Multimedia Đọc Báo in

Mong chờ Lễ hội Cà phê

23:30, 10/03/2023

Sau gần ba năm tạm dừng do dịch bệnh COVID-19, ngày 10/3 Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023 với quy mô được đánh giá lớn nhất từ trước đến nay đã chính thức khai mạc trong sự háo hức mong chờ cùng với đó là những kỳ vọng về tăng năng suất, chất lượng, sản xuất ra những sản phẩm an toàn, hướng tới tiêu thụ lớn...

*Anh Y Hân Byă (xã Cư M’gar, huyện Cư M’gar):

Mong giá cà phê sẽ tăng và ổn định

Dù bận việc đồng áng nhưng tôi vẫn thu xếp công việc để tham dự Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 năm 2023. Dịp lễ hội như vậy, tôi tiếp cận được nhiều thông tin bổ ích, thiết thực.

Địa điểm đầu tiên tôi đến là Hội chợ Triển lãm chuyên ngành cà phê. Đây là cơ hội hiếm có để tôi được gặp gỡ trực tiếp nhà sản xuất, tư vấn, chuyên gia nông nghiệp để tìm hiểu rõ hơn về các loại máy móc, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp của mình. Nhiều vấn đề trăn trở trong quá trình chăm sóc cà phê xưa nay chưa biết hỏi ai thì nay tôi đã phần nào được giải đáp.

Anh
Anh Y Hân Byă tham quan Hội chợ triển lãm chuyên ngành cà phê.

Người trồng cà phê thời điểm này đang phấn khởi vì được giá, nhưng vẫn chưa hết nỗi lo. Đó là giá vật nông nghiệp, phân bón, nhiên liệu để tưới cho cây trồng tăng dẫn đến chi phí sản xuất nông nghiệp tăng cao. Điều này khiến nông dân đang gặp khó khăn chồng chất... Do đó, tôi mong mỏi sau lễ hội sẽ có được mức giá tốt để bảo đảm đời sống cho người trồng cà phê. Các cấp, ngành sớm có giải pháp hiệu quả bình ổn thị trường để nông dân yên tâm sản xuất. 

*Anh Y Pốt Niê, Giám đốc Công ty TNHH Êđê cà phê (TP. Buôn Ma Thuột):

Cơ hội kết nối, quảng bá đẩy mạnh xuất khẩu cà phê

Vượt qua những khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Công ty TNHH Êđê Cà phê vẫn có được những kết quả đáng khích lệ khi ký được 4 hợp đồng xuất khẩu lớn với hơn 40 tấn cà phê Robusta. Cùng với đó, công ty đã tạo ra 3 sản phẩm mới là cà phê hòa tan vị khoai môn, vị sầu riêng và cà phê hòa tan 3 trong 1.

Anh Y Pốt Niê.

Từ việc thích ứng linh hoạt trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trong năm qua doanh thu của Công ty đạt hơn nửa tỷ đồng, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động, với mức thu nhập ổn định 5-7 triệu đồng/tháng, đóng góp cho ngân sách nhà nước và các hoạt động an sinh xã hội gần 100 triệu đồng.

Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần thứ 8 thu hút rất nhiều khách du lịch và doanh nghiệp nước ngoài đến với TP. Buôn Ma Thuột nhằm tìm kiếm nguồn nguyên liệu cà phê, đây là cơ hội để những người trồng, sản xuất, kinh doanh cà phê tăng cường quảng bá các sản phẩm cà phê đặc thù của địa phương đến với khắp thế giới.

*Ông Nguyễn Văn Lân (xã Cư Klông, huyện Krông Năng):  

Gia tăng giá trị hạt cà phê 

Hơn 40 năm trồng cà phê nhưng vườn cây hơn 8 ha của tôi cho sản lượng, giá trị không như mong đợi. Để tăng giá trị gia tăng của hạt cà phê, rõ ràng phải để nông dân tham gia vào khâu chế biến sâu và xuất khẩu, chỉ khi cà phê xuất khẩu thì giá trị mới tăng lên nhiều. Việc này đòi hỏi yêu cầu khắt khe về quy trình canh tác, chất lượng, mẫu mã sản phẩm. Nhưng nếu có được mức giá tốt hơn thì sẽ kích thích nhiều nông dân chịu khó đầu tư làm nông nghiệp an toàn, có kỹ thuật, khuyến khích được họ tiếp cận với phương thức canh tác mới mang lại hiệu quả cao hơn, biết sản xuất nông nghiệp vì sức khỏe người tiêu dùng.

Ông
Ông Nguyễn Văn Lân.

Do đó, thay đổi phương thức sản xuất, đây là việc nhất định phải làm. Bên cạnh nỗ lực tự thân của mỗi nông dân trong việc học hỏi để thay đổi phương thức canh tác phù hợp, tôi mong Hội Nông dân, cũng như các đơn vị quản lý nông nghiệp cần có hướng dẫn, tư vấn nhiều hơn cho nông dân để chúng tôi thay đổi, sẵn sàng dẹp bỏ những thói quen canh tác lạc hậu. 

