Multimedia Đọc Báo in

Một thời làm công tác tuyên truyền trong lòng địch

08:53, 19/08/2024

Khó khăn, gian khổ, thiếu thốn trăm bề, có khi sống chết chỉ cách nhau trong gang tấc nhưng với lòng yêu nước, nhiệt huyết của tuổi trẻ, những người làm công tác tuyên truyền, vận động trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ trên địa bàn tỉnh luôn nêu cao bản lĩnh của người chiến sĩ cách mạng trên mặt trận tư tưởng.

Mềm mỏng, linh hoạt

Sau thời gian học ở Trường Tuyên giáo Trung ương, cuối năm 1964, đồng chí Châu Khắc Chương, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy được lệnh tập trung vào Nam. Cả đoàn 7 người đã băng rừng, lội suối, đi đường Trường Sơn suốt 4 tháng với bao gian khổ, hiểm nguy. Vào đến Đắk Lắk, đồng chí được phân công công tác tại Ban Tuyên - Văn - Giáo - Huấn tỉnh và dạy ở Trường Đảng. Cuối năm 1965, địch đánh phá dữ dội căn cứ của ta ở cánh Bắc, các cơ quan đầu não của tỉnh chuyển vào cánh Nam (khu căn cứ H9, huyện Krông Bông hiện nay).

Đồng chí Châu Khắc Chương, nguyên Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy.

Thời điểm ấy, khu căn cứ H9 chủ yếu là rừng núi, cọp beo nhiều, vừa thiếu thuốc men, lương thực, thực phẩm lại phải đối mặt với bệnh sốt rét và những trận càn quét của địch nhưng nhờ tinh thần yêu nước, quyết tâm đánh giặc và được đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ đùm bọc, che chở nên đã vượt qua mọi khó khăn, thử thách. Là Phó Ban Thường trực Ban Tuyên - Văn - Giáo - Huấn tỉnh, đồng chí Chương chỉ đạo và trực tiếp thực hiện nhiệm vụ viết tài liệu tuyên truyền, đồng thời phụ trách Báo Đắk Lắk Giải Phóng. Hoạt động trong điều kiện vô cùng khó khăn, thiếu thốn nên khoảng 3 tháng mới xuất bản được một số báo.

Công tác tuyên truyền lúc bấy giờ tập trung vào bốn vùng gồm: vùng căn cứ, vùng mới giải phóng, vùng tranh chấp và vùng tạm chiếm. Đồng chí Chương chia sẻ: “Hoạt động ngay trong lòng địch với nhiều khó khăn nên công tác thông tin, tuyên truyền phải thật mềm mỏng, linh hoạt. Ban ngày địch tuần tra, kiểm soát gắt gao thì cán bộ của Ban, đội công tác chuyển sang hoạt động ban đêm, bảo đảm thư kêu gọi, truyền đơn, băng rôn, khẩu hiệu đến được với người dân và cả lính ngụy. Các nội dung tuyên truyền được viết ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, vạch rõ âm mưu, thủ đoạn của kẻ địch, hun đúc lòng yêu nước, quyết tâm đánh giặc và thực hiện tăng gia sản xuất, học chữ, ăn sạch, ở sạch”.

Sau giải phóng năm 1975, ta tiếp quản được Xí nghiệp in, có máy móc phục vụ việc in ấn. Từ năm 1976 - 1996, đồng chí Chương làm Phó Hiệu trưởng, Hiệu trưởng Trường Đảng, Trưởng Ti Văn hóa - Thông tin, Trưởng Ban Tuyên huấn Tỉnh ủy. Nhiệm vụ công tác tuyên huấn sau giải phóng chủ yếu tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân ổn định cuộc sống, tăng gia sản xuất, xây dựng buôn làng, cùng chống lại cái đói, đau ốm, bệnh tật, mù chữ; kêu gọi những người từng lầm đường lạc lối trở về. Các cán bộ của Ban viết bài, soạn tài liệu, phát cho cán bộ cơ sở tuyên truyền nhân dân tại địa phương; làm các pa nô, khẩu hiệu treo ở cổng chào, trục đường chính... tạo khí thế thi đua sôi nổi.

Hơn 40 năm gắn bó với công tác tuyên giáo, đồng chí Chương khẳng định, cán bộ làm công tác làm tuyên truyền, vận động phải đọc nhiều, đi nhiều, biết tu dưỡng bản thân, biết cách nói sao cho nhân dân hiểu rõ chủ trương, chính sách của Trung ương, của địa phương. Điều này có nghĩa là cần chọn lọc vấn đề cốt lõi, phù hợp với từng đối tượng để nói.

Vận dụng nhiều phương thức tuyên truyền

Tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội năm 1962, chàng trai quê gốc Bình Định Hà Ngọc Đào, nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Đắk Lắk, hiện là Chủ tịch Hội Khuyến học tỉnh được phân công giảng dạy tại Trường Cấp III Nông Cống (Thanh Hóa) 2 năm và vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi tròn 23 tuổi. Theo nhiệm vụ được phân công, sau gần 4 tháng huấn luyện tại Hà Nội, thầy Đào cùng 8 cán bộ, giáo viên vượt Trường Sơn chi viện cho Đắk Lắk và vào công tác tại Ban Tuyên - Văn - Giáo - Huấn tỉnh Đắk Lắk từ năm 1965.

Nguyên Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Ngọc Đào.

Vào vùng đất mới, khó khăn, thử thách, thiếu thốn trăm bề nên mặc dù đã được phân công phụ trách giáo dục nhưng lúc bấy giờ, cán bộ, nhân viên của Ban đều phải thực hiện ba nhiệm vụ chính gồm: lao động sản xuất, chống càn - bảo vệ cơ quan và làm công tác chuyên môn. Dù nhiệm vụ nào thì công tác tuyên truyền, vận động luôn được đặt lên hàng đầu. Vừa thiếu ăn, bệnh tật, vừa phải chống chọi với những đợt địch tấn công, sống chết cận kề trong gang tấc nhưng mỗi cán bộ, nhân viên của Ban đều kiên cường bám trụ.

Thầy Hà Ngọc Đào nhớ lại: “Khi địch đánh phá dữ dội vào căn cứ của tỉnh tại cánh Bắc buộc ta phải chuyển các cơ quan đầu não về vùng Krông Bông. Sống giữa buôn làng, mỗi cán bộ, nhân viên của Ban luôn khắc ghi: công tác tuyên truyền hoàn thành tốt thì đã thắng lợi 50%, phải nói thế nào cho ngắn gọn, dễ hiểu, cho đồng bào tin tưởng tuyệt đối vào Đảng, vào Bác Hồ, vào thắng lợi”. Để nói cho bà con nghe, hiểu, nhiều cán bộ đã học thêm tiếng Êđê, M’nông, đồng thời, phát huy vai trò của cán bộ người dân tộc thiểu số. Thời điểm đó, tỉnh chủ trương chia rừng thành từng khu vực, phân công các ban của tỉnh phụ trách, làm nhiệm vụ sản xuất, chống càn, tuyên truyền, vận động nhân dân. Thực hiện nhiệm vụ xóa mù chữ cho đồng bào, thầy Đào đã cùng các cán bộ chỉ đạo, hướng dẫn thành lập Ban Giáo dục ở các huyện nhằm tuyên truyền, tập hợp người dân, trẻ em ở các vùng tham gia học chữ.

Năm 1973, tỉnh chủ trương mở trường sơ cấp sư phạm ở huyện Krông Bông. Những lớp “sư phạm 0 +” được tổ chức nhằm đào tạo cán bộ người dân tộc thiểu số chưa biết chữ trở thành giáo viên dạy chữ cho bà con, trẻ em trong buôn làng. Các trường bổ túc văn hóa tỉnh, trường nội trú ở Krông Bông cũng được thành lập, vừa bổ túc văn hóa, vừa nuôi dạy con em của cán bộ người dân tộc thiểu số đã hy sinh. Thầy Đào vừa chỉ đạo biên soạn tài liệu, giáo trình, vừa phối hợp với cán bộ, nhân viên trong Ban tuyên truyền, vận động người dân đi học. “Thời ấy cái gì cũng thiếu nên anh em trong Ban tận dụng mọi phương tiện, vật dụng để làm các pa nô, tờ phướn, khẩu hiệu, truyền đơn nhưng quan trọng nhất vẫn là công tác tuyên truyền miệng. Tùy thời điểm, tùy đối tượng cần tuyên truyền phải có cách nói khác nhau sao cho người nghe dễ nhớ, dễ hiểu và làm theo” - thầy Đào chia sẻ.

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc