Multimedia Đọc Báo in

Krông Búk và ký ức thời trai trẻ

08:31, 26/08/2024

Sau khi đất nước thống nhất vào ngày 30/4/1975, cùng nhiều địa phương khác ở miền Nam, tại TP. Đà Nẵng, chúng tôi - những thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi được tuyển quân thực hiện nghĩa vụ quân sự đợt đầu tiên diễn ra vào ngày 28/11/1976 và gia nhập vào Sư đoàn 2 (F2), Quân khu 5.

Trải qua những tháng huấn luyện tân binh, tôi được điều về Phòng Chính trị thuộc Sư đoàn bộ để làm công tác quản thủ thư viện. Đến tháng 1/1978, Sư đoàn nhận lệnh chuyển quân lên Krông Búk (tỉnh Đắk Lắk). Và Krông Búk đã trở thành một miền quê hương đầy kỷ niệm, đã chắp cánh và tạo nên bước ngoặt quan trọng nhất để chúng tôi từng bước trưởng thành trong quân ngũ…

Ngày ấy, sau khi vượt qua những con đường dài thăm thẳm, đèo dốc cheo leo, chúng tôi dừng lại ở cây số 82 (nay là Km 82 trên Quốc lộ 14 đoạn qua huyện Ea H'leo) rồi rẽ vào một con đường mòn băng sâu giữa một cánh rừng rậm rạp. Nơi đây, rải rác đã hình thành một số khu lều trại tạm thời do các bộ phận đi tiền trạm tiến hành xây dựng từ nhiều tháng trước. Các cấp chỉ huy cho biết, đơn vị đang đóng quân trên địa phận của xã Ea Khăl, huyện Krông Búk (nay thuộc huyện Ea H’leo).

Ấn tượng đầu tiên mà tôi nhớ mãi những phút ban đầu, đó là đi đâu cũng nghe cái âm thanh đều đều như tiếng suối reo vọng từ bốn phía. Về sau tìm hiểu mới biết đó là âm thanh của tiếng đàn t’rưng – một loại nhạc cụ được đồng bào dân tộc bản địa ở các buôn làng quanh đó hết sức ưa chuộng, gắn bó trong sinh hoạt hằng ngày (mà đôi khi âm thanh của tiếng suối róc rách chen lẫn trong tiếng suối reo, cũng gần giống như vậy).

Ký họa ký ức Krông Búk của họa sĩ Mai Ngọc Chính.

Ngay trong buổi chiều đầu tiên ấy, chúng tôi đã được hướng dẫn đến một con suối để tắm giặt. Điều thật thú vị, cũng đúng tầm thời gian này, bà con các buôn làng quanh đó cũng vừa đi rẫy về. Và chính nơi đây cũng là bến nước để họ thường sử dụng cho các nhu cầu sinh hoạt hằng ngày. Thế là, trước mắt tôi hiện lên một bức tranh sống động: Mọi người (già, trẻ, gái, trai) cùng xúm xít đùa vui, chào hỏi bên cạnh những tảng đá nhỏ trải dài dọc theo dòng suối. Trong số họ, có những cô gái trẻ mang nét đẹp hoang dã ấn tượng đến kỳ lạ. Họ tắm rửa, giặt giũ, múc nước vào gùi, đôi khi ngân nga vài khúc hát hồn nhiên, khá thân thiện…

Đêm đầu tiên nằm ngủ giữa núi rừng là ấn tượng chẳng thể nào quên. Bởi ban ngày trời nóng bức chói chang, vậy mà khi màn đêm buông xuống, không khí càng lúc càng lạnh thấu xương. Đêm ấy, trải nghiệm giấc ngủ giữa rừng sâu, tôi cứ trăn trở mong cho trời mau sáng. Đến lúc trời sáng, lại thay bộ đồ ngủ bằng bộ quân phục để tham gia các hoạt động của đơn vị (bộ đồ này cả đêm như bị ướp đậm hơi sương) càng nghe lạnh thấm thía.

Nhiệm vụ của chúng tôi, những bộ phận vừa đến sau phải đảm nhận, là chia từng nhóm vào rừng tìm các khúc gỗ phù hợp để tiếp tục xây dựng hoàn thiện các hạng mục còn lại của doanh trại. Cứ như thế, hằng ngày, mỗi buổi sáng dọc đường đi chúng tôi thường xuyên gặp gỡ các nhóm người đồng bào dân tộc thiểu số mang gùi thoăn thoắt vào rẫy, buổi chiều gặp lại họ ở bên suối. Đáng chú ý, theo tập quán của họ, hầu như ở mỗi cặp vợ chồng, người phụ nữ phải nhận trách nhiệm làm việc nặng, tức khi đi rẫy về, người vợ phải mang chiếc gùi chất đầy củi hoặc các loại sản phẩm cây trái, còn người chồng cứ việc chậm rãi theo sau, trên tay cầm dao rựa, hoặc dụng cụ săn bắn.

Sau một thời gian không lâu, mọi điều kiện sinh hoạt ăn ở tại đơn vị dần ổn định. Toàn bộ sách vở của thư viện Sư đoàn chuyển dời đến cũng đã được bố trí vào một khu nhà khá an toàn. Tuy nhiên, điều kiện anh em bộ đội mượn sách đọc vẫn còn hạn chế, nên bộ phận chúng tôi gần như sáp nhập chung vào đội chiếu phim nhằm tham gia phụ giúp các việc nặng nhọc như xê dịch máy nổ, căng dây treo màn chiếu phim.

Những lúc như vậy, có khi phải đi đến những buôn làng cách xa đơn vị nhiều cây số, có những đoạn giao thông không thuận lợi, phải tìm địa hình phù hợp nhất để làm bãi chiếu phim…

Những chuyến đi ấy, cả đội công tác phải đi từ sáng sớm, đến nửa đêm xong việc mới về. Song, cũng chính vào những lần đó, chúng tôi có cơ hội gắn bó gần gũi, sâu sát đồng bào nhiều hơn cả. Thích nhất là những lúc được bà con mời cùng uống rượu cần ở nhà cộng đồng, được nghe mọi người hát múa...

Cũng chính trong thời gian này, họa sĩ Mai Ngọc Chính, người phụ trách Câu lạc bộ Văn hóa văn nghệ của chúng tôi đã thực hiện được nhiều bức tranh ký họa về phong cảnh cũng như mọi sinh hoạt của nhiều buôn làng ở Krông Búk.

Lâu ngày, không có chuyến đi xa thì ít nhất mỗi cuối tuần, anh Chính cũng rủ tôi vào buôn gần nhất để ký họa. Mỗi lần như vậy, đồng bào rất thích thú vây quanh trò chuyện vui vẻ, đặc biệt là khi một ai đó được tặng tranh vẽ chân dung thì họ vô cùng nâng niu, quý giá như vừa nhận được một phép lạ nhiệm màu.

Trong những bức ký họa anh Chính vẽ, tôi yêu thích nhất lúc đó có chân dung một thiếu nữ thể hiện một khuôn mặt đẹp hoang dã, sâu lắng mà tươi vui, phía sau thấp thoáng một chiếc gùi như cô ấy vừa đi làm rẫy về.

Chúng tôi chỉ đón hai mùa xuân tại quê hương núi rừng Krông Búk. Đầu năm 1979, theo sự điều động của cấp trên, từng bộ phận đơn vị của chúng tôi lần lượt kẻ trước người sau được thuyên chuyển ra tiền tuyến, làm nhiệm vụ quốc tế nên không thể biết việc chuyển dời doanh trại của đơn vị trong những ngày cuối cùng khỏi miền đất này ra sao…

Thoắt mới đó mà đã hơn bốn thập niên trôi qua, những chàng trai trẻ bộ đội F2 năm xưa kẻ mất người còn, mỗi người mỗi nơi. Krông Búk xưa nay đã nhiều thay đổi, có nơi đã trở thành phố thị. Những gương mặt cười vui trong các bức ký họa ngày nào của anh Mai Ngọc Chính chắc không thể nào còn tìm gặp. Dù sao, tôi vẫn mong mỏi có một ngày nào đó được cùng những đồng đội năm xưa trở về thăm lại Krông Búk - miền đất mang đậm dấu ấn thời trai trẻ…

Trần Trung Sáng


Ý kiến bạn đọc