Thêm vào đó, nền nông nghiệp tỉnh nhà cũng cần làm liên hoàn, đồng bộ các khâu, từ quản lý giống, tổ chức sản xuất, chế biến, bảo quản đến khâu tiêu thụ được thực hiện một cách đồng bộ. Lễ hội lần này, tôi kỳ vọng các các nhà khoa học, các ngành, địa phương cùng ngồi lại, bàn bạc sâu hơn để tìm ra giải pháp hiệu quả với mục tiêu cuối cùng là từng bước làm tăng giá trị gia tăng của hạt cà phê. 

*Anh Nguyễn Thái Thuận (xã Pơng Drang, huyện Krông Búk):

Liên kết chuỗi cà phê bền vững

Là một một hộ kinh doanh cà phê nhỏ, hiện liên kết tiêu thụ cho khoảng 6 ha cà phê của nông dân xã Pơng Drang, tôi đánh giá cao việc hiện nay có nhiều hợp tác xã đã thực hiện tốt việc liên kết với doanh nghiệp, bao tiêu sản phẩm cho thành viên hoạt động hiệu quả, giúp cải thiện thu nhập và mang lại nhiều lợi ích thiết thực khác cho thành viên cũng như góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.

Mặc dù hiện đã có nhiều mô hình liên kết sản xuất tốt từ sản xuất đến tiêu thụ, sơ chế, chế biến, tiêu thụ nhưng phần lớn sản xuất còn nhỏ lẻ, quy mô nông hộ, thiếu bền vững, hiệu quả thấp.

Anh Nguyễn Văn Thuận.

Tôi kiến nghị, địa phương cần quan tâm đẩy mạnh củng cố, phát triển kinh tế hợp tác, tổ hợp tác và hợp tác xã trên địa bàn. Tổ chức lại sản xuất theo quy mô lớn như hợp tác xã kiểu mới cho năng suất, chất lượng đồng đều, hiệu quả cao. Tăng cường mối quan hệ giữa sản xuất, thu mua, chế biến, bảo quản. Đồng bộ tiến bộ kỹ thuật trong các khâu canh tác, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thu hoạch nhằm tăng chi phí, giảm chất lượng, tổn hại môi trường. Sản xuất chủ yếu theo chiều sâu, lấy trọng tâm là chất lượng, an toàn, bền vững…

*Ông Nguyễn An Khê (Công ty Cổ phần công nghệ tưới Khang Thịnh):

Cần đội ngũ đánh giá chất lượng được thế giới công nhận

Là một lão nông với bề dày kinh nghiệm 36 năm gắn bó, chăm sóc hơn 16 ha cà phê, hiện ông Khê đang là một cố vấn nông học cho một doanh nghiệp chuyên sản xuất công nghệ tưới nhỏ giọt trên đia bàn tỉnh. Ông Khê cho biết, cây cà phê là “cái nền” cơ bản của kinh tế nông nghiệp tỉnh Đắk Lắk. Song, từ trước đến nay, người dân luôn quan tâm đến sản lượng mà quên đi chất lượng. Câu hỏi mà nông dân trồng cà phê luôn đặt ra: “1 ha thu được bao nhiệu tạ cà phê?” mà không bao giờ nghỉ đến việc “1 ha cà phê sẽ lời bao nhiêu tiền?”. 

Ông Nguyễn An Khê (bìa trái) hướng dẫn nông dân chăm sóc cây cà phê.

Những năm gần đây, không ít bạn trẻ rời thành thị về nông thôn trồng trọt, sản xuất, chế biến cà phê. Thành công của lớp trẻ chính là đặt chất lượng lên hàng đầu. Nhưng vấn đề ở đây đó là, người bán lúc nào cũng khen sản phẩm mình tốt, người mua lúc nào cũng chê để được giá thấp nhất, vậy cần phải có một “trọng tài” đẳng cấp để hai bên mua và bán cùng đi. 

Do đó, tôi mong muốn qua Lễ hội Cà phê Buôn Ma Thuột lần này, để cà phê có sân chơi đầy đủ cần phải có một đội ngũ đánh giá chất lượng được thế giới công nhận. Một doanh nghiệp nước ngoài vào thị trường cà phê Việt Nam muốn tìm nguồn nguyên liệu cà phê có thể được đội ngũ đánh giá chất lượng này hỗ trợ, tư vấn. Chính đội ngũ kiểm tra chất lượng là lực lượng makerting tốt nhất và là "tấm vé" để cà phê tỉnh Đắk Lắk dễ dàng ra nước ngoài.

Hoàng Ân - Đỗ Lan (thực hiện)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.