Multimedia Đọc Báo in

Chuyện người dân Xuân Khao tái định cư ở vùng biên Đắk Lắk

08:36, 16/09/2024

Cách đây 20 năm, thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng công trình trọng điểm quốc gia hồ Cửa Đạt (thuộc huyện Thường Xuân, tỉnh Thanh Hóa), hơn 2.000 hộ dân phải di dời, tái định cư.

Trong đó, 357 hộ dân với 1.861 nhân khẩu (chủ yếu là dân tộc Thái) ở xã Xuân Khao, huyện Thường Xuân đã đến lập nghiệp tại vùng kinh tế mới xã biên giới Ia Lốp, huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk thuộc dự án kinh tế quốc phòng Binh đoàn 16 (Bộ Quốc phòng).

Gian nan những ngày đầu

Ông Hà Văn Thanh, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Xuân Khao (huyện Thường Xuân) cho biết: Từ ngày 2/7 - 2/8/2004, 357 hộ với 1861 nhân khẩu của xã Xuân Khao đã chuyển vào xã Ia Lốp, huyện Ea Súp lập nghiệp.

Hầu hết bộ máy chính trị của xã Xuân Khao lúc bấy giờ gồm Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam xã và các đoàn thể quần chúng đều di dời vào quê hương mới, kể cả tên gọi của 6 thôn gồm thôn Đừng, thôn Nhạp, thôn Chiềng, thôn Lầu Nàng, thôn Đai Thôn và thôn Đóng cũng được giữ nguyên ở nơi tái định cư.

Khi đến ở quê hương mới, do chưa thành lập chính quyền nên thời điểm đầu, cán bộ và nhân dân theo hình thức tự quản, mãi đến tháng 7/2006, xã Ia Lốp (huyện Ea Súp) mới được thành lập.

Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Ea H'leo hướng dẫn kỹ thuật trồng lúa nước cho người dân Xuân Khao. Ảnh: N. Lân

Ngày vào lập nghiệp ở Ia Lốp, anh Ngân Văn Thành (Bí thư Đoàn xã Ia Lốp) còn là cậu học sinh lớp 9. Anh còn nhớ, gia đình anh và hàng nghìn người dân Xuân Khao khi ấy đối mặt với rất nhiều khó khăn khi quê mới chưa có điện, nước sinh hoạt thiếu thốn, giao thông cách trở. Đêm biên cương tối om, hoang vắng, chỉ có ánh đèn dầu le lói càng khiến nỗi buồn thêm dài.

Cuộc sống mới trên quê hương mới

 

Sau 20 năm, người dân Xuân Khao từ 357 hộ với 1.861 nhân khẩu ban đầu, đến nay đã tăng lên 622 hộ và 2.442 khẩu, đời sống ngày càng được nâng lên. Tính đến năm 2024, đã có thêm 139 căn nhà mới được xây dựng, có trên 350 học sinh là con em của người Xuân Khao đang theo học tại các bậc học trong và ngoài tỉnh, trong đó có trên 95 em tốt nghiệp đại học, cao đẳng.

Để nhân dân sớm ổn định cuộc sống, Nhà nước đã hỗ trợ nhà ở, 1 ha đất sản xuất cho mỗi hộ dân. Đặc biệt, trong hai năm đầu, từ tháng 8/2004 - 8/2006, huyện Thường Xuân đã hỗ trợ thêm mỗi người dân Xuân Khao 40.000 đồng/tháng. Ngoài ra, Trung đoàn 725 và Trung đoàn 736 thuộc Binh đoàn 16 hỗ trợ bà con nhận giao khoán chăm sóc vườn điều để người dân có thêm nguồn thu nhập, từng bước ổn định cuộc sống.

Sau khi thành lập xã Ia Lốp, ông Hà Văn Thanh tiếp tục được bầu làm Bí thư Đảng ủy xã và bộ máy cấp ủy, chính quyền địa phương được kiện toàn.

Từ đây, nhiều chủ trương, chính sách an sinh xã hội được Đảng, Nhà nước quan tâm triển khai như cấp thêm mỗi hộ dân 1 ha đất sản xuất đã giúp bà con có thêm điều kiện để phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Những năm gần đây, nhiều chương trình, dự án quan trọng được triển khai trên địa bàn như chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, chương trình 1719... đã mang đến nhiều điều kiện thuận lợi cho người dân vùng biên giới này.

Đặc biệt, hệ thống kênh mương từ hồ chứa nước xã Ia Mơ, huyện Chư Prông (tỉnh Gia Lai) đưa nước về xã Ia Lốp đã góp phần cung cấp nước cho khoảng 4.000 ha đất sản xuất nông nghiệp, giúp người dân có thể trồng lúa nước hai vụ mỗi năm, năng suất lúa đạt từ 7 - 8 tấn/ha, thu nhập từ đó cũng được tăng lên, đời sống ngày một khấm khá hơn.

Cùng với kênh mương, hệ thống giao thông nông thôn cũng đã và đang được quan tâm đầu tư xây dựng. Nhiều tuyến đường trên địa bàn Ia Lốp đã được bê tông hóa. Đặc biệt, tuyến đường từ xã Ia Lốp đi xã Ia Jlơi đang được thi công, dự kiến hoàn thành vào năm 2026, góp phần tạo điều thuận lợi giao thương, đi lại cho bà con nhân dân.

Các đơn vị quân đội như Bộ đội Biên phòng Đắk Lắk, Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737 cũng thực hiện nhiều mô hình, chương trình hiệu quả để đồng hành, tháo gỡ khó khăn cho người dân. Điển hình như chương trình “Xuân Biên phòng, ấm lòng dân bản”, “Nâng bước em tới trường”, “Con nuôi đồn biên phòng”, xây dựng nhà ở cho gia đình chính sách, xây dựng công trình trạm quân dân y và nhiều công trình ý nghĩa khác. Các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội, tặng vật nuôi, cây giống… của Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 737, Quân khu 5 đã từng bước giúp nhân dân trên địa bàn xã có thêm sinh kế.

Đồng bào dân tộc Thái vẫn giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống trên quê hương Ia Lốp. Ảnh: Q. Anh

Được tiếp thêm nguồn lực, bộ mặt nông thôn Ia Lốp đã và đang được đổi mới. Những ngôi nhà tạm bợ đã được thay mới bằng những căn nhà khang trang. Trên mảnh đất từng bạt ngàn hoang vu, nay được khoác màu xanh tươi của các loại cây trồng. Tiếng máy cày, máy kéo vào mùa luôn hứa hẹn những vụ mùa năng suất, nhiều niềm vui mới. Những nét đẹp văn hóa truyền thống của người Thái Xuân Khao như cồng chiêng, khua luống, nhảy sạp, ném còn… vẫn tiếp tục được gìn giữ và tiếp nối từ thế hệ này sang thế hệ khác trên quê hương mới.

Ông Lang Văn Sơn, Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Ia Lốp khẳng định: “Sau 20 năm di dân, tái định cư trên quê hương mới, từ các nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước và sự nỗ lực chịu thương chịu khó thì nhiều hộ gia đình Xuân Khao xưa đã thoát nghèo và làm giàu nơi đây. Đặc biệt, trong công tác tham mưu và tham gia xây dựng, củng cố hệ thống chính trị cơ sở, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, đã có 40 lượt cán bộ là người dân Xuân Khao được cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân tín nhiệm, giới thiệu đảm nhận nhiều chức vụ quan trọng tại địa phương. Bà con Xuân Khao đã đoàn kết cùng với đồng bào các dân tộc ở khu vực biên giới bám trụ, đồng hành với bộ đội biên phòng trong bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới của Tổ quốc…”.

Ngọc Lân - Quỳnh Anh


Ý kiến bạn đọc