Những sứ giả kết nối đại ngàn
Bằng việc tận dụng mạng xã hội như Facebook, YouTube, Instagram, TikTok… và năng khiếu, đam mê của mình, nhiều bạn trẻ đã quảng bá, giới thiệu những nét đẹp văn hóa, thiên nhiên, nông sản… của Đắk Lắk đến khắp mọi miền đất nước.
Bản sắc quê hương trong từng khung hình
Anh Y Duin Niê (SN 1997, xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) sở hữu kênh TikTok với tên gọi “Niê Miu”, thu hút gần 98 nghìn lượt theo dõi, Facebook cá nhân với hơn 70 nghìn lượt theo dõi.
Các kênh của anh Y Duin chủ yếu giới thiệu về các địa điểm đẹp, nổi tiếng; những món ăn truyền thống; văn hóa, các nghi lễ của người Êđê ở Đắk Lắk... Trong đó có những video trở thành xu hướng, được nhiều người xem và yêu thích như: lễ tang truyền thống của người Êđê; giới thiệu về làng gốm của người M’nông ở xã Yang Tao (huyện Lắk); nhiều lượt xem nhất vẫn là phần giới thiệu ẩm thực của người Êđê: đu đủ giã với kiến vàng, các món rau rừng…
Các video do Y Duin thực hiện dù đơn giản nhưng rất chỉn chu, không chỉ giới thiệu, miêu tả thông thường về nội dung cần truyền tải, mà anh còn chia sẻ kiến thức... thu hút hàng triệu lượt xem, yêu thích, cũng từ đó nhiều người mong muốn được khám phá sự hấp dẫn của nơi đây.
Hình ảnh anh Y Duin Niê giới thiệu về cây tiêu trên trang Facebook cá nhân của mình, kênh TikTok với tên gọi “Niê Miu”. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Cũng chính từ những video này, anh Y Duin đã được Đài Truyền hình EBS (Hàn Quốc) đến làm phóng sự về những món ăn truyền thống tại buôn làng; được chọn là đại sứ truyền thông mạng xã hội của Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Đây chính là niềm tự hào và động lực cho anh tiếp tục thực hiện đam mê và khao khát quảng bá vẻ đẹp Tây Nguyên đến bạn bè khắp năm châu.
Sau những clip về cuộc sống ở buôn làng, anh Y Duin trăn trở suy nghĩ về nội dung tiếp theo, làm sao để mọi người biết nhiều hơn đến quê hương Đắk Lắk. Vì vậy, Y Duin đã và đang bán những sản phẩm truyền thống của người Êđê như cối, chày; những sản vật của nơi anh sinh sống như hạt đác, mật ong…, các đơn đặt hàng và phản hồi tích cực ngày một nhiều, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. “Sắp tới, tôi sẽ chú trọng tìm hiểu và quảng bá nông sản, sản phẩm OCOP của các địa phương trên địa bàn tỉnh; đồng thời giới thiệu cảnh đẹp, địa điểm du lịch… của Đắk Lắk nhiều hơn nữa”, anh Y Duin chia sẻ về những dự định sắp tới của mình.
Quảng bá nông sản trên nền tảng số
Tương tự, chị Võ Thị Hà Mi (SN 1994, huyện Buôn Đôn) cũng có kênh TikTok hơn 64 nghìn lượt theo dõi với tên gọi “Mi Mi Măng Tây”. Sở dĩ kênh TikTok cá nhân của chị Mi được nhiều người theo dõi là vì nó khá ấn tượng, là một kênh chia sẻ thông tin đủ đầy về cây măng tây trên đất Tây Nguyên.
Tốt nghiệp Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh, chị Hà Mi có nhiều năm làm việc ở thành phố lớn. Tuy nhiên, đến năm 2019 chị quyết định trở về Đắk Lắk lập nghiệp, hy vọng có thể được cống hiến ngay tại chính quê hương, nơi mình sinh ra và lớn lên. Dù có nhiều cơ hội làm việc với ngành nghề đã theo học nhưng chị lại lựa chọn khởi nghiệp với ngành nông nghiệp. Chị Mi cho hay: “Dù không phải là con nhà nông “chính hiệu” nhưng tôi lại rất yêu thiên nhiên, yêu nông nghiệp; mong ước được lập nghiệp bằng chính lĩnh vực này luôn đau đáu trong lòng. Vì vậy, khi được các cộng sự có cùng đam mê đề nghị hợp tác làm một điều gì đó thật khác biệt trên mảnh đất này, tôi đã rất hồ hởi và quyết tâm. Chúng tôi đã đồng hành cùng nhau và chọn cây măng tây để phát triển với dự án đầu tiên mang tên “hàng Tây trên đất Ta””.
Cây măng tây là một loại cây trồng khá mới mẻ, ban đầu mọi người nghĩ nó không phù hợp với Buôn Đôn; nhưng thông qua nghiên cứu, tìm tòi, êkip của chị Mi tin rằng nếu chăm sóc đúng quy trình thì khả năng thành công rất cao. Vì vậy, chị Mi và đồng nghiệp rất quyết tâm thực hiện, bắt đầu từ ở một mảnh vườn thực nghiệm chỉ 300 m2. Đến năm 2023, êkip của chị đã xây dựng thành công thương hiệu “Măng tây Việt Nguyên” (măng tây Việt Nam trồng trên đất Tây Nguyên); đồng thời phát triển vùng nguyên liệu và chuyển giao kỹ thuật trồng măng tây cho bà con nông dân tại Buôn Đôn và nhiều địa phương khác trên cả tỉnh.
Chị Võ Thị Hà Mi giới thiệu măng tây và các sản phẩm đặc trưng của Buôn Đôn. (Ảnh do nhân vật cung cấp) |
Thấu hiểu được sự khó khăn khi tìm hiểu và tiếp cận với một loại cây trồng mới nên chị Mi đã chia sẻ toàn bộ những kiến thức, kinh nghiệm mà mình có được cho những ai yêu thích và muốn phát triển cây măng tây qua những video ngắn trên kênh TikTok Mi Mi Măng Tây và nhận được phản hồi tích cực của cộng đồng.
Chị Mi đồng thời cũng là thành viên Câu lạc bộ Khởi nghiệp sáng tạo huyện Buôn Đôn. Với tình yêu sản vật quê hương, cũng muốn tìm đầu ra cho những sản phẩm, nông sản mà bà con đã sản xuất, chị Mi tận dụng lợi thế từ kênh mạng xã hội của mình để giới thiệu và tiêu thụ sản phẩm mang “thương hiệu” huyện Buôn Đôn như: mật ong, cà phê, tiêu, măng khô… Chị còn thường xuyên hướng dẫn cho các thanh niên trong xã, huyện và những nông dân khác cách bán hàng trên mạng xã hội, cũng như quy trình quay dựng video cơ bản, với mong muốn bất cứ người nào cũng có thể tự quảng bá nông sản quê hương.
Hành trình kết nối nông nghiệp và công nghệ của chị Mi là nguồn cảm hứng cho nhiều người khao khát theo đuổi đam mê kinh doanh kết hợp sáng tạo trên mạng xã hội, tạo ra một cộng đồng gắn kết nông dân và người tiêu dùng. Đồng thời góp phần quảng bá hình ảnh về một Buôn Đôn, Đắk Lắk, Tây Nguyên đơn sơ, giản dị nhưng cũng đầy sức hút.
Lan tỏa tích cực và ý nghĩa
Ngoài Hà Mi (kênh TikTok Mi Mi Măng Tây), Y Duin (kênh TikTok Niê Miu), còn rất nhiều bạn trẻ khác như Thu Hà (kênh TikTok Hana Ban Mê ở huyện Cư M'gar), Anh Thư (kênh TikTok Lang thang cùng Thư ở TP. Buôn Ma Thuột)... đang sử dụng nền tảng mạng xã hội để quảng bá văn hóa, đặc sản, nông sản quê hương Đắk Lắk đi xa hơn.
Những video này đã nhận được sự hưởng ứng tích cực từ cộng đồng mạng. Nhiều người bày tỏ sự thích thú và ấn tượng trước những nét đẹp văn hóa được giới thiệu, góp phần thúc đẩy du lịch. Khi những địa điểm, món ăn được giới thiệu hấp dẫn trên mạng xã hội, sẽ thu hút du khách đến tham quan, trải nghiệm, từ đó góp phần phát triển kinh tế cho địa phương. Chị Hà Phương (huyện Cư Kuin) cho biết: “Nhờ những clip, video của các bạn trẻ mà tôi biết nhiều hơn về sự hấp dẫn của nơi mình sinh sống. Hy vọng các bạn sẽ tiếp tục sáng tạo và cho ra nhiều video hay nữa”. Còn anh Hoàng Hùng (TP. Hồ Chí Minh) bày tỏ: “Những nội dung sáng tạo của các bạn tiktoker tại Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng rất đặc sắc. Mỗi một hình ảnh, câu chuyện được đưa lên khiến tôi muốn đi đến khám phá ngay lập tức…”.
Không chỉ vậy, những thông điệp, câu chuyện được gửi gắm, chia sẻ trong mỗi video còn góp phần khơi dậy niềm tự hào về quê hương trong mỗi người, khuyến khích họ tìm hiểu bảo tồn và phát huy những giá trị tốt đẹp của dân tộc. Bởi điểm đặc biệt là các bạn trực tiếp trải nghiệm văn hóa, đến tận nơi, tự tay làm, tự mình tìm hiểu, học hỏi… đã giúp video vừa chân thật, vừa gần gũi và tiếp cận được với nhiều người hơn.
Và hơn hết, thông qua các kênh này, nông sản, đặc sản của Đắk Lắk như cà phê, tiêu, điều, mắc ca... được “lên sóng” đều đều; được nhiều người quan tâm, yêu thích và đặt hàng. Từ đó, không chỉ tạo ra giá trị đặc biệt cho nông sản địa phương mà còn kết nối, mở rộng thị trường đến các doanh nghiệp ở các thành phố lớn; thúc đẩy kinh tế và đồng hành cùng người nông dân làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Mỗi người có nhiều cách khác nhau để thể hiện tình yêu quê hương, tình cảm với mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên; có người góp công, góp sức, có người góp của để xây dựng quê hương đất nước. Và quảng bá hình ảnh đẹp, đời sống thường ngày qua những thước phim để công chúng đón nhận cũng là một cách thể hiện tình yêu ấy của những bạn trẻ kể trên. Họ chính là những đại sứ, góp phần đưa hình ảnh Đắk Lắk tươi đẹp, thân thiện, nhiều tiềm năng, hấp dẫn vươn xa hơn.
Mai Sao
Ý kiến bạn đọc