Multimedia Đọc Báo in

Nhớ những ngày chuẩn bị giải phóng Buôn Ma Thuột

08:29, 09/09/2024

Sau Hiệp định Paris (tháng 1/1973), Mỹ - ngụy ra sức phá hoại hiệp định, xua quân đi lấn chiếm các vùng giải phóng của ta.

Ta, một mặt kiên quyết chiến đấu chống địch lấn chiếm, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng, ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân, trong đó có việc xây dựng kết cấu hạ tầng như giao thông, thủy lợi...

Trên “đường mòn” Hồ Chí Minh, ta đã có thêm đường ô tô phía đông Trường Sơn (trước đó chỉ có phía tây). Theo đó, lần đầu tiên Đắk Lắk mở đường để ô tô có thể chạy được từ H5 (phía tây bắc huyện Cư M’gar) xuống qua đường 14, tới H4 (huyện Krông Năng), vượt đường 21 (Quốc lộ 26 hiện nay) vào tới căn cứ H9 (Krông Bông) và tiếp tới căn cứ tỉnh Khánh Hòa.

Khoảng cuối tháng 9/1974, tôi lúc đó là Ủy viên thường trực Ban Sản xuất, được lãnh đạo Tỉnh ủy cử tham gia đoàn đi dự cuộc họp bàn về công tác kinh tài do Khu ủy Khu V triệu tập.

Đoàn gồm 3 thành viên, ngoài tôi còn có Ama Đức (Nguyễn Đức Nhuần), cán bộ lãnh đạo ngành kinh tài tỉnh và Văn Đức Ninh, Trưởng Tiểu ban Tài chính thuộc Ban Kinh tài. So với những lần trước đây, lần này đi đường tôi cảm thấy phấn khởi và an toàn hơn nhiều, vì đã có Hiệp định Paris, vùng giải phóng thênh thang, địch đã bị đẩy lùi xa, phi pháo cũng giảm hẳn.

Qua các đoạn đường ở Gia Lai, nghe dồn dập các tin chiến thắng và giải phóng ở Minh Long, Ba Tơ, Giá Vụt (Quảng Ngãi), Thượng Đức (Quảng Đà)... càng nức lòng. Tới ngầm sông Rin (một nhánh thượng lưu sông Trà Khúc) lại có xe ô tô đón. Sau gần 6 năm chuyên đi bộ, lội suối trèo đèo, đường xa mang nặng, nay lại mới được ngồi trên xe, dù chỉ là loại xe tải Zin 3 cầu chạy ì ạch, lắc lư bởi đường rừng xấu và dốc, nhưng vẫn thấy vô cùng hạnh phúc và cảm thấy như thắng lợi đã tới gần.

Cơ quan Khu ủy không còn trong rừng sâu như trước, đã chuyển xuống phía đông Phước Sơn, nơi có những ngọn đồi lúp xúp và tương đối quang đãng. Nhà làm việc và nhà ở tuy vẫn là tre lá và “nửa chìm nửa nổi” nhưng đã có kiểu dáng đẹp và khang trang hơn.

Bộ đội hành quân diệt địch trong chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu TTXVN

Hội nghị được tiến hành vào khoảng giữa tháng 10/1974, nội dung là quán triệt và bàn việc triển khai thực hiện một nghị quyết của Trung ương mới ban hành về công tác kinh tế - tài chính. Nghị quyết có nhiều nội dung quan trọng, trong đó có một cụm từ mà tôi mới được nghe lần đầu, gây sự chú ý là “xóa bỏ bao cấp” (trước đó, kể cả lúc còn ở miền Bắc cũng chưa bao giờ được nghe nói tới). Chủ trì hội nghị là hai đồng chí Ủy viên Thường vụ Khu ủy: Chín Liêm (Bùi San) và Tám Tử (Nguyễn Xuân Lâm). Trong 5 ngày họp, hầu như ngày nào các đồng chí ấy cũng ghé qua nơi ở của đoàn Đắk Lắk, vừa thăm hỏi tình hình, vừa động viên và truyền cho chúng tôi một tình cảm thật nồng ấm. Điều đó làm cho chúng tôi phấn khởi, cảm động nhưng cũng linh cảm như có cái gì đó hơi “khác thường”.

Quả nhiên, khi tuyên bố kết thúc hội nghị và nói lời tạm biệt các đại biểu, đồng chí chủ trì mới nhắc: Riêng các đồng chí Đắk Lắk ở lại thêm mấy ngày nữa để nghe phổ biến và bàn một số việc cần!

Chúng tôi rất hồi hộp, vừa mừng vừa lo, không biết có chuyện gì mà quan trọng vậy? Và, chuyện lớn thế thì “thành phần” như chúng tôi liệu có đủ “tầm” và khả năng tham gia bàn bạc, giải quyết không? Bao nhiều băn khoăn, thắc thỏm, đêm ấy không ai ngủ được, chỉ trông trời mau sáng...

Hôm sau, các đồng chí Chín Liêm và Tám Tú lại đích thân đến chỗ chúng tôi ở, cùng đi có mấy cán bộ, chuyên viên của Khu ủy. Với vẻ cẩn trọng và có phần “bí mật”, các đồng chí nêu vấn đề trao đổi và giao cho chúng tôi một số việc “phải làm ngay”. Đại ý là, sắp tới đây, vào mùa khô 1975 ta sẽ đánh mạnh và giải phóng nhiều vùng đất bằng ở Tây Nguyên. Ta cũng sẽ đánh vào một số đô thị và đưa dân ra vùng giải phóng, trong số đó thị xã Buôn Ma Thuột có 10 vạn dân sẽ được đưa ra vùng ta. Các đồng chí hãy tính toán và lập phương án giải quyết đời sống cho số đồng bào này, nhất là bảo đảm về lương thực.

