Vị thế và khát vọng trên hành trình 120 năm
Không chỉ là vùng đất khắc ghi nhiều dấu ấn trong lịch sử hào hùng của dân tộc, Đắk Lắk còn là nơi hội tụ giá trị văn hóa đặc sắc của 49 dân tộc anh em.
Trên hành trình thế kỷ, với vị thế chiến lược, kế thừa những tinh hoa, giá trị văn hóa, truyền thống và dựa trên điều kiện tự nhiên thuận lợi, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Đắk Lắk tiếp tục nỗ lực, quyết tâm xây dựng địa phương ngày càng giàu mạnh, văn minh, bản sắc.
Vùng đất anh hùng, bất khuất
Nếu như Tây Nguyên là địa bàn chiến lược về an ninh - quốc phòng và kinh tế của đất nước, thì Đắk Lắk là địa bàn “chiến lược của chiến lược” - vị thế được khẳng định trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển.
Đại tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công An và Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung tham dự Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc tại xã Ea Ktur (Cư Kuin). Ảnh: Lê Thành |
Trong công cuộc chinh phục tự nhiên, xây dựng cuộc sống cũng như chống giặc ngoại xâm, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk đã chiến đấu dũng cảm, kiên cường, ghi bao chiến công oanh liệt, góp phần hun đúc nên những truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam, đó là lao động cần cù, sáng tạo trong dựng nước và anh dũng, kiên cường, bất khuất trong đấu tranh giữ nước.
Theo lịch sử Đảng bộ tỉnh, từ những năm 30, 40 của thế kỷ XX, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk với lòng yêu nước nồng nàn, đã vùng dậy đấu tranh chống thực dân, phát xít. Chi bộ Cộng sản tại Nhà đày Buôn Ma Thuột ra đời vào cuối năm 1940 (sau này, ngày 14/5/2019 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Quyết định 1502-QĐ/TU, lấy ngày 23/11/1940 là ngày kỷ niệm thành lập Đảng bộ tỉnh Đắk Lắk) là bước ngoặt quan trọng, đánh dấu sự phát triển của phong trào cách mạng của tỉnh Đắk Lắk, lãnh đạo nhân dân đứng lên đấu tranh góp phần cùng toàn dân tộc chớp thời cơ nghìn năm có một, tiến hành Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, giành lại độc lập, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa - nhà nước dân chủ nhân dân đầu tiên ở Đông Nam Á.
Các dân tộc Đắk Lắk luôn đoàn kết giữ gìn bản sắc văn hóa, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh. Ảnh: Hoàng Gia |
Sau khi tiến hành xây dựng chính quyền cách mạng, Đảng bộ tỉnh đã lãnh đạo nhân dân các dân tộc trong tỉnh cùng quân dân cả nước đánh đuổi thực dân Pháp xâm lược (1945 - 1954). Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đắk Lắk là một trọng điểm kìm kẹp, đánh phá của kẻ thù, phải chịu bao mất mát, đau thương. Phát huy tinh thần kiên cường, anh dũng, vượt qua khó khăn, gian khổ, nhân dân các dân tộc Đắk Lắk đã từng bước làm thất bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ - ngụy.
Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975 được mở đầu bằng chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975. Đây là một trong những chiến thắng oanh liệt của quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, góp phần vào thắng lợi chung của dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đất nước hòa bình, thống nhất, toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh nhanh chóng bắt tay vào xây dựng cuộc sống mới; tiến hành công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh, văn minh, vững bước đi lên theo con đường chủ nghĩa xã hội mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn.
Hòa chung nhịp đập với non sông gấm vóc Việt Nam
Kế thừa truyền thống quý báu từ lịch sử, tỉnh Đắk Lắk từng bước vươn mình phát triển bền vững. Khát vọng xây dựng tỉnh Đắk Lắk trở thành trung tâm vùng Tây Nguyên đang được Đảng bộ, chính quyền nơi đây từng bước hiện thực hóa bằng việc khơi thông nguồn lực sẵn có, phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
“Đảng bộ, chính quyền quyết tâm xây dựng tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, “cơ bản trở thành trung tâm vùng, là tỉnh phát triển kinh tế, xã hội nhanh và bền vững khu vực Tây Nguyên, theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa”; đến năm 2045, phát triển tỉnh thành “trung tâm của vùng Tây Nguyên trên tất cả các lĩnh vực. Bảo đảm đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần của nhân dân đạt mức khá của cả nước” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội đại biểu Ðảng bộ tỉnh Đắk Lắk lần thứ XVII (nhiệm kỳ 2020 - 2025) đề ra”. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung. |
Nhìn lại chặng đường lịch sử 120 năm hình thành và phát triển, gần 50 năm giải phóng, Đắk Lắk đã có những bước phát triển vượt bậc. Kinh tế của tỉnh duy trì tốc độ tăng trưởng cao (giai đoạn 2011 - 2015 đạt 8%/năm; giai đoạn 2016 - 2020 đạt 8,75%/năm; giai đoạn 2021 - 2023 đạt 7,07%/năm). Tỉnh đã thu hút được một số dự án năng lượng tái tạo có quy mô lớn của đất nước.
Cơ cấu các ngành kinh tế có sự dịch chuyển tích cực; kết cấu hạ tầng từng bước đồng bộ; môi trường chính trị và xã hội được duy trì ổn định; các chính sách xã hội được quan tâm thực hiện hiệu quả; công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng được giữ vững; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ổn định.
Thành phố Buôn Ma Thuột được đầu tư phát triển xứng tầm đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên. Ảnh: Hoàng Gia |
Trên hành trình 120 năm xây dựng và phát triển, Đắk Lắk đang từng bước hiện thực khát vọng trở thành trung tâm, động lực phát triển vùng Tây Nguyên. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đình Trung tin tưởng, với bề dày truyền thống hào hùng của lịch sử 120 năm, với sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng vị thế, tiềm năng sẵn có, toàn Đảng bộ, chính quyền, quân và dân các dân tộc tỉnh Đắk Lắk sẽ tiếp tục vun đắp truyền thống cách mạng hào hùng và lòng yêu nước; trân trọng và gìn giữ những thành quả mà các thế hệ cha ông đã dày công vun đắp; đoàn kết, chung sức đồng lòng, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức, quyết tâm xây dựng tỉnh Đắk Lắk phát triển nhanh, bền vững, ngày càng giàu đẹp, văn minh, bản sắc; góp phần tạo nền tảng vững chắc cùng với cả nước bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc