy anh Bồng cùng ở Ty Giáo dục. Đối diện nhà chị Thái là nhà anh chị Phẩm. Có lần dạy học về thì mưa to, cầu sập, không về được nhà chú Xứng, tôi phải mượn bao tải để ngủ lại nhà anh chị Phẩm. Sau khi đất nước giải phóng, tôi về thăm lại Khuê Ngọc Điền, chị Phẩm dắt một cậu thanh niên cường tráng đến giới thiệu: “Đây là cháu Công - học sinh cũ của anh, người đã nhường võng và bao tải cho anh năm xưa”.

Lòng dân hướng về cách mạng vượt qua bao thử thách. Chỉ nêu một con số: Xã Khuê Ngọc Điền có hơn 6.000 dân, bị địch xúc gom vào các dinh điền, một số đi làm cách mạng, một số hy sinh nên chỉ còn hơn 300 người, bằng 1/20 dân số. Tôi đã nghe kể về những tháng năm khốn khó mà sáng ngời niềm tin vào thắng lợi của bà con nơi đây. Có những lần đi đào khoai, đào sắn đội ngũ phải mang theo cáng tải thương đề phòng bất trắc; người đi đầu cầm cành le mềm để gạt xem có vướng mìn địch gài hay bom rải xuống chưa nổ.

Ở Khuê Ngọc Điền có ba địa danh ghi khắc trong tim tôi: Cầu Cháy là chỉ cây cầu ta bắn cháy, ngăn chặn xe địch đổ quân vào căn cứ. Dốc Xe Đổ là nơi ta bắn xe địch, chặn đứng cuộc hành quân. Đồi Bắn Máy Bay là quả đồi là nơi mà dân quân ta bắn rụng máy bay địch. Trong lực lượng dân quân ngày ấy có cả giáo viên tham gia, là thầy giáo Nguyễn Văn Đễ dạy học ở đây. Dạy học ở Khuê Ngọc Điền còn có cô Vinh, cô Thái, anh Quang, anh Tấn cùng tham gia chống địch.

Hơn nửa thế kỷ đã qua, lòng dân Khuê Ngọc Điền đúng như tên gọi: “Khuê Ngọc Điền – Vùng đất sáng như ngọc!”…

     Hữu Chỉnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.