Chao ôi, một con số, một công việc quá sức tưởng tượng mà mới nghe chúng tôi tưởng là mình nhầm, sau phải hỏi lại cho rõ và được giải thích đầy đủ hơn. Cần nêu vài con số để so sánh: Ở thời điểm đó, đồng bào vùng căn cứ của cả tỉnh ta chưa đến 1 vạn người, cộng với lực lượng vũ trang địa phương và cán bộ, nhân viên hệ “dân chính” khoảng 3 nghìn người nữa nên mọi phương án, kế hoạch sản xuất và đời sống cho quân và dân “vùng ta” của các cơ quan tỉnh như: sản xuất, lương thực, thương nghiệp, tài chính, y tế, giáo dục... lúc đó cũng chỉ “cân đối” cho số người nói trên mà thôi.

Bây giờ phải tính thế nào để có những “chỉ tiêu” và biện pháp khả thi cho một phương án có quy mô gấp 10 lần cái đã có, lại trong hoàn cảnh vẫn còn chiến tranh, bom đạn và địch chống phá quyết liệt, là điều chúng tôi chưa hề nghĩ tới.

Tuy nhiên, được tham gia vào một việc trọng đại như vậy, lại biết được triển vọng sáng sủa sắp tới, đã thôi thúc chúng tôi phải động não, cố gắng mà làm. Chúng tôi phân công nhau: đồng chí Ama Đức chỉ đạo chung và tổng hợp phương án; đồng chí Ninh lên kế hoạch về tài chính và các nhu yếu phẩm phục vụ đời sống; tôi thì lập kế hoạch về sản xuất và giải quyết lương thực tại chỗ.

Đoàn xe vận tải 238 vận chuyển hàng hóa cho chiến dịch Tây Nguyên. Ảnh tư liệu TTXVN

Bằng sự hiểu biết của mình sau hơn 5 năm tiếp cận và chỉ đạo nông nghiệp ở các khu vực chủ yếu của vùng căn cứ và vùng giải phóng, có tính đến các yếu tố “thiên thời”, “địa lợi”..., tôi lựa chọn, đề xuất và lên phương án đưa dân ra sinh sống và sản xuất ở vùng H4 (huyện Krông Năng hiện nay). Ở đó có các yếu tố tương đối thuận: đất rộng, người thưa, có rẫy bằng và ruộng nước (có sông suối để làm thủy lợi); là vị trí trung độ, giáp với nhiều vùng căn cứ của ta nên tiện chỉ đạo và cung ứng các loại giống như ngô, sắn, lại có đường ô tô ta mới mở đi qua, có thể nhận được các nguồn chi viện. Đề xuất của tôi về địa điểm được chấp nhận, trên cơ sở đó tôi đã lập một phương án về “giải quyết lương thực tại chỗ” cho 10 vạn người.

Sau hơn một tuần lễ làm việc căng thẳng, một bản kế hoạch chung về vấn đề nói trên đã được tổng hợp và đồng chí Ama Đức đã trực tiếp báo cáo, “nộp bài” cho lãnh đạo Khu V.

Chúng tôi ở lại cơ quan Khu V tuy chỉ một thời gian ngắn nhưng đã cảm nhận được tình hình đang chuyển biến từng ngày. Một số cán bộ công tác ở các cơ quan Công đoàn, Thương nghiệp, Giao vận... đã đến thăm chúng tôi với một sự hồ hởi và nói rằng sắp tới sẽ đi Tây Nguyên, vào Đắk Lắk để phục vụ chiến dịch. Trước khi ra về, chúng tôi còn được thông báo đến Trạm vật tư cơ khí của Khu để làm thủ tục nhận hơn một chục chiếc máy nông nghiệp như DT75, MTZ 50, máy cày tay 12 mã lực và 2 chiếc ô tô Zin 157 của Khu cấp cho Đắk Lắk để sử dụng vào các nhiệm vụ sắp tới.

Chuyến trở về được đi bằng ô tô trên đường tây Trường Sơn, cùng với một số cán bộ Khu V tăng cường cho Đắk Lắk; được gặp đồng chí Năm Vinh (Võ Trung Thành), Khu ủy viên và đoàn cán bộ đi chỉ đạo chiến dịch trên những chiếc xe Uaz còn bóng nước sơn mà đã lâu lắm tôi mới lại nhìn thấy. Và cứ thế, càng đi càng thấy không khí ra trận vô cùng náo nức: hết đoàn này đến đoàn khác, nào xe chở quân, nào xe chở hàng, có lúc gặp cả xe tăng, xe bọc thép rầm rập tiến vào hướng Nam. Mỗi khi có xe vượt và gặp nhau, bộ đội trên các xe đều tươi cười, giơ tay vẫy chào nhau và nói rất to, át cả tiếng rú ga của các loại xe, máy: “Hẹn gặp ở Đắk Đam nhé!”. Đắk Đam chính là nơi đại quân ta tập kết để chuẩn bị đánh Đức Lập, đánh xuống Buôn Ma Thuột, đánh vào Quảng Đức và tiến xa hơn nữa.

Rồi, như chúng ta đã biết, trận thắng Buôn Ma Thuột không chỉ giải phóng 10 vạn dân, mà toàn bộ đất đai, con người và cơ sở vật chất ở đó. Cũng không chỉ Buôn Ma Thuột, chúng ta đã có cả tỉnh Đắk Lắk, cả miền Nam…

Nguyễn An Vinh

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk


Ý kiến bạn đọc